Tin mới

Có nên dạy con phản kháng lại khi bị bạn đánh?

Thứ năm, 18/06/2015, 09:57 (GMT+7)

Khi trẻ tới trường học, vì nhiều lí do khác nhau có thể từ chủ quan, có thể do khách quan nhưng hậu quả dẫn tới việc trẻ bị đánh. Trong trường hợp trên, cha mẹ có nên khuyên con mình phản kháng lại?

 Khi trẻ tới trường học, vì nhiều lí do khác nhau có thể từ chủ quan, có thể do khách quan nhưng hậu quả dẫn tới việc trẻ bị đánh. Trong trường hợp trên, cha mẹ có nên khuyên con mình phản kháng lại?

Tuổi trẻ hiện nay rất hiếu động nhưng đồng thời cũng vô cùng manh động, một sự việc nhỏ xảy ra cũng có thể sẵn sàng lao vào đánh nhau, một cái nhìn được cho là nhìn đểu, một nụ cười được cho là cười mỉa cũng có thể dẫn tới bạo lực. Đó là lí do vì sao những vụ gây gổ, đánh nhau của học sinh ngày càng tăng lên, không chỉ nam sinh mà ngay cả nữ sinh cũng cũng là đối tượng của nạn "bạo lực học đường". 

Cha mẹ có nên khuyên con phản kháng lại khi bị bạn học đánh. Ảnh: Internet

Nhiều bố mẹ tỏ ra lo lắng trước thực trạng trên, đành rằng phải có lí do mới dẫn đến xích mích và đánh nhau nhưng có lí do không đáng để va chạm, đánh đấm thì chúng vẫn cứ diễn ra. Nếu con mình là người bị động, phải hứng chịu bạo lực từ phía đối phương thì cha mẹ nên khuyên bảo con như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn An Chất phân tích: "Trường hợp đương nhiên bị đánh là rất ít xảy ra, mình phải có cái gì đấy để cho đối tượng bạo hành mình có thể hiểu lầm hoặc hiểu đúng. Tức là mình phải có nguyên nhân tạo nên trước. Có thể mình không nhiếc móc, không chửi bới, không nhìn đểu nhưng họ lại nghĩ mình có ý đồ đó. Còn đương nhiên bị bạo hành, đang ngồi chơi đàng hoàng, không có biểu hiện gì bất thường thì rất ít trường hợp xảy ra bạo hành. Hoặc lúc đó đang ngồi chơi nhưng đã có những biểu hiện, cử chỉ không thiện chí từ trước đó một vài ngày, bây giờ nhân cơ hội họ mạnh, họ mới bạo hành mình."

Từ những phân tích trên, ông Chất khuyên các bậc phụ huynh, việc đầu tiên khi con cái bị bạo hành cha mẹ nên làm là nhìn nhận lại vấn đề, "tiên trách kỉ, hậu trách nhân" xem con mình tại sao lại bị bạo hành. Sau đó thì khuyên con trước hành động bị bạo hành nên biết tự vệ chứ không nên phản kháng. Phản kháng nghĩa là đánh lại nhau, như vậy là không tốt. Đầu tiên là phải tự vệ bằng cách mình tự bảo vệ mình hoặc nhờ tới sự trợ giúp của những người xung quanh, bằng lời kêu cứu để người khác biết và giúp đỡ. Điều này là rất cần thiết chứ phản kháng lại, cũng vác ghế, vác dao ra đánh nhau thì chỉ làm sự việc nghiêm trọng hơn”.

"Bản thân các em có thể tự vệ bằng cách khi bị đánh có thể giơ tay đỡ, dùng những đồ vật có ở đó để che chắn cho bản thân khi bị bạo hành hoặc né tránh, chạy đi. Sau đó, hô hoán để mọi người có thể giúp đỡ, nếu có thể chạy vào nhà dân hay đồn công an, cơ quan chính quyền thì đó là biện pháp khôn ngoan nhất”, ông Chất đưa ra giải pháp khi bị bạo hành.

Đề cập đến vấn đề này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cũng cho hay: "Việc dạy cọn những biểu hiện nào là biểu hiện của hành vi bạo hành là rất cần thiết. Điều đó một mặt giúp trẻ biết tự bảo vệ chính mình, một mặt giúp trẻ biết nhận ra những dấu hiệu mình sắp bị bạo hành hay đang bị bạo hành để có những hành vi phù hợp. Việc dạy trẻ biết dấu hiệu bạo hành không phải dẫn đến chuyện phản kháng mãnh liệt mà ít nhất là trẻ biết được vấn đề đang xảy ra với mình. Trên cơ sở đó, trẻ sẽ lựa chọn cách phản ứng tích cực nhất." Điều đó có nghĩa là, phụ huynh phải dạy con từ lời ăn tiếng nói, cách sống hòa nhã không gây sự với người khác, không kết bè phái, gặp ẩu đả thì nên tránh xa…để chủ động tránh được bạo hành mà các em có nguy cơ gặp phải.

Bên cạnh việc giáo dục, định hướng cho con hiểu về bạo hành và chủ động nhìn nhận về bạo hành thì việc quan tâm, chia sẻ với con cái để nắm bắt tâm lý của các con là điều mà cha mẹ nên làm. Chia sẻ cho con hiểu được rằng, nếu có sự việc không hay nào đó xảy ra với bản thân thì thái độ cam chịu và giấu giếm không phải là hướng giải quyết tốt mà các em nên "chia sẻ với người thân, tự giải thoát mình trước những cảm xúc - áp lực, nhờ vào sự hỗ trợ thể chất hoặc tinh thần...", PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Khi trẻ đã bị bạo hành, lúc này tâm lí các em đang rất sợ hãi và hoang mang, nhiều em muốn bỏ học vì sợ tiếp tục bị bạo hành, lúc này cha mẹ và người thân chính là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con. Thay vì mắng chửi con, cha mẹ hãy "thật sự bình tĩnh để nhìn nhận, trao đổi, chia sẻ, động viên để giải quyết vấn đề một cách tích cực thay vì làm trẻ căng thẳng hơn, tình hình trở nên phức tạp hơn. Cụ thể trẻ cần được trấn an tinh thần và chăm sóc, giải tỏa cảm xúc, cho trẻ nói về những điều không hài lòng và cân bằng giúp trẻ. Sau đó mới là các giải pháp tác độngvề phía nguyên nhân bạo hành", ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, để trẻ hiểu rõ được tác hại của bạo lực thì cha mẹ phải xây dựng được môi trường có lối sống lành mạnh ngay trong chính cuộc sống thường nhật. Và phụ huynh cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật để làm tâm gương cho các con.

Lê Vy

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news