Tin mới

Cúng Ông Táo ngày nào là tốt nhất tết Mậu Tuất 2018

Thứ năm, 01/02/2018, 09:05 (GMT+7)

Theo tục xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời. Các chuyên gia phong thủy tiết lộ, gia chủ muốn có một năm mới như ý thì nên cúng ông Táo vào ba ngày dưới đây.

Theo tục xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời. Các chuyên gia Phong thủy tiết lộ, gia chủ muốn có một năm mới như ý thì nên cúng ông Táo vào ba ngày dưới đây.

Ý nghĩa việc cúng ông Táo

Lễ cúng ông Công, ông Táo là phong tục cổ truyền rất quan trọng đối với các gia đình Việt. Ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ thật chu đáo và tươm tất, các gia đình phải sửa soạn bát hương sạch sẽ để làm lễ.

Chính vì vậy, lễ “quan soái”, hay còn gọi là sửa bát hương thường được các gia đình kết hợp trong cùng ngày lễ tiễn ông Táo.

Không phải những con vật khác như trâu, ngựa… mà cá chép lại trở thành phương tiện đưa Ông Công ông Táo lên chầu trời trong ngày 23 tháng Chạp.

Cũng như lễ tiễn ông Táo, lễ “quan soái” chỉ được tiến hành duy nhất 1 lần trong năm vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Lễ này được làm trước lễ tiễn ông Công, ông Táo.

Mọi người sẽ lau bát hương, giữ lại 3 chân hương đẹp nhất và lau chùi sạch sẽ trước khi cắm lại vào bát hương.

Khi tiến hành lễ “quan soái”, nhà nhà sẽ chuẩn bị bộ lễ cúng ông Công, ông Táo. Tục cúng lễ này nhất thiết phải được tiến hành trước giờ Ngọ vì nếu quá giờ cá đã bay lên chầu trời và việc cúng lễ sẽ không còn linh nghiệm. 

Cúng ông Táo vào ngày nào

Theo các chuyên gia phong thủy, trong tháng Chạp năm nay có 3 ngày đẹp để cúng Táo quân.

Ngày tốt nhất để làm lễ cúng ông Táo là ngày 22 tháng Chạp (ngày Canh Ngọ) vì ngày đó vừa vào tiết Lập xuân, rất phù hợp để làm lễ cúng.

Giờ cúng tốt nhất trong ngày này là giờ Ngọ (11 – 13 giờ) hoặc giờ Mùi (13 – 15 giờ). Tuy nhiên, những người tuổi Tý tuyệt đối không nên cúng ông Táo vào ngày này.

Trong năm nay, ngày 20, 22, 23 tháng Chạp là những ngày tốt để tiến hành cúng ông Táo. Ảnh minh họa

Ngày tốt thứ hai để cúng ông Táo là 20 tháng Chạp (ngày Mậu Thìn). Vào ngày này, gia chủ nên cúng vào khoảng 9 – 11 giờ (giờ Tỵ) hoặc từ 13 – 15 giờ (giờ Mùi). Những người sinh năm Tuất không nên cúng vào ngày này.

Ngày cuối cùng phù hợp để cúng Táo quân trong năm nay là ngày 23 tháng Chạp. Đây là ngày bất cứ ai cũng có thể làm lễ. Tuy nhiên, có một điều cần phải lưu ý khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp đó là phải làm xong trước 12 giờ trưa.

Đồ cúng ông Táo gồm những gì

Trên mâm cúng Táo quân, nhất định phải chuẩn bị đầy đủ 3 bộ mũ, áo mới, cá chép hoặc cá chép giấy. Một số vật phẩm khác cũng quan trọng không kém trong lễ cúng như nhang, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo, trầu cau, rượu, giấy tiền vàng mã.

Cúng ông Táo được xem là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt - Ảnh minh họa

Mâm cúng có thể đơn giản nhưng phải trang trọng, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ.

Bài văn khấn cúng ông Táo

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Nam mô A di đà Phật!

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news