Theo NY Times, đêm 28/2, Giới chức y tế Italy ông bố số ca nhiễm virus corona tại nước này lên tới 888, và 21 trường hợp được ghi nhận tử vong.
Lombardy là địa phương ghi nhận số người nhiễm nCoV cao nhất Italy với 531 ca, trong đó 85 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. 10 thị trấn của Lombardy sẽ bị cách ly thêm một tuần.
Một số quốc gia châu Âu có số ca nhiễm nCoV tăng mạnh so với hồi đầu tuần. Đức ghi nhận 60 ca nhiễm nCoV hôm qua, tăng hơn hai lần so với ngày 27/2. Pháp thông báo phát hiện 57 ca nhiễm nCoV, tăng 19 ca so với hôm 28/2. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo dịch Covid-19 tại nước này "đã chuyển sang giai đoạn hai".
Thụy Sĩ phát hiện thêm 9 ca nhiễm nCoV, nâng số ca bệnh lên 15. Thụy Sĩ đã cấm toàn bộ sự kiện tập trung hơn 1.000 người đến ngày 15/3. Triển lãm ôtô quốc tế tại Geneva, dự kiến diễn ra ngày 7-17/3, đã bị hủy theo lệnh của giới chức Thụy Sĩ.
Tại Anh ghi nhận 19 ca nhiễm nCoV, trong đó hai ca bệnh mới có liên quan đến Iran. Ba quốc gia Đông Âu là Belarus, Estonia và Litva thông báo phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với nCoV, các ca bệnh có liên quan đến Iran hoặc Italy.
Trong diễn biến khác, ngày 28/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các nhà dịch tễ học của WHO đã theo dõi các diễn biến của đợt bùng phát virus này và "chúng tôi hiện đã nâng mức đánh giá nguy cơ lây lan và hệ quả của Covid-19 lên mức rất cao đối với toàn cầu", theo CNN.
Giám đốc WHO cũng khẳng định tổ chức này không che dấu nguy cơ lây nhiễm. Ảnh CNN
Trong 24 giờ qua, Đan Mạch, Estonia, Lithuania, Hà Lan và Nigeria đã báo cáo những ca nhiễm virus đầu tiên, tất cả đều liên quan đến Italy, hiện là một trong những ổ dịch lớn bên ngoài Trung Quốc. Những nước khác cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran.