U23 Việt Nam sở hữu đội hình rất mạnh và đã có 2 giải đấu cực kì thành công trong năm 2018. Nhưng trước thềm vòng loại U23 châu Á 2020, cựu danh thủ Quốc Vượng lại thấy mông lung.
Theo kết quả bốc thăm cách đây ít phút, được phân vào bảng K, vòng loại U23 châu Á 2020. Chung bảng với Việt Nam là Thái Lan, Indonesia và Brunei. Tại vòng loại này, khu vực Tây Á có 6 bảng, Đông Á có 5 bảng, mỗi bảng lấy 1 đội nhất đi tiếp, kèm theo 4 đội hạng nhì xuất sắc nhất.
Khi được đặt câu hỏi, liệu vào năm sau, khi rơi rớt nhiều hảo thủ vì quá tuổi như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... (còn lại những cầu thủ như Quang Hải, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dụng...) thì cơ hội đi tiếp của U23 Việt Nam ra sao, cựu danh thủ Quốc Vượng chia sẻ:
"Trả lời cho điều này, tôi phải nói thẳng, có lẽ chúng ta chỉ có thể hỏi VFF. Định hướng phát triển của VFF thế nào? Vì sao chúng ta không thể giống Thái Lan, không quá đặt nặng AFF Cup? Việt Nam giờ vẫn đặt mục tiêu phải vô địch AFF Cup bằng được. Chúng ta vẫn đặt nặng thắng thua, thành tích, tính ngắn hạn. Bóng đá Việt Nam đâu có kế hoạch 10 năm.
Mà ngay như tại AFF Cup này, nếu không thành công, tôi sợ ông Park sẽ xin nghỉ. Nếu ông Park không làm nữa, năm sau U23 Việt Nam sẽ như thế nào?
Rồi hiện tại, chúng ta không có bức tranh cụ thể rằng sẽ đôn những ai lên thay lứa cầu thủ quá tuổi ở U23 Việt Nam. Thêm vào đó, chúng ta cũng không có sự hình dung rõ về các đối thủ. Thế nên ở góc độ chuyên môn, để nhận định cơ hội của chúng ta là vô cùng khó".
Sức mạnh của U23 Việt Nam ở năm 2019 ra sao vẫn còn là 1 dấu hỏi, như lứa kế cận thay thế những Công Phượng, Xuân Trường... chưa được xác định rõ ràng.
Trong dòng chia sẻ khá mông lung về tương lai bóng đá trẻ Việt Nam, sau một năm 2018 đại thành công, cựu danh thủ Quốc Vượng đặt thêm câu hỏi cho VFF.
"Chúng ta cần phải hỏi lãnh đạo VFF muốn gì? Muốn tiền, muốn thành tích? Hay muốn phát triển lâu dài? Nếu muốn phát triển lâu dài thì cần có kế hoạch dài hơi. Nhưng hiện tại, đừng nói kế hoạch 10 năm, kế hoạch 2 năm chúng ta còn chưa có tốt.
Ngay như nhận định về sức mạnh của U23 Việt Nam sẽ ra sao vào năm sau hiện tại cũng là câu hỏi rất khó trả lời, vì chúng ta không biết chính xác những nhân tố thay thế sẽ là những ai, kết hợp thế nào nên hiện tại chỉ có thể nói là bóng đá Việt Nam chờ vào may mắn".
Sau năm 2018 đại thành công, tương lai của U23 Việt Nam lại có phần bất định.
Trong 5 bảng đấu thuộc khu vực Đông Á, có thể nói Việt Nam rơi vào bảng khó khăn nhất. 4 bảng đấu còn lại gần như chỉ có 2 cái tên nổi lên, việc cạnh tranh nhất bảng có thể khó, nhưng cạnh tranh một suất nhì bảng xuất sắc sẽ có phần "dễ thở" hơn.
Còn ở bảng đấu của Việt Nam, có tới 3 đội mạnh, nên cạnh tranh nhất bảng hay nhì bảng sẽ đều rất khó khăn.
Thái Lan là đội chủ nhà của VCK nên chắc suất đi tiếp, tuy nhiên đặc thù bóng đá trẻ là không ai chắc suất trong đội hình, nên chắc chắn các cầu thủ áo xanh vẫn sẽ thi đấu hết sức mình tại vòng loại.
Ưu thế của Việt Nam sẽ là được tổ chức bảng K, nhưng thực tế thi đấu tại Việt Nam cũng không hề xa lại với 2 đội ĐNÁ là Thái Lan và Indonesia.
Chúng ta vẫn còn đó những Quang Hải, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Bùi Tiến Dụng nhưng nếu các tân binh không có chất lượng tốt, cơ đội đi tiếp sẽ vẫn rất mù mịt.
Đấy là chưa kể, lọt vào VCK U23 châu Á cũng chỉ là mục tiêu tối thiểu của Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất, như HLV Park Hang-seo từng đặt quyết tâm, là đoạt vé dự Olympic 2020.
VCK U23 châu Á 2020 sẽ lấy ra 3 đội có thành tích cao nhất đến Tokyo. Riêng Nhật Bản là chủ nhà, sẽ được đặc cách tham dự.