Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia Tây Phi đang ở mức cao và sự bùng phát của đại dịch Ebola trong thời gian tới sẽ đặc biệt nguy hiểm và khó lường trước.
Văn hóa truyền thống là một trong những tác nhân gây bùng phát dịch bệnh
Theo thông tin khuyến cáo của WHO thì Ebola là một căn bệnh do virus gây nên, trong đó các triệu chứng ban đầu là sốt, suy nhược cơ thể và căng thẳng, đau cơ, đau họng. Giai đoạn tiếp theo của người bệnh là nôn mửa, tiêu chảy và trong vài trường hợp có thể gây chảy máu bên trong và bên ngoài cơ thể. Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, bao gồm cả tinh tinh, dơi và linh dương rừng. Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài từ hai ngày đến ba tuần và việc chẩn đoán bệnh là rất khó khăn.
Đại dịch Ebola lây lan mạnh do tục lệ ôm hôn người chết - Ảnh 1Xác chết nhiễm virus Ebola có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.Cơ chế lây lan từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp trong môi trường nhiễm bệnh. Đám tang của nạn nhân chết vì Ebola cũng có thể là một nguy cơ, nếu người đưa tang có tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người quá cố. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì truyền thống văn hóa có thể là tác nhân gây bùng phát dịch Ebola.
Xác chết nhiễm virus Ebola có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.
Trong quan niệm của nhiều người ở Tây Phi, sự tiếp xúc gần gũi giữa người sống và người chết đã trở thành nét văn hóa ngàn đời ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Với các quốc gia như Liberia và Sierra Leone, nghi thức tôn giáo bắt buộc khi khâm liệm người chết là người sống sẽ tắm rửa, thậm chí là hôn người chết. Nếu một người chết vì Ebola thì cơ thể của họ sẽ có lượng virus rất cao.
Đại dịch bùng phát từ một bệnh nhân hai tuổi ở Guinea?
Gần đây, nhiều trang báo đưa tin rằng, trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus Ebola là một em bé hai tuổi ở Guinea. Cách đây 8 tháng, em bé này có triệu chứng như sốt, đi ngoài phân đen và nôn mửa. Bốn ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng như trên, em bé đã tử vong. Không lâu sau đó, hàng loạt người thân trong gia đình em cũng lần lượt qua đời. Đầu tiên là mẹ em bé, sau đó là người chị và bà nội em. Cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học cũng chưa thể xác định chính xác vì sao em bé lại có thể bị nhiễm virus Ebola.
Đại dịch Ebola bùng phát chủ yếu ở các làng hẻo lánh ở miền Trung và Tây Phi, gần các khu vực rừng nhiệt đới. Thịt thú rừng của động vật như dơi, linh dương, nhím và khỉ - những món ăn rất được yêu thích ở nhiều quốc gia Tây Phi có thể là nguồn của dịch Ebola. Theo WHO, ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Cộng hòa dân chủ Congo vào năm 1976, sau đó ảnh hưởng đến các quốc gia ở phía đông như Uganda và Sudan.
Những khuyến cáo từ WHO
WHO cảnh báo rằng, để tránh nguy cơ lây nhiễm Ebola cần nói “không” với việc tiếp xúc với thịt thú rừng sống, dơi bị nhiễm bệnh, khỉ và vượn. Vào tháng 3, Bộ trưởng Bộ Y tế Liberia khuyến cáo người dân ngừng quan hệ tình dục, bắt tay hay hôn nhau.
WHO cho biết, những người đàn ông vẫn có thể truyền virus Ebola qua tinh dịch sau 7 tuần hồi phục kể từ khi nhiễm virus Ebola. Người chăm sóc bệnh nhân Ebola nên đeo găng tay và thiết bị bảo vệ khác như mặt nạ và rửa tay thường xuyên. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) nhận định, 50% - 60% số người nhiễm bệnh phải đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh có cơ hội sống sót cao hơn nếu được điều trị sớm.
Theo báo Lao động