Tin mới

Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: "Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con"

Thứ hai, 10/12/2018, 16:30 (GMT+7)

"Yêu anh, mà anh lại là người chuyển giới, em có chấp nhận không?" - một câu hỏi thay cho lời cầu hôn Tôm dành cho Nguyệt. Cô khẽ đáp lại: "Vì yêu nên em chấp nhận".

"Yêu anh, mà anh lại là người chuyển giới, em có chấp nhận không?" - một câu hỏi thay cho lời cầu hôn Tôm dành cho Nguyệt. Cô khẽ đáp lại: "Vì yêu nên em chấp nhận".

 

Chuyện nàng Nguyệt: Yêu đến cô gái thứ 3, gia đình mới biết con đồng tính

Tình yêu từ trước đến nay vốn không có bất cứ sự phân biệt nào, yêu là yêu thế thôi! Suy cho cùng, tìm được người hiểu mình vì chính con người thật của mình âu có lẽ mới là điều quan trọng nhất.

Trên hành trình dài tìm kiếm nhau, tình yêu có sức mạnh ghê gớm phá bỏ mọi rào cản, khoảng cách, kể cả những nghịch cảnh tưởng như chẳng thể vượt qua.

Tôm Trần và Nguyệt Phạm là một cặp "vợ chồng" LGBT sống trong căn nhà rộng chừng 20m2 giữa bộn bề hối hả của Hà Nội.

Chuyện tình yêu của Tôm và Nguyệt cũng giống như bao người, chỉ khác chăng họ là những người thuộc cộng đồng LGBT, nên sóng gió vì thế cũng phải trải qua muôn phần.

Tôm Trần, 26 tuổi, nữ thành nam, là một bartender phố cổ. Còn Nguyệt Phạm, kém anh một tuổi, đồng tính nữ, là vận động viên cầu mây.

Tôm Trần và Nguyệt Phạm trong căn phòng bé xinh của mình.

"Thực ra từ khi đi học, mình đã thích chơi với con trai rồi. Đến năm 2007, mình theo thể thao, lên Hà Nội tập luyện và gặp rất nhiều bạn bè cùng học chung, ở chung.

Mình ngưỡng mộ, ấn tượng và bắt đầu làm quen với một bạn nữ từ năm 2009. Khi ấy, cảm xúc rất khác lạ!" - Nguyệt là đồng tính nữ, từng trải qua nhiều mối tình "sớm nở chóng tàn" với nhiều bạn đồng giới khác.

Cuộc tình kéo dài nhất của Nguyệt cũng chỉ 3 năm, vì một số vấn đề hai người chia tay. Gia đình không hề hay biết, cho tới khi cô yêu người con gái thứ 3.

"Bố mẹ biết nhưng không hề nói gì. Mình sợ bố mẹ sốc, rồi đuổi đi. Bạn ấy cũng về ở nhà mình một tháng, bố mẹ vẫn bình thường.

Khi bạn lên Hà Nội, bố mẹ mới gọi ra nói chuyện: "Tại sao lại như thế? Hay mày bị người ta dụ dỗ?", mình cũng không biết trả lời thế nào, chỉ khóc" - Nguyệt nói.

Nguyệt nhận ra bản ngã giới tính thật khi còn rất bé.

- "Mày là con gái, bố mẹ chỉ lo cho mày thôi. Mày yêu đương như thế thì sau này ai lo cho mày?", bố mẹ Nguyệt không đánh mắng hay chửi bới, chỉ là họ lo cho cô con gái bé nhỏ của mình.

- "Con nhận ra chính mình từ lâu rồi, con sẽ cố gắng tìm một người có thể chăm sóc được cho con".

Rồi Nguyệt tìm thấy Tôm, anh đề cập chuyện lâu dài và mong muốn có một đám cưới hạnh phúc, bố mẹ cô đã có suy nghĩ khác.

Chuyện chàng Tôm: "Tao đánh cho đến khi mày nhận là con gái"

Tôm Trần ngay từ nhỏ đã thể hiện mình là một người con trai với vẻ nam tính "bẩm sinh". Nhưng Tôm chỉ là một đứa trẻ con, không biết chính xác mình là ai của thời điểm đó, bản ngã giới tính như thế nào.

Lớn lên, Tôm sinh hoạt rồi sống như một người con trai. Mẹ Tôm nhận ra điều ấy. Bà thường bắt con gái mặc váy nhiều hơn. Thay vì may quần áo cho con, bà chỉ may váy.

"Đầu tiên mình rất khó chịu, có được 2, 3 cái quần sẽ giấu đem ra mặc, rồi giặt cất đi. Mẹ bắt mặc váy thì mình chạy nghịch, tìm mọi cách làm cho nó rách.

Các bạn gái bằng tuổi đều làm đẹp, tóc tai, điệu đà, mình chẳng biết mấy cái đấy. Mình thích cuốc đất trồng rau hơn là thêu thùa, khâu vá. Mình phải học cách dung hoà cả 2 bản tính trong con người".

Với Tôm, quá trình đấu tranh được là chính mình vất vả hơn so với Nguyệt.


Bước chân lên Đại học, Tôm bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn. Khái niệm người chuyển giới khi ấy chưa có, người chuyển giới Hà Nội rất khó khăn, họ gần như phân tách thành từng nhóm riêng, sống khép kín và không để lộ diện bản thân với bất cứ ai.

Trước, Tôm chỉ đánh đồng mình là người đồng tính, chỉ yêu nữ. Nhưng càng ngày anh càng nhận ra sự khác biệt.

"Sau khi mình tìm hiểu thông tin về người chuyển giới, mình mất khá nhiều thời gian để xác định mình là ai.

Thay vì vẫn ở trong vỏ bọc, mình thể hiện rõ bằng cách cắt tóc, mặc đồ nam tính, đúng những gì mình thích. Mình toàn trốn đi mua quần áo, nhiều khi 2 mẹ con dẫn nhau đi mua, mẹ thường khóc bỏ về".

Mẹ đay nghiến, bố quát mắng với những ngôn từ khó nghe nhất. "Mày không là con gái đàng hoàng tao đánh cho đến khi mày nhận là con gái mới thôi".

Tôm bỏ ngoài tai tất cả để được sống là chính mình. Bẵng đi một thời gian, giữa bố mẹ và Tôm càng nhiều xích mích và tranh cãi. Hơn 10 năm anh cố gắng phấn đấu sống để chứng tỏ bản thân. Anh cũng biết, bố mẹ lo lắng nên mới đối xử với mình như thế.

 

Năm 2005, Tôm quyết định công khai giới tính thật.

Năm 2005, Tôm Trần quyết định come - out (công khai giới tính thật). Anh về nhà, đem theo tất cả mọi thứ bố mẹ từng mua cho.

"Hôm nay con về muốn nói chuyện với bố mẹ. Xong xuôi, nếu bố mẹ chấp nhận thì con vẫn sẽ cố gắng học tập và sống tốt. Còn nếu không, con xin trả lại hết, bước đi một mình. Con yêu nữ và mong muốn là một người đàn ông".

"Nhưng bố mẹ không muốn con đi trái với cả xã hội, không muốn con khác biệt với những người khác. Cuộc sống sau này sẽ vất vả, khó khăn. Mẹ là người sinh ra con, mẹ muốn con sinh sống bình thường". Khoảng thời sau, gia đình tiếp tục dùng đủ mọi biện pháp ngăn cấm Tôm chuyển giới.

Cách đây 3 năm, Tôm quyết định tiêm hooc-môn nam, yết hầu dần hiện rõ, giọng nói trầm hơn, cơ bắp phát triển.

Hiện tại, cách 3 tháng Tôm lại đến bệnh viện kiểm tra một lần. Cuối 2017, Tôm thực hiện một ca tiểu phẫu thu nhỏ núm ngực. Cứ cách 3 tuần, anh lại tiêm hooc-môn nam để duy trì đặc điểm nam tính cho cơ thể.

Qua nhiều cuộc tình đổ vỡ, cho đến khi Tôm tìm thấy Nguyệt, anh biết Nguyệt sẽ là bến đỗ bình yên cuối cùng dành cho mình.

 

Tôm nhận thấy, Nguyệt chính là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời mình.

Tình yêu của Nguyệt và Tôm: "Cố gắng đến năm 2020, tụi mình sẽ có 1 đứa con"

Trước khi đến với nhau, Tôm và Nguyệt đơn giản chỉ là những người bạn trong cùng một nhóm chơi chung.

Không thân, không hay nói chuyện, cũng chỉ gọi là biết nhau "qua loa". Họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2011, nhưng không nhiều ấn tượng, đối phương khi ấy cũng đang miên man trong cuộc tình riêng.

Sau 6 năm không gặp, cuối năm 2017, Tôm được một bạn đề nghị giới thiệu một bạn nữ xinh xắn. Điều diệu kỳ là người được mai mối kia chính là Nguyệt.

Một tuần sau khi Nguyệt đi tập huấn bên Thái Lan, công việc kinh doanh của Tôm gặp khó khăn, anh đâm ra chán nản. Khi ấy, chỉ có Nguyệt luôn bên cạnh nói chuyện, tâm sự với anh mỗi ngày.

"Sau một tháng bạn ấy về, mình quyết định sẽ gắn bó và trân trọng bạn ấy. Mình suy nghĩ nghiêm túc cho một mối quan hệ nghiêm túc. Bởi lẽ, lúc khó khăn mới biết người bên cạnh mình là ai" - Tôm nói.

 

Tình yêu của 2 người có chút khó khăn nhưng đã được đền đáp xứng đáng.

- "Yêu anh, mà anh lại là người chuyển giới, em có chấp nhận không?" - một câu hỏi thay cho lời cầu hôn Tôm dành cho Nguyệt.

Cô khẽ đáp lại: "Vì yêu nên em chấp nhận".

2 người chuyển về sống chung với nhau đã được hơn 1 năm.

Lần đầu tiên Nguyệt đưa Tôm về ra mắt gia đình, ai cũng tưởng anh là con trai "xịn" nên phấn khởi lắm. Bố mẹ bắt đầu đặt vấn đề: "Thế bây giờ chúng mày xác định yêu nhau thì nên cho gia đình biết, rồi có xác định cưới không? Tụi mày ra ngoài sống chung nhỡ may có em bé thì sao?".

Nguyệt cũng chỉ đáp: "Làm sao mà có em bé được, mẹ cứ yên tâm!".

"Lần về tiếp theo mình với Tôm quyết định nói thật cho bố mẹ biết. Bố mẹ không phản ứng gì vì từ trước đã biết mình yêu con gái.

Bố mẹ không đề cập đến chuyện cưới xin, để tụi mình tự quyết định. Mỗi khi mình về nhà, ai cũng hỏi: Thế Tôm có về cùng không. Mình biết mọi người đang dần chấp nhận 2 đứa" - Nguyệt kể.

Hiện tại nhà Nguyệt giục cưới lắm rồi, nhưng cả 2 đều nghĩ để qua năm khi công việc Tôm ổn định, Nguyệt hoàn thành đại hội thể thao mới tính đến chuyện đám cưới được tốt hơn.

Một năm sống chung, bất kì cặp đôi nào cũng sẽ có những xích mích hay cãi vã. Giữa Tôm và Nguyệt cùng thống nhất: nếu có chuyện gì 2 bên cùng nhau bàn bạc rồi đưa ra ý kiến riêng, chọn cách tốt nhất cũng là tôn trọng ý kiến nhau hơn.

 
 
Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 8.
 
Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 9.
 
Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 10.
 
Không gian nhỏ bé ấm cúng của Tôm và Nguyệt.

Tôm nhớ lại, "Hồi đầu mình cũng hay nóng tính, nhiều lúc hay cáu. Bọn mình thi thoảng đôi co vài câu, sau đó chỉ im lặng thôi. Khi nào bình tĩnh lại nói chuyện sau.

Có hôm không nhớ cãi nhau chuyện gì, mình hét lên: "Không sống với nhau nữa" rồi xách xe bỏ đi, lấy thêm 2 bộ quần áo. Lúc sau quay lại lấy thêm đồ thì gặp Nguyệt đang đi bộ ra. Hai đứa đứng nói chuyện một hồi, rồi Nguyệt bảo "Đi về với em đi!". Tụi mình ôm nhau đi về!".

12, 13 năm Tôm come-out đến bây giờ, bố mẹ anh mới thực sự chấp nhận, cho anh tự do quyết định cuộc sống phía trước. Khoảng thời gian hiện tại cho cả Tôm và Nguyệt khá viên mãn, công việc ổn định, Tôm có người yêu bên cạnh để xác định chuyện lâu dài.

Mọi người xung quanh cũng dần chấp nhận Nguyệt là thành viên trong gia đình, để sau này khi tiến tới hôn nhân sẽ thuận lợi hơn.

"Mình khó khăn hơn Nguyệt, phải mất một thời gian dài bộc lộ bản thân, chứng minh cho gia đình hiểu. Thành thử, mình cảm thấy trân trọng bây giờ, càng hiểu tâm lý bố mẹ tại sao thời điểm đó lại đối xử với mình như vậy".

Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 11.

Dù ngoài kia hối hả thì bên trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 20m2 này là cả một bầu trời bình yên, hạnh phúc.

Cả Tôm và Nguyệt đều mong muốn sau khi lấy nhau sẽ cùng đón em bé bằng cách thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên về vấn đề pháp lý, Việt Nam chưa công nhận những cuộc hôn nhân của cộng đồng LGBT.

Nếu sinh con ra, Tôm biết cháu bé chỉ trên danh nghĩa là con của Nguyệt, anh không thể ghi tên mình là bố đứa trẻ, càng không thể ở cạnh cầm tay Nguyệt khi cô trở dạ. Thiệt thòi cho cả 2 vợ chồng lẫn đứa bé.

"Nếu mình sinh ra đứa bé mà nó phải chịu thiệt thòi như thế thì có nên không?", Tôm đã nghĩ rất nhiều.

"Bạn bè, người thân cũng hỏi sao không xin con nuôi nhưng mình cảm thấy, thiên chức làm mẹ của Nguyệt là thứ cao cả nhất. Nguyệt quen mình đã thiệt thòi rồi, thì chẳng lẽ mất luôn thiên chức làm mẹ nữa, mình không muốn như thế".

2 vợ chồng gắn bó với nhau cần có một đứa trẻ. Đó là sự gắn kết giữa 2 người, 2 gia đình, là động lực cùng cố gắng phấn đấu. Có thể xông pha ngoài xã hội nhưng khi về với tổ ấm, Tôm và Nguyệt cùng dồn hết yêu thương cho đứa nhỏ.

Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 12.

Tôm và Nguyệt chăm sóc "bầy con thơ" của mình.

"Nếu không có con, bọn mình cũng chỉ như 2 người đi song song bên nhau, không thể như những cặp gia đình bình thường. Họ có giấy đăng kí kết hôn, bọn mình có lấy nhau cũng không có quyền như thế. Mình lo cho đứa trẻ, sợ nó sinh ra phải sống trong sự thiệt thòi. Ra đường thấy trẻ con mình thích lắm chứ.

Bằng tuổi mình, bạn bè lập gia đình hết rồi. Mình cảm thấy có lỗi với người lớn, vì mình là đứa lớn nhất trong nhà mà ông bà bố mẹ đến bây giờ vẫn chưa có cháu bế. Nếu ông bà mất đi, đấy là lỗi lớn nhất của mình.

Cố gắng đến năm 2020 tụi mình sẽ có 1 đứa con để tất cả mọi người đều có niềm vui. Và mối quan hệ của 2 đứa sẽ chắc chắn hơn, đảm bảo hơn, hạnh phúc hơn"- Tôm hy vọng.

Trước giờ chúng ta vẫn hay nghĩ, những người trong cộng đồng LGBT thì tình yêu của họ thường không lâu dài, vì không có gì gắn kết, đảm bảo hay níu kéo. Từ khi đón Nguyệt về sống chung, Tôm có bạn đồng hành.

Những ngày Nguyệt phải đi tập luyện hay thi đấu xa nhà, Tôm buồn nhiều lắm. Anh dồn thời gian chăm lũ mèo như "đàn con thơ" cho vơi bớt nỗi nhớ nhung.

Cuối buổi trò chuyện, Tom thủ thỉ: "Trước đây làm cái gì cũng một mình. Sau 1 năm sống cùng nhau, bọn mình có nhiều sự gắn kết. Nhiều lúc bạn ấy hay cáu gắt nhưng mình cảm thấy như thế đỡ hơn sống 1 mình. Mình mong 2 đứa sẽ cùng sống với nhau thêm nhiều nhiều năm nữa".

Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 13.
 
Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 14.
 
Chuyện tình LGBT xúc động của nam bartender chuyển giới và nữ vận động viên ở Hà Nội: Tụi mình vẫn mong có 1 đứa con - Ảnh 15.

Sự bình yên và hạnh phúc sau bao sóng gió tìm thấy nhau.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news