Liên quan đến việc thu hồi nhà, đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, dư luận xôn xao về dinh thự tại số 710/3 ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, được xây cất với chi phí hàng chục tỉ đồng trên thửa đất rộng 16.600 m2 (trị giá hơn 24 tỉ đồng) thuộc quyền sở hữu của con trai ông Truyền.
Theo báo Người lao động, căn biệt thự tại số 710/3 ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, được xây cất với chi phí hàng chục tỉ đồng trên thửa đất rộng 16.600 m2 (trị giá hơn 24 tỉ đồng) do Đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre), là con trai của ông Trần Văn Truyền, đứng tên sở hữu.
Dinh thự hàng chục tỷ đồng của con trai ông Trần Văn Truyền
Người dân ở xã Sơn Đông gọi căn biệt thự này là “cung điện”. Đây là căn biệt thự “có một không hai” ở ĐBSCL và phải mất hơn 1 năm mới xây xong. Công nhân xây dựng từ đâu tới không ai rõ và hằng ngày ở trong khuôn viên công trình chứ ít giao lưu với bên ngoài. Muốn vào cổng biệt thự phải đi qua cây cầu bắc qua kênh. Bề ngang tường rào khoảng 100 m. Có người cho biết riêng cửa cổng biệt thự có giá trị hơn 500 triệu đồng.
Một cán bộ hưu trí còn khẳng định Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre cho xe đến thi công cả ngày lẫn đêm, hạ thế hẳn một đường điện riêng. Lúc thi công cho đến khi hoàn thành, chính quyền địa phương không dám kiểm tra kể cả khi lực lượng thi công bơm cát lấp tràn ra làm dòng kênh thoát nước bị bồi lắng.
Theo giám đốc một công ty xây dựng, chỉ tính riêng việc xây dựng “vỏ” biệt thự, không tính nội thất, thì ít nhất gia chủ cũng phải đầu tư khoảng 10 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Bé Chính, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, cho biết quyền sử dụng khu đất này là ông Trần Hoàng Anh. Tổng diện tích 16.600 m2 được ông Anh mua của nhiều người, trong đó có 600 m2 thổ cư, còn lại là đất vườn.
Ông Hà Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông, nói trong suốt thời gian xây dựng biệt thự này, ông Truyền ở đây nhưng không sinh hoạt Đảng và cũng không đăng ký kê khai tài sản tại xã này.
Ông Hùng cũng cho biết vào năm 2011, khi căn biệt thự này khởi công, nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí lão thành phản ứng, bày tỏ mong muốn đảng ủy cấp trên đề nghị cán bộ cấp cao về hưu muốn xây nhà đồ sộ thì kiếm chỗ nào khuất lấp mà xây, chứ xây trước bàn dân thiên hạ thì khó coi.
Ông Trần Văn Truyền
Vào ngày 24-11, nguồn tin báo Người Lao Động cũng cho biết đại úy Trần Hoàng Anh chỉ kê khai tài sản năm 2014 vào ngày 6-3 khi báo chí đã đăng tải thông tin về khối tài sản của ông Truyền. Những năm trước đó, đại úy Trần Hoàng Anh không kê khai tài sản.
Theo nguồn tin này, đại úy Trần Hoàng Anh khai mình là chủ sở hữu biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định mà Ủy ban Kiểm tra trung ương chỉ đạo thu hồi cũng do đại úy này đứng tên. Ngoài ra, ông Trần Hoàng Anh còn khai mình góp vốn để kinh doanh đại lý bia Trần Hoàng Dũng với số tiền 3 tỉ đồng. Hằng ngày, người dân còn thấy đại úy Trần Hoàng Anh đi làm bằng một ô tô hạng sang nhưng không thấy kê khai tài sản.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre xác nhận trong năm 2014, đại úy Trần Hoàng Anh có kê khai tài sản nhưng không tiết lộ tài sản gồm những gì vì cho rằng đó là thông tin bí mật cá nhân.
Trước đó, thông cáo báo chí ngày 21.11 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện Chính sách nhà, đất đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, có nội dung Ban Bí thư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Trần Văn Truyền về những khuyết điểm, vi phạm; Chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, thành phố Bến Tre.
Bảo An (tổng hợp)