Tin mới

Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trần Văn Khê

Thứ tư, 24/06/2015, 11:39 (GMT+7)

Giáo sư Trần Văn Khê có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, hơn nửa đời người sống ở nước ngoài, GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. 

Giáo sư Trần Văn Khê có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, hơn nửa đời người sống ở nước ngoài, GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. 

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại tỉnh Vĩnh Long, là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. Ông nội là Trần Quang Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà. Cha ông là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đàn nhiều cây, mà đặc biệt nhất là đàn độc huyền (đàn bầu), và đàn kìm (đàn nguyệt). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, lên 6 tuổi ông biết đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi đàn tranh, đánh trống nhạc...

Giáo sư Trần Văn Khê.

Tuy nhiên, Trần Văn Khê lại mồ côi rất sớm. Ba tuổi ông ngoại qua đời. Năm tuổi đến ông nội. Mẹ mất năm 9 tuổi, và năm sau 10 tuổi cha từ trần, Trần Văn Khê ở với người cô Trần Ngọc Viện cho đến ngày khôn lớn. Cô Viện rất thương, cho anh em ông đi học võ, học đàn kìm.

Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học. Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi viếng cả nước Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích. 

Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương - người bạn gái học cùng lớp Triết ở trường Pétrus Ký. Sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về miền Nam. Năm 1944, ông sinh con trai đầu lòng là Trần Quang Hải, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. 

Giáo sư Trần Văn Khê và vợ.

Ông sang Pháp năm 1949, thời kỳ đầu ông định theo học ngành Y (ngành ông theo học trong nước). Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông đăng ký học trường Chính trị Paris và luôn là sinh viên giỏi. Năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. 

Giáo sư Trần Văn Khê đã từng kể trong hồi ký của mình ngay từ những năm ngoài 30 ông đã bị bệnh tật tấn công. Ông bị sưng ruột thừa, phải mổ gấp, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho những chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ông bị lao màng bụng.

Sức khỏe kém, ông được chuyển vào bệnh viện rồi phát hiên ra bệnh lao và tiếp tục chuyển viện tới Nhà dưỡng lao dành cho sinh viên. Điều trị bệnh cũng là khoảng thời gian GS – TS Trần Văn Khê quyết định ghi tên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne năm 1958.
Từ năm 1963 ông giảng dạy trong Trung Tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc Học Paris môn thực tập đàn tranh và lớp lý thuyết, ngôn ngữ âm nhạc các nước Châu Á đến năm 1980 chỉ lo về hành chính và tổ chức chương trình giảng dạy.

Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, năm 1975 Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada). Năm 1981 Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc. Năm 1991 Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng. Năm 1995 Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật). Năm 1999 Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada).

Giáo sư Trần Văn Khê cùng vợ và các con.

 Ra nước ngoài sinh sống từ năm 27 tuổi và đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.

Giáo sư Trần Văn Khê có một tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc dân tộc, hơn nửa đời người sống ở nước ngoài, GS Trần Văn Khê chỉ đau đáu nỗi niềm và tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc. 

Những năm gần đây, mặc dù sức khoẻ yếu, đi đứng có người chăm sóc và di chuyển nhờ xe lăn nhưng ông vẫn rất nhiệt tâm với âm nhạc dân tộc. Ông tiếp tục đi sâu tìm hiểu, giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam trên chính quê hương mình. Ông đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, mong muốn đưa âm nhạc dân tộc thu hút được thanh niên, học sinh - sinh viên, từ đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Ông  cho rằng giữ gìn tiếng hát ru cũng là bước đầu giữ gìn bản sắc dân tộc. Tất cả những việc ông làm, đều chỉ với mong muốn làm sao cho thế giới biết và yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. 

Sau một thời gian lâm bệnh trọng, giáo sư Trần Văn Khê qua đời vào khoảng hai giờ sáng ngày 24 tháng 6 năm 2015 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ tang của Giáo sư Khê được thực hiện theo bản di nguyện do ông lập ra vào ngày 5/6 khi nằm trên giường bệnh.

Giang Trần (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news