Lúc con ốm đau, chỉ có một mình, lúc mệt mỏi lo lắng, chẳng dám nói cùng ai, lại không có một đôi chân lành lặn như bao bà mẹ khác để có thể chạy thật nhanh tới ôm con khi con ngã, con khóc, nhưng chẳng vì thế mà Hải cho phép mình cam chịu.
Có lẽ số phận mỗi người phụ nữ sinh ra đã được định đoạt phải trải qua rất nhiều ngã rẽ với nhiều chuyến hành trình thăng trầm khác nhau. Và chỉ cần có niềm tin, ai rồi cũng sẽ có thể vượt qua được tất cả bằng chính đôi chân của mình. Vậy mà đắng cay thay, có một người phụ nữ lại phải đi qua một chuyến hành trình đầy khó khổ mang tên “làm mẹ đơn thân” trong khi chị lại không được lành lặn như bao người: chị bị liệt hoàn toàn hai chân.
Ngày chị bị tai nạn, khoảng trời thanh xuân của chị tan tác và sụp đổ, số phận bắt chị phải gắn chặt mình trên chiếc xe lăn. Rồi đến khi mang thai, ôm một mầm sống trong bụng, chị tự nhủ đây vừa là thử thách, vừa là tia hy vọng của chị. Chị không thể để cuộc đời mình bị bóng tối hãm vây chỉ vì hao khuyết, bởi chị vẫn có thể làm mẹ, một người mẹ tốt. Từ đó, chị chọn vực dậy, vì con mà sống, vì con mà không ngừng cố gắng…
Nếu có một lý do nào đó để một người phụ nữ tưởng như đã không còn niềm vui sống, có thể tự mình chiến đấu để mưu cầu một cuộc đời thật hạnh phúc, thì đó chính là vì con.
Cột mốc bi kịch đáng nhớ nhất trong đời trong một ngày hè 2006
Chị tên là Đặng Thị Hải, sinh năm 1990 trong một gia đình lao động bình dân tại Nam Định. Tuổi thơ của chị khá bình lặng với cuộc sống như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Đến năm chị học lớp 11, trong một ngày chớm hè đầu tháng 6 năm 2006, đúng vào thời điểm mùa nhãn rộ lên, khi đó nhà nội chị có trồng một cây nhãn to, nhiều quả lắm nên chị quyết định trèo lên cây hái. Cứ nghĩ như bao lần mùa nhãn đi qua và chị luôn là cô con gái gan lì leo cây hái nhãn cho cả nhà. Vậy mà lần hái nhãn này, có lẽ là lần cuối cùng chị được leo cây, đúng hơn là lần cuối cùng chị được đứng trên đôi chân của mình. Chị bị ngã.
Chị nói không bao giờ quên được ngày hôm ấy, khoảnh khắc chị bơ vơ giữa khoảng không rơi từ thân cây nhãn xuống đất, chị cảm thấy có gì đó lạ lắm. Cứ như là một dự báo không lành cho cuộc đời còn quá nhiều hoa mộng của chị - một nữ sinh trẻ với tương lai rộng mở. Rồi mọi thứ cứ như được số phận sắp đặt, linh cảm của chị dù không muốn nhưng nó đã xảy ra. Sau cú ngã, chị bị vỡ một đốt sống lưng và do cấp cứu sai cách nên bị dập, phù nề tủy, từ đó chị liệt hoàn toàn hai chân.
Rồi chị nghỉ học, sống một cuộc đời hao khuyết buồn bã, gắn chặt thân mình trên chiếc xe lăn, không còn bay nhảy, không còn tự do. Mọi thứ giờ đây như tàn tro đựng trong chiếc bình lớn, nó vỡ rồi thì cuộc đời chị cũng chìm trong thứ màu xám lặng lẽ và bất tận, không chứa trong nó một nỗi mong đợi nào, không bóng tối, không ánh sáng, không phải ngày, cũng chẳng phải đêm. Thời gian xung quanh chị, thời gian của cuộc đời chị đã chết rồi.
Chị sống khép kín từ đó, hai mươi bốn giờ mỗi ngày của chị giờ đây trôi qua nhàn nhạt, chán chường. Chị không muốn gặp ai nữa, không muốn để ai nhìn thấy vì chị ghét cái cách người ta bày tỏ niềm tiếc thương trước nỗi bất hạnh của chị, chị sẽ khóc mất. Cứ thế, chị rơi vào trầm cảm…
4 năm cố gắng chỉ hy vọng có thể chập chững bước đi như một đứa trẻ
Từ ngày chị bị tai nạn, gia đình chị đã cố gắng đưa chị đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Vậy thì nếu chị chấp nhận buông xuôi, chấp nhận trầm mình trong một cuộc đời xám ngắt buồn thảm chỉ vì tự ti, mặc cảm. Chị có phải là một con người hèn nhát hay không? Có phải chính chị đã giết chết đứa con gái mà bố mẹ mình từng đặt rất nhiều kỳ vọng hay không? Những câu hỏi này, một lần nữa giúp chị có thêm động lực để tự vực dậy bản thân.
4 năm sau đó là khoảng thời gian chị không ngừng phấn đấu để tập tành bước đi, dù những bước đi này chẳng khác gì một đứa trẻ: chập chững, chông chênh và không ít lần bị té ngã xuống sàn nhà. Nhận thấy không tiến triển gì, chị quyết định từ bỏ để chọn một cách cố gắng khác, đó là xin bố mẹ để đến trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để học tập và chấp nhận sống một cuộc đời như bao người khuyết tật khác. Chị không thể cứ mãi vẫy vùng, hy vọng được sống lại một cuộc đời như xưa nữa, nó thật sự đã qua rồi.
Ở ngã rẽ mới này, chị ngồi trên xe lăn và bắt đầu cho một chuyến hành trình khác. Cũng nhờ lần đến trung tâm ấy, sau một màn ướt nước mắt vì phải xa gia đình, cuối cùng chị cũng làm được. Chị không còn tự ti và mặc cảm nữa, chị hòa nhập cộng đồng rất tốt. Chị ở trung tâm học nghề một thời gian rồi ra ngoài làm.
Sau đó chị quen bố bé Gấu (con trai chị bây giờ). Chuyện tình cảm của chị không được suôn sẻ như người bình thường, nên chị không muốn chia sẻ nhiều. Chỉ biết, kết quả của mối tình này là chị đã mang thai và bắt đầu đi trên một ngã rẽ khác, chông gai hơn, vất vả hơn, đó là làm mẹ đơn thân.
Người mẹ vừa ngồi trên xe lăn ôm bụng bầu vừa làm việc nhà
Cuối năm 2014, chị Hải mang thai. Con đến bên đời làm chị trăn trở nhiều lắm, mỗi đêm chị phải đối diện với hàng trăm câu hỏi trong đầu, nào là liệu mình có đủ sức để sinh con hay không, con sinh ra nó có mặc cảm vì mẹ nó không thể đi trên đôi chân mình hay không, rồi có đủ điều kiện để lo cho con lớn lên nên người hay không... Nhưng chị nghĩ, có lẽ, ông trời đã cướp mất của chị đôi chân nên đã ban tặng cho chị một đứa con để chị được làm mẹ như bao người phụ nữ bình thường khác. Chị phải sinh con ra và cố gắng nuôi con, dù bất cứ giá nào đi chăng nữa.
Còn nhớ, thời gian đầu chị mang thai, mẹ chị nói: “Người bình thường mang bầu đã khổ, con tôi ngồi xe lăn đến khi bụng to làm sao chịu nổi đây". Nhưng chị vẫn cố vui vẻ an ủi mẹ: “Con không sao, con khỏe thế này cơ mà”. Mặc dù chị biết thời gian sắp tới đây, chị khổ thế nào thì mẹ chị cũng khổ không thua gì. Bà thương con, thương cháu nên bà sẽ làm mọi điều tốt nhất cho chị và em bé trong bụng. Vậy mà may mắn lắm, thời gian đầu mang bầu chị như được con tiếp thêm sức mạnh, chị khỏe bất ngờ, có thể vừa ngồi xe lăn vừa giúp bố mẹ làm việc nhà mà không thấy mệt. Lại không biết nghén là gì, lúc nào cũng thèm cơm như bị bỏ đói.
Đến tuần thai thứ 39 chị nhập viện chuẩn bị sinh, mà mãi không có dấu hiệu nên chị xin phép về nhà. Đến sáng ngày 3 tháng 5 năm 2015, chị nhập viện một lần nữa nhưng bác sĩ trực khoa sản hôm ấy không cho chị đẻ thường vì mẹ yếu, chân không cử động được, tử cung cao chưa tụt, thai to nên chỉ định mổ. Đến khi bác sĩ trưởng khoa trực tiếp xuống hội chẩn cho chính xác bởi tính chất đặc biệt của sản phụ, thì chị lại được phép sinh thường. Chị sinh nhanh lắm, vỏn vẹn trong 45 phút kể từ khi vào viện là Gấu đã ra đời.
Thời gian ở cữ khó khăn
Sinh con xong, vì sức khỏe tốt nên chị Hải ở lại viện một hôm rồi về hẳn nhà. Khổ nỗi, mới về nhà hai hôm thì chị lại vào viện do tắc sữa. Chị nói đùa, bản thân chị là người mẹ đặc biệt rồi mà đến tia sữa cũng đặc biệt. Chị có hai tuyến vú phụ ở nách, nên khi bị tắc sữa, đau kinh khủng lắm. Vừa đau, vừa hành sốt, làm đủ mọi cách không khỏi. Thế là 4 giờ sáng chị phải để con ở nhà rồi đi viện.
Chị kể thêm, lúc mang bầu mọi người cứ bảo chị tiêm kháng sinh nhiều thế lấy đâu ra sữa cho con ti. Nhưng mà khi sinh xong sữa về miên man (nên bị tắc sữa thường xuyên). Và chị nghĩ chắc cũng tốt sữa nên con tăng cân đều, 3 tháng đầu, mỗi tháng con tăng 1,6kg. Những tháng sau vẫn tăng đều 1,2kg rồi giảm dần xuống. Ngặt nỗi, con càng lớn thì mẹ càng gầy, chăm con mệt mỏi, sữa lại quá nhiều, ăn bao nhiêu tiết hết ra sữa nên chị cứ ngất lên, ngất xuống. Đến khi con 20 tháng, bà ngoại bắt cai sữa để mẹ khỏi kiệt sức. Lúc đấy con được 16,5kg. Cai xong con sút còn 15kg. Nhưng trộm vía con được nết ăn uống nên chị cũng đỡ lo.
Đến giờ, sau 3 năm có con đến bên đời, chị Hải cảm thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa hơn nhiều lắm. Lúc con còn nhỏ cứ leo lên xe mẹ ngồi, rồi hai mẹ rong ruổi khắp trong nhà ngoài ngõ. Mẹ làm gì cũng có con ríu rít bên cạnh. Chiều chiều con lại cùng mẹ đi chơi, con cũng biết đẩy xe cho mẹ, biết làm giúp mẹ cái này cái kia, tuy nhỏ thôi cũng làm mẹ ấm lòng. Cuộc đời của hai mẹ con cứ thế đầy ắp tiếng cười nói, mẹ có thêm thật nhiều tình yêu với cuộc đời, thêm nhiều trách nhiệm, nhiều động lực để phấn đấu nuôi con hơn.
Nhưng nói thì nói vậy, chứ làm mẹ đơn thân nên nhiều lúc chị Hải cũng tủi thân lắm. Lúc con ốm đau, chỉ có một mình, lúc mệt mỏi lo lắng, chẳng dám nói cùng ai. Lại không có một đôi chân lành lặn như bao bà mẹ để có thể chạy thật nhanh tới ôm con khi con ngã, con khóc. Chị nói, đây chắc có lẽ là quy luật bù trừ của riêng cuộc đời chị, thôi thì chị buồn bã cả bao nhiêu năm rồi, thầm tự trách bản thân ngày xưa không cẩn thận cũng quá nhiều lần rồi, giờ đây chị không còn thì giờ để u uất nữa, phải cố gắng vì con.
Quyết tâm phục hồi đôi chân để cho con có cuộc sống tốt hơn
Chị Hải kể, có lần chị đi bằng xe máy ba bánh đến trường đón con, về đến cổng trường cấp 1 gần nhà thì học sinh trong trường ùa ra. Trong khi tránh các bạn nhỏ, chị bị lạc tay lái, hai mẹ con ngã xuống làn đường, còn một chút nữa thôi thì rơi xuống sông. May mà có mọi người ở đó nhanh tay giúp đỡ, kéo xe lên cho. Sau lần này thì chị quyết tâm đi phục hồi với mong muốn rằng mình đi lại được để có thể cho con cuộc sống tốt hơn, không đẩy con vào cảnh nguy hiểm như lần đó nữa.
Thế là bằng quyết tâm này, chị bỏ công việc bán hàng online mình đang làm để lên Hà Nội chữa trị. Thời gian này cũng khó khăn không kém vì chị phải xa con, cộng với việc kinh tế hạn hẹp, trong khi phải lo chi phí sinh hoạt ăn ở rất đắt đỏ ở thành phố. Cũng đã có nhiều lúc muốn bỏ, nhưng mà mỗi lần rơi vào bế tắc thì chị lại nghĩ về con và cố gắng tìm đường để có thể tiếp tục chiến đấu.
May mắn sau đó, chị được nhận vào làm tại một công ty về hóa chất, mỹ phẩm tại Hà Nội. Bây giờ thì ngày chị đi tập vật lý trị liệu, tối chị đi làm. Chị nói cũng mệt lắm, nhưng mà không sao vì đây là con đường tốt nhất để chị có thể tiếp tục thực hiện ước mơ có lại được đôi chân lành lặn và một tương lai thật tốt cho hai mẹ con.
“Qua nhiều biến cố mình nhận ra một điều, bản năng sinh tồn của những người mẹ lớn lắm. Khi gặp khó khăn hay sóng gió cuộc đời, không chỉ riêng mình mà mình tin rằng những bà mẹ khác cũng sẽ luôn nỗ lực để thay đổi cuộc sống, bởi một lý do duy nhất là cho con và vì con” - chị Đặng Thị Hải trải lòng khi quay đầu nhìn lại khoảng thời gian có vui, có buồn mà mình đã đi qua.