Katleen Phan Võ, cô con gái của vị chưởng môn Vịnh Xuân Chính Thống - Nam Anh đã có những chia sẻ về mục đích sang giao lưu võ thuật của võ sư Flores, cũng nhưng những điều thú vị về đam mê võ thuật của mình.
Theo nghiệp võ của cha từ năm lên 9 tuổi, cô gái sinh năm 1997 đã có những chia sẻ thú vị về môn phái Vịnh Xuân chính thống do cha cô làm chưởng môn, cũng như mục đích của chuyến đi về Việt Nam giao lưu võ thuật lần này của võ sư Flores.
Võ sư Flores muốn cho giới trẻ biết ông Huỳnh Tuấn Kiệt đang thần thánh hóa võ thuật
- Xin chào Katleen Phan Võ, là con gái của chưởng môn phái Vịnh Xuân chính thống - Nam Anh, chị có thể cho biết vai trò của võ sư Flores trong môn phái?
- Võ sư Flores là đệ tử chân truyền của bố tôi, ông ấy cùng với một số võ sư khác nữa xếp thứ 2 trong môn phái chỉ sau bố tôi.
- Vừa qua, võ sư Flores đã gây xôn xao cộng đồng võ thuật Việt Nam với hai trận thách đấu cùng các võ sư ở Hà Nội. Chị đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi nghĩ giao lưu võ thuật là một việc làm cần thiết, bởi võ học là vô biên. Có thể thấy, sau cả hai trận đấu kể trên, võ sư Flores đã có mối quan hệ hòa hữu với các môn phái. Điều đó chứng tỏ, chính nhờ những trận giao lưu võ thuật như vậy đã giúp kết nối những người yêu võ thuật. Và tôi cho rằng, đó là một điều tốt.
- Sau khi xem hai trận đấu của Flores, theo chị cao thủ người Canada đã tung hết các thế mạnh của mình cũng như của môn phái Vinh Xuân chưa?
- Do chỉ là trận đấu giao lưu võ học nên võ sư Flores chưa tung những điểm mạnh của môn phái Vịnh Xuân. Có thể thấy rất rõ, trong các trận đấu ấy, võ sư dùng hai bàn tay mở rộng và hoàn toàn không dùng đến nắm đấm. Trong khi điểm mạnh của Vinh Xuân là đánh cận chiến với những cú đấm uy lực. Điều đó cũng cho thấy, võ sư Flores khi tham gia các trận đấu ấy hoàn toàn chỉ với mục đích giao lưu.
- Nhưng dường như mọi chuyện đang bị đẩy đi quá xa và vượt qua khỏi khuôn khổ của giao lưu võ thuật, khi đã xuất hiện rất nhiều võ sỹ khác ở Việt Nam muốn thách đấu với võ sư Flores?
- Tôi nghĩ mọi người đang hiểu sai bản chất vấn đề. Ngay từ đầu, khi sang Việt Nam, võ sư Flores đã nói rất rõ ông muốn gặp võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Mục đích là để giới trẻ hiểu rằng, võ thuật không phải là điều gì đó quá thần thành và cường điệu nó lên. Võ sư Flores muốn gặp võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt để chứng minh cho mọi người thấy rằng những gì ông Kiệt đã cường điệu về võ thuật là giả dối.
Thế nên, việc nhiều người nghĩ rằng mục đích của võ sư Flores sang Việt Nam để thể hiện bản thân và có rất nhiều lời mời thách đấu là chưa đúng. Mọi chuyện đang bị đẩy đi quá xa mà thôi.
- Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt từng đăng đàn nói rằng, không có chuyện ông ấy đến gặp bố của chị là võ sư Nam Anh để xin học võ, và yêu cầu võ sư Flores phải xin lỗi về những phát biểu của mình, điều ông Kiệt nói có đúng sự thật hay không?
- Vừa qua, thì tôi cũng được nghe nhiều thông tin trên báo chí và tôi không thể kiểm chứng có đúng là võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt có nói như vậy hay không. Riêng cá nhân tôi thì hồi còn nhỏ cũng biết được là ông ấy có đến mấy lần để xin gặp bố tôi, nhưng không được.
"Bố tôi giống Đại tông sư Diệp Vấn 90%"
- Rất nhiều người lúc này tò mò về bố của chị, vị chưởng môn phái Vịnh Xuân chính thống - Nam Anh, và cũng là sư phụ của võ sư Flores. Chị có thể giới thiệu về bố của mình?
- Bố tôi là một người rất nghiêm khắc và khắt khe. Ông ấy có niềm đam mê quá lớn đối với võ thuật và dành toàn bộ thời gian cho võ thuật cũng như phát triển môn phái Vịnh Xuân.
- Một chưởng môn phái Vịnh Xuân khiến chúng ta liên tưởng tới cha đẻ của môn phái này là nhất Đại tông sư - Diệp Vấn. Một cách khái quát, chị nhận thấy bố của mình có nét gì giống với Diệp Vấn?
- Khi tôi xem phim "Diệp Vấn", tôi như được thấy hình ảnh của bố mình ở trong đó. Có lẽ là phải giống tới 80 - 90%. Đặc biệt, là việc dành toàn bộ thời gian cho võ thuật. Chính vì thế, nên đôi khi bố tôi cũng ít có thời gian hơn cho gia đình. Ông là một người lạnh lùng, nhưng ẩn sau sự lạnh lùng ấy, tôi cảm nhận được ông rất tình cảm.
- Chị có hay giận bố không?
- Có, nhưng đó là hồi nhỏ thôi, vì từ khi 5 tuổi thì tôi với mẹ ở Việt Nam, còn bố thì ở Canada. Cứ khoảng 6 tháng đến 1 năm tôi mới được gặp bố, nên tôi rất buồn và muốn được gặp bố nhiều hơn. Sau này, lớn lên thì mình hiểu và thông cảm được cho đam mê và công việc của ông.
- Mỗi lần gặp như thế, món quà bố tặng cho chị mà chị cảm thấy ý nghĩa nhất?
- Bố tôi ít khi tặng quà, vì tính ông không thích thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Món quà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi mỗi lần gặp, được nghe bố nói: "Bố yêu con", với tôi chỉ như vậy là đủ rồi.
"Tôi muốn được giống mẹ "
- Học võ từ bé cũng chính là định hướng từ bố của chị?
- Tôi học võ từ năm 9 tuổi, đến nay đã được thăng cấp đai đen 3 đẳng, có thể cũng có ảnh hưởng từ bố, nhưng bố tôi không hề ép buộc mà tôi tự muốn như vậy. Bởi hồi nhỏ, khi nhìn thấy các anh môn sinh tập võ, khiến tôi cảm thấy thích thú và học theo, sau dần đam mê. Tập Vịnh Xuân mang lại cho tôi sức khỏe và rèn cả ý chí nữa.
- Vậy chị cũng sẽ theo nghiệp võ như bố của mình?
- Tôi đam mê võ, nhưng sẽ không dành toàn bộ thời gian theo nghiệp võ. Ước mơ của tôi là trở thành một luật sư. Hiện tại tôi đang học Cao đẳng ở Canada 2 năm chuyên ngành Khoa học xã hội và tôi hy vọng sẽ có thể lọt vào Đại học chuyên ngành luật sau khi kết thúc 2 năm học Cao Đẳng.
- Ngoài võ thuật, Katleen còn có sở thích nào khác không?
- Tôi thích nghe nhạc và đặc biệt là mê nhảy Hip hop. Tôi từng tham gia biểu diễn cho các sự kiện lớn. Nhưng tôi chỉ xem nhảy là một thú tiêu khiển, đam mê của mình sau giờ học, chứ không muốn theo nghề này.
- Nghe có vẻ phức tạp nhỉ, vậy Katleen muốn mình sẽ trở thành một cô gái như thế nào?
- Tôi ngưỡng mộ mẹ tôi, và muốn trở thành một người phụ nữ như mẹ. Tất nhiên, sẽ kết hợp thêm một chút hiện đại nữa.
- Xin cảm ơn Katleen!