Tin mới

Chuyện tình cô gái bán "bia ôm" và gã "bảo kê"

Thứ tư, 03/09/2014, 15:01 (GMT+7)

Trong một lần bị bảo kê đánh vì tội không chịu "nhảy chúi" (bán dâm), chị đã gặp được anh. Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đã giúp anh chị từ bỏ thế giới ngầm, tự tay viết lại cuộc đời mình.

Trong một lần bị bảo kê đánh vì tội không chịu "nhảy chúi" (bán dâm), chị đã gặp được anh. Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đã giúp anh chị từ bỏ thế giới ngầm, tự tay viết lại cuộc đời mình.

Không dễ để cưới gái bia ôm về làm vợ

Lần đầu tiên gặp chị Nguyễn Thị Uyên Thùy (SN 1967, ngụ thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhan sắc, cũng như sự cởi mở của người phụ nữ từng trải qua nhiều chông gai, sóng gió của cuộc đời. Mồ côi cha từ khi chưa chào đời, tuổi thơ chị là những tháng ngày cơ cực, lăn lộn mưu sinh khi người mẹ quanh năm ốm đau. Dù khó khăn đến đâu chị cũng không ngừng cố gắng đến trường.

Thế nhưng, đang học lớp 10, chị phải tạm gác bút nghiên lại, phần vì giải quyết cái bào thai không được chủ nhân vốn là một ông thầy giáo thực tập ở trường lúc đó thừa nhận; phần vì cuộc sống gia đình quá khó khăn. Giữa lúc chị chuẩn bị "nằm ổ" thì mẹ chị qua đời vì bạo bệnh sau nhiều năm nằm liệt giường.

Mẹ mất đi, để lại cho chị Thùy món nợ "cao" hơn núi là hậu quả sau nhiều năm vay mượn để chữa bệnh cho mẹ mà không biết khi nào chị mới trả hết nợ. Không một tấc đất cắm dùi, để có tiền trả nợ, chị cắn răng bồng theo đứa con còn đỏ hỏn lên thành phố tìm việc làm. Không có nổi một đồng xu dính túi, cô hoa khôi làng nhanh chóng bị những cám dỗ nơi thị thành đánh gục. Chị nhanh chóng sa chân vào con đường mà xã hội khinh rẻ - bán bia ôm.

Nhớ về quãng đời cay đắng lúc ấy, chị kể: "Lúc đó mình như bông hoa dại giữa phố, nên được nhiều khách ưu ái. Cái nghề hái ra tiền đấy nhưng cũng không ít đắng cay, tủi nhục. Bị khách khinh bỉ miệt thị đã đành, nhưng độc ác hơn cả là sự đối xử tàn nhẫn của ông bà chủ với nhân viên".

Dù làm gái bán bia ôm, nhưng có đánh chết chị cũng không chịu "nhảy chúi" (ngủ với khách, bán dâm - PV). Lý giải về chuyện "ngược đời" đó của mình, chị Thùy bảo: "Đời tôi lúc đó còn gì để mà giữ đâu nữa chú, nên chẳng có chuyện tôi không nhảy chúi để giữ trinh tiết như mấy cô chưa chồng. Tôi không nhảy chúi vì sợ chú à. Tôi sợ, lúc tôi nhảy chúi bị công an bắt, phải lên tivi, rồi đi trại phục hồi nhân phẩm thì thằng ân con tui ai nuôi".

Không ít lần vì từ chối nhảy chúi, chị bị bọn bảo kê đánh thâm tím mặt mày. Trong một lần bị bảo kê thúc ép, không kìm chế được, chị đã đập chai bia để cự lại. Nhờ một người đàn ông tên Đoàn Đình T. lúc đó cũng đang là bảo kê trong quán kịp thời can thiệp, đã ngăn được vụ hỗn chiến.

Chị Thùy đang tâm sự với PV về cuộc đời mình.

Lý giải thay chồng mình, chị Thùy kể : "Sau này khi hỏi lại, cậu ấy (cách gọi thân mật của chị dành cho anh - PV) bảo, lần đầu tiên trong đời thằng bảo kê thấy một gái bán bia ôm dù chết cũng không chịu nhảy chúi với khách. Lúc đó thấy hay hay rồi quyết cưới chị về làm vợ cho bằng được". Thế nhưng, để lấy được một cô gái bán bia ôm về làm vợ cũng chẳng dễ dàng gì với bản thân anh T.. Dù lúc đó anh là một kẻ lang thang chẳng có nghề ngỗng gì trong tay. Khi mang chị về ra mắt gia đình, chẳng những hàng xóm láng giềng dị nghị mà bố mẹ anh cũng phản đối quyết liệt. Vượt qua sự phản đối của người thân, anh chị quyết định làm đám cưới. Sau đám cưới, cả hai quyết định "trốn" về quê chị ở thôn Lại Bằng sinh sống...

Dệt hạnh phúc sau "cơn ác mộng"

Không nghề nghiệp trong tay, những ngày đầu về lại thôn Lại Bằng để cứu đói khẩn cấp cho gia đình, chị đã "tập" cho chồng cách đốn củi bán, cách mót từng củ khoai, hạt đậu mà người ta để sót lại trên ruộng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tuy chưa giàu nhưng cuộc sống của anh chị phần nào bớt khó khăn. Cuối năm 1998, đứa con trai đầu lòng của anh chị chào đời.

Để có miếng ăn, anh chị phải bồng con vào tận rừng sâu của huyện Giằng (xã Nam Giang, huyện Đông Giang, Quảng Nam) kiếm củi mưu sinh. Nhớ lại quãng thời gian đó, chị thở dài ngao ngán: "Sáng tờ mờ, khi mọi người còn đang ngủ thì vợ chồng mình đã phải bơi sang sông trong cái lạnh thấu xương để vào rừng chặt cây. Giữa buổi, chị lại phải bơi về cho con bú, xong lại bơi sang sông để tối đưa gỗ về bán cho đầu nậu".

Dù cuộc sống khổ như trong ác mộng, thế nhưng lại hái ra tiền khi có những ngày anh chị kiếm được cả chỉ vàng. Thế nhưng, anh chị bất ngờ bỏ ngang trở về quê, sau cuộc gặp gỡ tình cờ với người dân tộc thiểu số địa phương. Chỉ bằng câu hỏi đơn giản: "Có nhìn thấy nhà nước cấm gì không mà còn vào đây phá rừng?", đã thức tỉnh lương tri của chị, khi những người dân tộc vùng xa xôi hẻo lánh mà họ còn ý thức được rứa, huống chi mình là người miền xuôi lại có học? Trở về quê, không nghề nghiệp cũng chẳng một mảnh đất cắm dùi. Chị quyết định đầu tư buôn bán thực phẩm. Chưa kịp thu lại vốn thì trận lũ lịch sử năm 1999, toàn bộ nhà cửa, tài sản đã bị giật xuống sông, trôi theo dòng nước lũ. Vợ chồng chị lại một lần nữa trắng tay.

Sau bốn năm tằn tiện tích cóp, đến đầu năm 2003, vợ chồng chị làm cả xã Hương Vân xôn xao khi đã khai hoang, phát quang trồng thành công 10 hecta rừng ở vùng núi Khe Bội. Chị bảo: "Nhà không có vốn, cứ làm thuê tích cóp được bao nhiêu vợ chồng mình lại mua gạo, thực phẩm, rồi cả nhà bồng bế nhau lội bộ hơn chục cây số vào rừng ở. Nhiều lần, phát quang xong thì hết tiền ăn, vợ chồng mình phải quay ra ngoài đi làm thuê để có tiền đong gạo nuôi con. Sau gần ba năm vừa miệt mài lao động, vừa chăm chỉ trồng rừng, hai vợ chồng đã phủ xanh 10 hecta đồi núi trọc. Mười hecta rừng đó phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả bằng máu của cả hai vợ chồng mình".

Thế nhưng, ông trời vẫn chưa chịu buông tha họ, khi trận bão Chanchu 2006 đã xóa sạch công sức lao động, quật gãy toàn bộ cánh rừng trồng gần 4 năm tuổi của vợ chồng chị. Nhờ quyết tâm làm giàu chân chính trên quê hương bằng đôi tay mình, cùng với sự giúp đỡ của người quen, anh chị đã trồng lại được 10 hecta rừng bằng nguyên tắc "vết dầu loang". Sau gần hai mươi năm nỗ lực lao động, vợ chồng chị Thùy đã là tỉ phú làm giàu từ trồng rừng. Cuộc sống ổn định, anh chị càng có điều kiện lo lắng cho chuyện học hành của các con. Cậu con trai Từ ân, đang theo học năm cuối chuyên ngành sáng tác lý luận, học viện âm nhạc Huế. Noi gương anh cả, ba đứa con chung của anh chị năm nào cũng là học sinh ngoan, khá giỏi ở trường.

Chia tay chúng tôi, chị bảo: "Chú có viết báo thì cứ nêu tên tuổi, quê quán, địa chỉ thật của tui để... mọi người cùng biết, không cần phải giấu giếm gì cả. Hôm nay, tên tui đã được tui viết lại, đời tui đã thay đổi rồi. Tui muốn đời tui như tấm gương để những phụ nữ không may khác có thể noi theo...".

Tấm gương sáng cần nhân rộng

Sau nhiều năm khó nhọc, đến nay vợ chồng chị Thùy đã trở thành tỉ phú từ trồng rừng.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết: "Năm 1998, sau khi đoạn tuyệt với quá khứ, vợ chồng chị Thùy chuyển về đây sinh sống. Suốt gần hai mươi năm sinh sống, không những chị Thùy chưa để xảy ra điều tiếng với bà con láng giềng, mà còn có nhiều đóng góp tích cực với phong trào xây dựng nông thôn mới. Vợ chồng chị không chỉ là tấm gương sáng cho những đối tượng từng một thời lầm đường lạc lối, khi tái hòa nhập với xã hội. Gia đình chị Thùy còn là điển hình cần được nhân rộng trong phong trào phát triển kinh tế bền vững từ rừng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Nguyễn Cường

Theo Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news