Hàng chục thương lái đang chia nhau lùng sục khắp “hang cùng ngõ hẻm” tại các xã Phúc Thành, Hậu Thành, Tăng Thành, Đồng Thành… huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để săn mua cau non với giá cao, bán sang Trung Quốc.
Theo những thương lái này, giá cau thời điểm hiện tại giao động từ 12.000 – 16.000 đồng/kg. Sau khi mua về, họ nhập lại cho các chủ cơ sở chế biến để sấy khô, bán sang Trung Quốc. Thậm chí, để tranh giành và bao chiếm địa bàn, các thương lái thường đặt cọc tiền cho các chủ vườn để giữ mối, sau đó mới đưa người tới thu hái.
Đang đi thu mua cau, chị Trần Thị Xuân, trú tại huyện Yên Thành cho biết, bình thường, giá cau giao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng thời điểm hiện tại đã lên tới 14.000 – 16.000 đồng/kg, vào dịp cuối năm khả năng còn tăng cao. Trung bình mỗi ngày chị Xuân mua được 2 – 3 tạ cau, với đủ chủng loại, rồi mang đi nhập cho chủ lò sấy. Chủ lò sấy thông qua “mối hàng” của mình thì bán cau sang Trung Quốc. Bản thân chị Xuân cũng không hề hay biết vì sao Trung Quốc lại thu mua cau non với giá cao bất thường như vậy?.
Thương lái đang tiến hành thu mua cau non tại huyện Yên Thành. |
Ông Nguyễn Đình T., trú tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, chủ một lò sấy cau cho biết: "So với mọi năm, năm nay nhu cầu cau non của thị trường Trung Quốc tăng đột biến nên giá cũng theo đó tăng lên. Sau khi nhập cau từ các thương lái, gia đình lựa chọn cau non đủ chất lượng, tổ chức sấy khô rồi xuất sang Trung Quốc". Lí do thương lái Trung Quốc thu mua cau non được ông T. mơ hồ cho hay là "để làm kẹo hay làm thuốc bắc gì đó".
Để kịp thời vụ và đáp ứng nhu cầu của thị trường, hàng ngày ông T. phải thuê tới 10 lao động, đứng lò phục vụ việc sấy cau.
Công đoạn sấy khô cau tại lò trước khi xuất khẩu qua Trung Quốc. |
Theo các chủ lò sấy cau, rút kinh nghiệm từ các mặt hàng khác và để chắc ăn, họ đã yêu cầu các thương lái người Trung Quốc đặt cọc tiền, rồi mới thu mua để “tránh quả đắng” phải ôm hàng.
Qua tìm hiểu được biết, huyện Yên Thành là vựa cau của tỉnh Nghệ An, hầu hết các gia đình đều trồng cau tại vườn nhà từ nhiều năm nay. Trước đây, trồng cau chỉ phục vụ cho việc ăn trầu và nhu cầu cúng bái vào những ngày lễ tết của người dân địa phương, tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhu cầu cau, đặc biệt là cau non xuất khẩu qua Trung Quốc tăng mạnh và được giá nên diện tích trồng cau đang tăng lên.
Còn ông Nguyễn Thanh Dương, một thương lái người miền Bắc do nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên đã vào xã Tăng Thành, huyện Yên Thành thuê đất, xây dựng lò, thu mua cau để sấy khô, rồi bán sang Trung Quốc. Ông Dương cho biết, mỗi tháng cơ sở của mình thu mua hàng chục tấn cau của người dân trên địa bàn. Cũng giống như những thương lái khác, ông Dương không biết chính xác thị trường Trung Quốc mua cau non để làm gì.
Một lò sấy cau tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. |
Ông Đào Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành cho biết, hiện tại trên địa bàn xã, có một số thương lái đi thu mua cau non. Việc gia đình ông T. thuê nhân công để đi mua cau non về bán kiếm lời thì ông cũng không nắm rõ vì gia đình ông T. đã làm nghề buôn bán cau từ lâu.
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết thêm: “Địa phương hiện có khá nhiều xã trồng cau, nhưng người dân chủ yếu có truyền thống trồng cau để ăn trầu. Việc nhiều người dân đi mua cau non thì giờ mới nghe thông tin. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua cau non bán cho Trung Quốc nữa và cho kiểm tra lại vì việc này sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cau trong tương lai”.
Xuân Chinh