Thời thanh xuân với ước mơ học lên Đại học nhưng do hoàn cảnh khó khăn, cụ Linh đành phải gác lại một bên để lo cho gia đình. Giờ đây khi cuộc sống đã no đủ hơn, ở tuổi 85, cụ đã quyết định thực hiện giấc mơ ấy của mình tại trường Đại học Đông Đô.
Ấp ủ giấc mơ vào giảng đường Đại học hàng chục năm
Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm về nhà riêng của cụ Cao Nhất Linh (85 tuổi, trú ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn câu chuyện cụ đang theo học trường Đại học Đông Đô khiến nhiều người ngưỡng mộ thời gian qua.
Cụ Cao Nhất Linh chia sẻ về hành trình vào Đại học của mình.
Khi chúng tôi đến nhà, cũng là lúc cụ đang say sưa với quyển sách luật dày cộm, đôi mắt chăm chú, giọng đọc to, rõ ràng của cụ khiến chúng tôi khá ngạc nhiên. Bởi ở độ tuổi của cụ hiếm người còn được như vậy.
Cụ ông 85 tuổi ở Hà Nội đi học Đại học. Thực hiện: Ngọc Thắng
Thấy chúng tôi đến, cụ dừng đọc sách, pha trà mời khách uống rồi trò chuyện. Theo lời cụ Linh, từ nhỏ cụ đã rất ham học và học Đại học là niềm khát khao cháy bỏng.
Thế nhưng, do điều kiện gia đình, giấc mơ vào Đại học của cụ đã phải gác lại để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nuôi gia đình. Để kiếm tiền, cụ làm qua nhiều nghề như đi công nhân, rồi thợ nề, thợ mộc.
Cụ Linh đọc thơ trong Lễ khai giảng trường ĐH Đông Đô năm học 2018 - 2019. Ảnh: Nhật Hồng.
Thế nhưng niềm đam mê học của cụ không bao giờ tắt, trong thời gian làm công nhân, từ năm 1956, dù ở tận nơi rừng núi của tỉnh Sơn La, cứ lúc rảnh rỗi buổi tối là cụ mang sách ra học. Năm 1968, cụ về Hà Nội đăng ký thi chứng chỉ tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc văn hóa với tư cách là thí sinh tự do.
"Hồi nhỏ tôi được cả làng biết đến là học giỏi nhất, nhưng vì cuộc sống khó khăn không thể học lên, tôi phải bỏ dở giấc mơ để kiếm sống nuôi gia đình. Trong những năm tháng đó, tôi vẫn tự học, tự đọc, tự viết những thứ mà mình thích", cụ Linh chia sẻ.
Mong ước vào giảng đường Đại học của cụ Linh cuối cùng cũng thực hiện được.
Thời gian thấm thoát trôi, khi cuộc sống khấm khá hơn, con cái trưởng thành, có điều kiện về kinh tế và thời gian để theo đuổi việc học, thì cụ Linh đã tuổi cao, sức yếu.
Và rồi, quyết tâm thực hiện ước mơ đang dang dở của mình cụ đã âm thầm tiếp tục nghiệp học. Năm 2015, cụ đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành Báo in của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2017, cụ dự thi hệ văn bằng hai của Đại học Luật Hà Nội và đạt 11 điểm, chỉ thiếu đúng một điểm so với điểm chuẩn của trường là 12 điểm. Bị trượt, nhưng cụ không nản chí mà vẫn miệt mài ôn tập.
Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng báo chí của cụ Linh.
Cũng trong năm 2017, cụ tiếp tục dự thi vào ngành Luật Kinh tế của Đại học Đông Đô, hệ chính quy, và vừa đủ điểm đỗ.
"Từ nhỏ tôi đã yêu thích bộ môn triết học, thích các môn Văn, Sử, Địa và nghành luật. Chính vì thế sau khi tìm hiểu tôi biết trường Đại học Đông Đô có ngành luật, tôi đã thi vào đó, lần thứ hai mới đậu.
Khi biết đỗ vào Đại học Đông Đô, tôi đã rất vui sướng vì ước mơ của cả cuộc đời mình đã trở thành sự thật. Tôi không thể nào tin được giấc mơ của mình đã thành hiện thực", cụ Linh nhớ Lại.
"Việc học giúp tôi thấy mình trẻ hơn, yêu cuộc sống hơn"
Cũng từ đây, nhiều kỷ niệm vui lại đến với "nam sinh" lớn tuổi này. Ông nhớ lại, trong lần đến trường để làm thủ tục nhập học, khi gặp ông, cán bộ văn phòng của trường còn hỏi ông đến để làm hồ sơ cho con hay cháu đi học.
Khi ông nói, ông đến để làm hồ sơ cho mình, những người trong văn phòng trường đều nhìn nhau cười tủm tỉm rồi hướng dẫn ông đi làm hồ sơ. Chưa dừng lại đó, khi nghe ông 85 tuổi còn đi học Đại học, vị hiệu trưởng của ngôi trường này đã đến gặp ông để trò chuyện.
Quá ngưỡng mộ tinh thần học tập của cụ Linh, vị hiệu trưởng đã quyết định giảm 50% học phí cho cụ.
Ngoài việc học, cụ còn biết làm thơ lục bát rất hay.
"Tôi vẫn nhớ, ngày đầu đến lớp, cả lớp có 50 sinh viên ai nấy đều ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, sau đó thì vỗ tay và mời tôi về chỗ ngồi. Trong quá trình học đối với tôi môn tin học làm tôi thật vất vả nhất vì chưa bao giờ đụng đến nó.
Còn môn tiếng Anh thì trước đây tôi cũng đã học nên không quá khó. Những môn còn lại tôi vẫn dần dần làm quen.
Suốt gần 2 năm đi học, tuần học 4 buổi từ 8h sáng đến 11h trưa nhưng tôi chỉ có hai lần nghỉ học, hai lần đó là vì mưa quá lớn nên tôi không thể đạp xe đến trường. Về nhà tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách và làm thơ, tôi đã làm rất nhiều bài thơ.
Việc học đã đem lại cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn.
Và quan trọng tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, tôi chả sợ khó khăn gì khi đi học ở thời điểm hiện tại. Trái lại bản thân tôi còn thấy khi đi học cùng các cháu trong lớp giúp tôi trẻ ra nhiều hơn", cụ Linh vui vẻ cho biết.
Vợ cụ Linh cùng người thân trong gia đình luôn ủng hộ việc cụ đi học.
Ngồi cạnh cụ Linh, vợ ông – vốn là một giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, việc học của ông lâu nay chỉ có bà và mấy người con của ông biết. Ông luôn giấu mọi người, tránh mọi người suy nghĩ nhiều.
"Ông ấy đi học chỉ có tôi và và 3 đứa con biết, tất cả đều ủng hộ ông, bởi giờ ông ấy cũng có tuổi rồi, thích làm gì để ông ấy làm. Với lại ông ấy ham học lắm, chúng tôi không nỡ ngăn cản, thay vào đó chúng tôi động viên, an ủi ông đi học, 3 người con đóng góp tiền học phí cho bố.
Anh em, họ hàng cùng hàng xóm chỉ biết việc chồng tôi đi học vào trưa 8/10, lúc đó là ngày khai giảng và ông được lên vô tuyến, báo đài.
Con cháu gọi về chia vui với ông ấy nhiều lắm, các con nói rất tự hào và mong ông học thật tốt. Ngoài học ra ông ấy còn làm thơ, rồi đọc cho tôi nghe. Tuổi già giờ chỉ mong có vậy thôi", vợ cụ Linh chia sẻ.
"Việc học đã đem lại cho tôi nhiều thứ, giúp tôi thấy vui vẻ hơn, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tâm trí minh mẫn hơn" cụ Linh chia sẻ.
Là giáo viên chủ nhiệm cụ Linh gần 2 năm nay, cô Nguyễn Thanh Hải không giấu được lòng khâm phục khi nhắc về cụ. Theo cô, dù lớn tuổi nhưng suốt thời gian qua cụ đi học rất đúng giờ và đều đặn, tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh.
"Ở trên lớp, cụ không cần ai giúp đỡ mà tự học, tự đọc, tự viết, nhiều em sinh viên trong lớp còn phải hỏi bài của cụ ấy, ví dụ như các môn luật đất đai và luật hôn nhân gia đình.
Cảm phục tinh thần học tập của cụ, nhà trường đã giảm 50% học phí và luôn tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ cụ", cô Hải chia sẻ.
Ngọc Thắng