Con đường dẫn về làng Ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đang vào giai đoạn sửa chữa, mưa dầm liên tiếp mấy hôm nên bùn đất càng ngập ngụa.
Ngoài thời gian lên lớp dạy bộ môn Thể dục ở trường THCS Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, “Thầy” Lê Đức Thắng, SN 1960, quê ở làng Ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tranh thủ hành nghề thầy bói cũng như tìm mộ. 30 năm đứng lớp, có tới vài chục năm thầy Thắng “lập điện”. Mỗi ngày có hàng chục người ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình kéo nhau về nhà “thầy” mong một lần được nghe “thầy” phán “số”.
“Tìm mộ đơn giản lắm”…
Con đường dẫn về làng Ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đang vào giai đoạn sửa chữa, mưa dầm liên tiếp mấy hôm nên bùn đất càng ngập ngụa. Nhưng điều đó không ngăn được dòng người kéo về nhà “thầy”.
Hỏi thăm về nhà “thầy” Thắng, một người trong làng nói: “Cứ đi thẳng tới cái nhà 2 tầng màu vàng, to nhất, trồng nhiều cau, có 2 cái miếu thờ, đằng trước là cái ao to và cắm cờ trước cổng”.
Bước chân vào cổng nhà “thầy” Thắng, chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe máy được sắp xếp gọn trước nhà.
Trước điện nhà “thầy”, vài chục người đủ các lứa tuổi, từ thanh niên đến trung niên cả nam lẫn nữ ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… đang ngồi ngay ngắn trước điện thờ nhà “thầy”. Tất cả mọi người trật tự, trao đổi với nhau chỉ bằng những lời rỉ tai thầm thì.
Nhìn khu “điện” thờ nhà “thầy” Thắng ai cũng phải trầm trồ. Từ hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những chiếc lục bình lớn, bình hoa, tượng phật, bánh trái, hoa quả đều được sắp xếp đối xứng, gọn gàng, thể hiện được khiếu thẩm mĩ của gia chủ.
Thầy giáo Lê Đức Thắng kiêm thầy bói, tìm mộ.
Nhiều người đến nhà “thầy” Thắng không chỉ xem tướng số, Tử vi mà còn muốn tìm mộ cho người thân. Anh Nguyễn Lê Vinh quê ở Sơn Tây, Hà Nội không quản mưa gió, xa xôi tới đây nhờ tìm mộ cho chị gái thất lạc cách đây đã 30 năm. “Thầy” Thắng điềm nhiên bảo: “Tìm mộ đơn giản lắm”.
Thầy có quy định tìm mộ mà nhiều người đến đây đã thuộc lòng. Đó là việc người đến tìm phải khai báo đủ một số thông tin: “Tìm mộ cho ai hoặc bốc mộ cho ai, tìm cho cụ ông hay cụ bà, bao nhiêu tuổi, táng tái xứ động nào, thôn xã huyện mình đang ở ngày nay tên gì. Tìm mộ liệt sỹ, nhớ người liệt sỹ đó hy sinh năm nào, đơn vị trung đoàn, sư đoàn rõ ràng và “tọa độ vùng chết”. Tìm người chết đói, chết trôi sông, bỏ nhà ra đi năm bao nhiêu”.
Bác Trần Văn Vinh, ở TP Hưng Yên, kể tỉ mỉ, khoảng 2 năm trước bác cũng nhờ “thầy” Thắng tìm mộ cho người anh trai đã mất tích nhiều năm nay. Theo đúng lời thầy căn dặn. Chỉ cần trước khi tới nhà thầy thắp hương nhang, một lá trầu, quả cau và có lời với người cõi âm. Ngoài ra, ghi ở mảnh giấy phần mộ người đó ở cánh đồng, thôn, xã, huyện nào rồi tới đây “thầy” chỉ cho. Ở nhà, “thầy” sẽ chỉ dẫn vị trí ngôi mộ đó.
Đúng ngày giờ hoàng đạo, gia đình bác Vinh vác thuổng xẻng đi tìm mộ cho người anh. “Thầy” Thắng điềm tĩnh chỉ đạo từ xa bằng điện thoại, phải đào chỗ này, nhẹ tay chỗ kia, sắp tới tiểu rồi… Cả nhà hì hục từ sáng tới trưa, cuối cùng, kết quả vẫn là con số 0, không thấy cái tiểu nào như lời thầy Thắng cam đoan.
Nói tên, gọi bằng “thầy” bị đuổi về
Hàng sáng, “thầy” Thắng tự mình lau dọn điện, thay nước, trải thảm, chuẩn bị mọi thủ tục để tiến hành xem bói, tìm mộ. Hỏi ra mới biết, “thầy” không cho ai đụng vào điện chứ không phải không có người giúp, chỉ có một mình “thầy” được làm. Còn ở trong nhà vẫn có hai ba người giúp việc phục vụ.
Mấy chị đến xem bói rỉ tai chúng tôi: “Đến đây lần đầu hả? Không được quàng khăn, đeo túi đâu, mang ra xe đi”. Sáng ra, đợi “thầy” xem có cả mấy chục người ngồi ngoài sân mà không khí im thin thít, không ai dám nói to, đi lại cũng phải khẽ khàng.
Trước mặt, người đàn ông diện bộ quần áo thể thao, dáng người dong dỏng, mái tóc gọn gàng đang lau dọn “điện”.
8g30, sau khi làm xong các thủ tục, “thầy” Thắng mời tất cả mọi người vào “điện” và bắt đầu làm việc. Trút bỏ bộ quần áo thể thao không diện quần chùng áo the, quần áo nâu sồng như mọi thầy đồng bà cốt khác.
Trước khi bắt đầu, “thầy” Thắng chắp tay trước bụng, nói giọng trầm bổng, kéo dài thành vần điệu một bài mở đầu: “Trước khi vào xem, tôi xin nhắc tất cả các bác, các anh chị, em nhớ biển số xe, tôi gọi số xe thứ tự từ trong ra ngoài, nếu là xe xem 2 hoặc 3 người thì nhắc xe có 2 hoặc 3 người, gọi số xe lần thứ nhất không nói tuổi tôi cho qua, gọi số xe lần thứ hai không nói tuổi tiếp là tôi chuyển người khác luôn các bác nha”.
Mọi người chăm chú lắng nghe từng lời. Giọng “thầy” Thắng trầm bổng theo nhịp điệu: “Điều cuối cùng tôi nhắc các anh chị em khi nhấc mông lên vào trong nhà ngồi, nhớ cất ghế lại đúng chỗ cũ, các bác, các anh chị em nhìn lại ghế giúp, loại ghế nào trả đúng hàng ghế đó, các bác các anh chị, em đừng để tôi lỡ lời mà gạch xe”.
“Thầy” Thắng đánh vài tiếng chuông lớn rồi lầm rầm khấn vái. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, “thầy” vừa cầm cây chổi phất trần quét quét quanh chỗ ngồi vừa cất giọng: “Mình đi xem bói để ngẫm tương lai, không phải đi xem bói để mê tín, dị đoan. Trong lúc xem đừng có nói cái chuyện đồng bóng mê tín dị đoan. Nếu ai cố tình nói chuyện đồng bóng, cố tình nói chuyện mê tín dị đoan lúc đang xem nếu tôi có lỡ gạch xe đuổi về mong các bác, các anh chị em thông cảm lượng thứ”.
Quy tắc không được nói tên, không được gọi là “thầy” đã được người đến xem dặn dò nhau cẩn thận. Nhiều người đến xem bói, tìm mộ chỉ sơ suất nói tên mình là bị “thầy” Thắng đuổi về không xem cho.
Chị Hoa, ở xã Ngọc Cục, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nói nhỏ với tôi: “Tôi phải gọi điện đăng kí trước, rồi đến từ 5g sáng để xe máy ở đầu. Vì thầy theo lượt xe, ai đến trước thì vào trước. Tôi tới nhà thầy 5 lần rồi mà lần nào cũng bị chẫng. Mọi hôm xe để kín sân cơ, ô tô thì đỗ đầy ở ngoài bãi kia. Hôm nay trời mưa gió nên mới có vài chục người như thế”.
“Thầy” ngồi ung dung, co duỗi chân thoải mái, tươi cười khi phán tướng số cho từng người. Cô Hạnh, người Thái Bình, tìm đến đây hỏi thầy xem năm nay mẹ ốm có qua khỏi được không, thầy phán: “Năm nay vui ít buồn nhiều”, khi cô Hạnh hỏi lại xem mẹ có thể sống đến bao nhiêu tuổi thì “thầy” chỉ cười: “Cái đó thì không thể chắc chắn được, cụ cũng yếu rồi, khó nói lắm”. Tất cả mọi người ngồi bên ngoài cửa “điện” lắng nghe chăm chú như nuốt từng lời “thầy” phán.
Xem bói cho ai, “thầy” Thắng cũng nói về một vấn đề “khó hiểu”, đó là “về cái mê tín dị đoan của nhà mình thì không có gì”. Người xem bói gật gù nuốt từng lời phán, “thầy” Thắng lại cười tủm tỉm như đang biết điều gì đó mà không nói ra.
Theo Pháp luật và Xã hội