Từ một thanh niên chạy xe lôi máy, ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên giám đốc công ty thủy sản Phương Nam) gặp phải thời vận kinh doanh rồi trở thành đại gia trước khi trốn sang Mỹ bỏ lại khoản nợ trên 1.500 tỷ đồng tại quê nhà và hàng loạt cán bộ ngân hàng trước vành móng ngựa.
Theo nguồn tin trên báo Tri thức trực tuyến, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Phương Nam Lâm Ngọc Khuân trước đây là một thanh niên lái xe lôi tuyến Trà Cuông – Sóc Trăng với gần 30 km. Sau khi rời quê Trà Cuông ở xã Thạnh Qưới, của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) về thành phố Sóc Trăng lập nghiệp, ông Khuân lái xe lôi rồi kinh doanh bột mì, xăng dầu, xe gắn máy trước khi chuyển qua mở công ty thủy sản.
Vào năm 1991, tình hình khan hiếm nhiên liệu giúp ông Khuân ăn nên làm ra. Vài năm sau đó miền Tây bước vào thời hoàng kim của tôm sú. Quê hương Trà Cuông của ông Khuân cũng xuất hiện mô hình "con tôm ôm cây lúa" giúp nông dân khá giả.
Lúc này ông Khuân nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Nói là làm, Công ty TNHH Phương Nam (tiền thân của công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam) thành lập tháng 8/1998 với số vốn đầu tư 17 triệu USD (gần 360 tỷ đồng).
Công ty TNHH Phương Nam của ông Khuân
Sáu năm trước, Công ty Phương Nam là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Phương Nam là Mỹ, Nhật, EU, Canada và Trung Đông. Năm 2011 công ty này đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD. Với con số này, thủy sản Phương Nam được xếp thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tiêu biểu năm 2011.
Nhưng từ đầu năm 2012, người dân Sóc Trăng bắt đầu thấy ông Khuân ít xuất hiện. Nhiều nhà thầu xây dựng Nhà máy thủy sản KM Phương Nam (công ty con của Phương Nam) tại huyện Kế Sách nhiều lần liên hệ với Chủ tịch HĐQT không được khiến không ít đối tác làm ăn với ông Khuân lo lắng.
Cuối năm 2012, khi Công ty Thủy sản Bình An ở Cần Thơ được tái cơ cấu thành công, ngành thủy sản miền Tây bắt đầu xôn xao về “đại gia” thứ 2 lún vào nợ nần với số tiền lên đến nghìn tỷ.
Bộ Công an cử cán bộ ra vào Sóc Trăng thường xuyên cho thấy thủy sản Phương Nam thật sự đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, không nhà báo nào tiếp cận được nếu như không có cuộc đối thoại giữa người được ông Khuân ủy quyền điều hành công ty là ông Huỳnh Phúc Quế (33 tuổi) với các nhà thầu xây dựng KM Phương Nam vào ngày 21/9/2012.
Từ đây, hàng loạt con số nợ nần liên quan đến Phương Nam bắt đầu lộ ra. Lúc này, từ Mỹ ông Khuân gửi thư về Việt Nam với lời “xin lỗi” vì bị bệnh mà không về nước được.
Các ngân hàng ngồi lại kiểm tra số nợ và tài sản của Công ty Phương Nam phải giật mình số tiền mất cân đối lên đến... 860 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian bị truy nã, ngày 15-1-2013, ông Khuân cùng vợ đã đến văn phòng công chứng tại quận Orange (bang Califonia, Hoa Kỳ) để ủy quyền hàng loạt bất động sản ở Sóc Trăng cho con trai Lâm Ngọc Khoa (ngụ TPHCM) gồm bốn thửa đất rộng gần 39.000m2 tại thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) và thửa đất xây tòa lâu đài rộng trên 4.000m2 nằm cạnh Nhà máy thủy sản Phương Nam. Giấy ủy quyền có giá trị đến hết năm 2022, ông Khoa được cha mẹ giao toàn quyền định đoạt các thửa đất có giá trị ở quê nhà.
Đối với căn biệt thự lớn nhất Sóc Trăng nằm cạnh Thủy sản Phương Nam, ông Khuân lấy tiền vay của ngân hàng để xây dựng với mục đích làm văn phòng công ty nhưng sau đó sang tên cho vợ và bà Mỹ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Trong thời gian này, nguyên Chủ tịch Công ty Phương Nam đã yêu cầu kế toán với con gái chi tạm ứng trên 71 tỷ đồng nhưng chỉ hoàn hơn 65 tỷ thể hiện nội dung chủ yếu là tiếp khách và đi công tác nước ngoài, còn lại gần 6 tỷ không quyết toán, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Dinh thự bạc tỷ của ông Lâm Ngọc Khuân
Ngoài những tài sản này, đại gia thủy sản còn đầu tư nhiều bất động sản là căn hộ cao cấp ở Phú Mỹ Hưng, khu Mỹ Thái (TP HCM). Một phần nguyên nhân nợ nần của Thủy sản Phương Nam trước đây là do ông ta sử dụng tiền vay sai mục đích khi lấy nợ ngắn hạn đầu tư vào lĩnh vực dài hạn.
Kết quả trưng cầu giám định tài chính cho thấy từ năm 2008 đến 2012 Thủy sản Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ giá trị gần 640 tỷ đồng. Gần 2 năm trước, ông Khuân bỏ trốn ra nước ngoài với vợ con khi dư nợ các ngân hàng trên 1.700 tỷ đồng, được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho gần 41 tỷ đồng, còn lại hơn 1.679 tỷ đồng.
Qua điều tra, nhà chức trách xác định đến thời điểm này Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền gần 785 tỷ đồng. Số tiền này cha con ông Khuân được cho là đã chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Chiều 19/12, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 27 người trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụngxảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Thủy sản Phương Nam tại Sóc Trăng).
Trong đó, nguyên kế toán Thủy sản Phương Nam là Lâm Minh Mẫn và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng (cùng 34 tuổi) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 25 người nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang cùng bị cáo buộc Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Do cha con cầm đầu vụ lừa đảo đã bỏ trốn, cơ quan điều tra truy nã đối với ông Khuân và con gái, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Bảo An (tổng hợp)