Tin mới

Gia sản kếch xù của con địa chủ Nam Kỳ xưa

Chủ nhật, 08/11/2015, 08:05 (GMT+7)

Chỉ bằng 2 bàn tay trắng nhưng Đỗ Hữu Phương đã tự gây dựng lên gia sản kếch xù. Gia tài của ông giàu đến nỗi dân gian Sài Gòn cho rằng ông chỉ ít tiền hơn Huyện Sỹ và vua Bảo Đại.

Chỉ bằng 2 bàn tay trắng nhưng Đỗ Hữu Phương đã tự gây dựng lên gia sản kếch xù. Gia tài của ông giàu đến nỗi dân gian Sài Gòn cho rằng ông chỉ ít tiền hơn Huyện Sỹ và Vua Bảo Đại.

Vào cuối thế kỉ 19, mảnh đất phồn hoa Sài Gòn nổi lên 4 vị đại gia có tài sản kếch xù, nổi tiếng từ trong nam đến ngoài bắc. Họ được dân gian mệnh danh là "tứ đại phú hộ" với câu nói lưu truyền trong dân gian "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định".

Trong số 4 đại gia này thì cuộc đời và sự nghiệp của đại gia Đỗ Hữu Phương, tức nhì Phương, là ồn ào hơn cả. Bởi lẽ ông được đánh giá là người rất khôn ngoan và có sự nghiệp gắn với chính quyền thực dân Pháp.

Chân dung Đỗ Hữu Phương. Nguồn: Internet

Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914) sinh ra và lớn lên tại Chợ Đũi, Sài Gòn. Ông là con của một đại địa chủ Nam Kỳ tên là Bá hộ Khiêm. Nhờ vào gia thế giàu có, ngay từ khi còn nhỏ, ông Phương đã được học hành và tiếp xúc với nhiều sách vở phương Đông lẫn phương Tây. Đây chính là cơ sở để ông Phương làm giàu sau này.

Vào năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương đã rất khôn ngoan lui về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân và chờ đợi cơ hội. Mãi đến năm 1861, ông được cai tổng Đỗ Kiến Phước đề cử làm cộng sự của người Pháp. Cũng kể từ đó, con đường tiến thân xây dựng sự nghiệp của Đỗ Hữu Phương chính thức bắt đầu.

Được biết, Sài Gòn ngày ấy được chia làm 20 hộ và Đỗ Hữu Phương được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng. Bằng sự khôn ngoan và khéo léo của mình, Đỗ Hữu Phương đã lần lượt leo lên nhiều chức vụ khác nhau. Nhất là trong giai đoạn 1866 - 1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. So với những tay sai khác của Pháp, ông tỏ ra khéo léo và mềm mỏng, chủ trương tránh gây đổ máu, chuốc thù oán. Bằng sự khôn khéo của mình, ông đã thuyết phục nhiều nhân vật nổi dậy quy hàng, đồng thời xin chính phủ Pháp ân xá cho họ. Tuy nhiên, ông Phương cũng có lúc cứng rắn khi giết cả người bạn của mình là Đỗ Hữu Huân.

Đến năm 1872, ông trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn và đến năm 1879 được làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn cho vị quan Pháp Antony Landes. Tận dụng chức quyền của mình, Đỗ Hữu Phương đã ngầm đứng ra làm trung gian để giới thiệu các thương gia người Hoa đến hối lộ cho các viên chức Pháp và bỏ túi những khoản tiền khổng lồ. Bằng cách này, Đỗ Hữu Phương đã giàu lên vô cùng chóng vánh. Độ giàu có của ông còn vang xa đến mức, quan Toàn quyền lúc dó là Paul Doumer cũng biết tiếng và ghé thăm.

Sự khôn khéo của và nhạy bén của Đỗ Hữu Phương lại một lần nữa được bộc lộ. Sau chuyến thăm của Paul Doumer, ông thâu tóm được một diện tích đất ruộng lên đến 2.223 mẫu. Đồng thời, trên con đường quan chức của mình, Đỗ Hữu Phương còn được thưởng tam đẳng bội tinh, thăng Tổng đốc hàm và nhận được nhiều ưu đãi khác. Đặc biệt, đến năm 1881, ông gia nhập quốc tịch Pháp, các con đều được đưa sang Pháp du học.

Không ai biết chính xác ông Phương giàu có ra sao nhưng có câu chuyện dân gian cho rằng, độ giàu có của ông chỉ kém hơn Huyện Sỹ và vua Bảo Đại. Sự giàu có của ông Phương được thể hiện rõ nét nhất trong đám tang của ông. Được biết, khi ông qua đời, thi hài của ông được giữ trong nhà nửa tháng sau mới đem  chôn. Mỗi ngày gia đình ông đón hàng trăm lượt khách viếng. Trâu, bò, lợn, gà được mổ liên miên để cúng và đãi khách khiến người dân Sài Gòn lúc bấy giờ chứng kiến được một phen “nhộn nhịp” được lưu truyền đến tận bây giờ.

Nhân Văn (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news