Theo người dân thôn Nà Ếch, trong thời gian qua, thương lái Trung Quốc thu mua loài Lan kim tuyến với giá cao nên cả làng ai cũng bỏ việc để vào rừng săn tìm.
Báo Dân Việt đưa tin, trong thời gian qua, thương lái Trung Quốc thu mua loài Lan kim tuyến với giá cao nên người dân các xã thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh bỏ việc vào rừng tìm hái loài “thần dược” này.
Lá lan kim tuyến có hình bầu, với nhiều đường kẻ sáng lấp lánh chạy dọc thân lá. (Ảnh: Dân Việt) |
Chị Chìu Thị Chắn, thôn Nà Ếch (Lục Hồn – Bình Liêu – Quảng Ninh) cho biết, hôm nay chị về sớm hơn bởi trời lạnh quá, người cũng mệt nên về nghỉ ngơi sớm để lấy sức cho ngày mai đi tìm tiếp.
Ba ngày nay, cả hai vợ chồng chị cũng chỉ thu hái được khoảng 3 lạng. Vợ chồng chị sức khỏe không tốt nên chỉ đi quanh rừng gần nhà, đi về trong ngày, trong khi đó nhiều người sang cả những cánh rừng ở Yên Tử, Uông Bí thậm chí sang cả Lạng Sơn.
Anh Trần Văn Dìn ở thôn Nà Ếch cho biết, cứ mỗi nhóm khoảng 4-5 người, đi vào rừng tìm từ 2 đến 3 ngày mới về một lần. Người nào may mắn mỗi ngày cũng chỉ tìm được khoảng 1 lạng là cùng bởi loài này khá hiếm.
Cũng theo anh Dìn, khoảng 10 năm trước, loài lan kim tuyến này cũng đã được thương lái Trung Quốc thu mua, nhưng giá thành thấp hơn, chỉ khoảng 12-15 triệu/ 1kg. “Hiện tại, giá mỗi kilogam thương lái mua tại đây là 23 -25 triệu đồng”, anh Dìn nói.
Sau khi các đầu mối thu gom về, dùng những hộp nhựa đóng gói chờ thương lái Trung Quốc sang thu mua. (Ảnh: Dân Việt) |
Khi được hỏi về việc thua mua loài lan kim tuyến này để làm gì, một thương lái người Việt nói: “Chẳng biết họ làm gì, chỉ biết là họ mua với giá cao nên mình làm đầu mối thu gom từ người đi rừng về rồi khoảng chục ngày thì họ đến nhập”.
Cũng theo chị Tú, một thương lái khác cho biết gom được bao nhiêu thì họ lấy bấy nhiêu. Càng nhiều càng tốt nên các đầu gom như chị cũng cạnh tranh nhau khá khốc liệt. “Giá họ nhập dao động 27-30 triệu/kg. Nhưng dồn cả tháng may ra được vài kilogam là nhiều”, chị Tú cho biết.
Thông tin từ một số tài liệu khoa học đã được công bố cho biết, lan kim tuyến hay còn gọi là lan gấm, kim cương có tên khoa học là Anoechilus roxburghii hay Ludisia discolor, thuộc họ Lan (Orchidaceae). Ở Việt Nam, cây mọc nhiều nhất ở vùng rừng núi Tây Nguyên.
Một bình lan kim tuyến chuẩn bị đưa vào ngâm rượu. (Ảnh: Dân Việt) |
Lan kim tuyến là giống địa lan thân bò rồi đứng, cao khoảng 20 cm, thân tròn có nhiều nách. Lá trơn hình trứng hay hình ê líp, mặt trên màu xanh đen, mặt dưới của lá màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp, có lẽ vì thế mà cây có tên là kim tuyến hay kim cương.
Theo báo Vietnamnet, mọi chuyện bắt đầu từ việc bỗng dưng một ngày nọ, lan kim tuyến được tung hô chứa hàng trăm dược chất hiếm có khó tìm. Theo đó, “siêu thần dược” có thể chữa được vô số chứng bệnh nan y mà hiện nay y học thế giới chưa tìm ra thuốc chữa như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bao tử, tuyến tiền liệt… Thậm chí, theo lời rao của một số con buôn, đầu nậu thì giống cỏ kim cương này như một hắc tinh của vi rút HIV.
Được đồn thổi là “siêu thần dược”, lan kim tuyến đã bị khai thác đến cạn kiệ. (Ảnh: Vietnamnet) |
Theo TS. Nguyễn Hoàng Tuấn (Đại học Dược Hà Nội), nếu nói rằng lan kim tuyến có Công dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh thì điều đó là đúng. Tuy nhiên nếu nói rằng lan kim tuyến là một “siêu thần dược” chữa bách bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y như ung thư hay HIV thì điều đó chưa có căn cứ khoa học và cần phải xem xét lại.
Qua câu chuyện về lan kim tuyến, TS. Tuấn cho biết thêm: “Thực tế cho thấy, trong khoảng chục năm trở lại đây, thỉnh thoảng lại có một loại cây nào đó bỗng dưng được gắn cho cái mác thần dược hay siêu thần dược và tạo thành cơn sốt trên thị trường. Công dụng của chúng cứ thế được thổi lên tới tận mây xanh”.
Không chỉ lan kim tuyến mà nhiều cây dược liệu khác cũng bị khai thác ồ ạt để bán cho thương lái. (Ảnh: Vietnamnet) |
Không chỉ lan kim tuyến mà một số loài dược liệu khác trước đây mọc rất nhiều ở các vùng núi của Việt Nam cũng chịu chung số phận bị tận diệt để bán cho các thương lái. Nhiều loài dược liệu quý của Việt Nam cũng vì thế mà ngày càng trở nên khan khiếm hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cây lan kim tuyến đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam, loài lan cần được bảo vệ trong tự nhiên. Hiện nay nhà nước ta cũng đang có những công trình nghiên cứu để nhân giống loài dược liệu quý hiếm này.
Trang Vũ (tổng hợp)