Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) – người vừa bị tạm giữ để điều tra – từng là một trong những người trẻ giàu nhất trong top U40 trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), ông Lê Văn Hướng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) từ tháng 10/2010.
Trước khi trở thành Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị JVC, ông Hướng từng là Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Việt Nhật (sau này đổi tên thành CTCP TBYT Việt Nhật) từ tháng 9/2001 đến tháng 9/2010.
Ông Hướng sinh ngày 2/9/1976 tại Quảng Ninh. Từ tháng 4/1996 đến tháng 4/2001 ông Hướng du học tại Nhật Bản theo diện học bổng Monbusho của chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề quan trọng đưa ông đạt đến những thành công vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh.
Doanh nhân Lê Văn Hướng |
Lên sàn năm 2011 với vốn điều lệ khi đó là 242 tỷ đồng, trong gần 4 năm, JVC của ông Hướng đã thực hiện nhiều đợt tăng vốn qua đó tăng vốn lệ lên 1.125 tỷ đồng.
Là Tổng giám đốc JVC từ năm 2010, năm 2012, ông Hướng lọt vào danh sách CEO giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu có giá trị tương đương 242,6 tỷ đồng. JVC cũng là một trong 2 cổ phiếu do các CEO giàu nhất sàn chứng khoán Việt nắm giữ tăng giá trong năm 2012.
Tuy nhiên, đến những ngày tháng 6/2015, giá cổ phiếu của JVC giảm mạnh do những tin đồn liên quan đến vị Chủ tịch này.
Trước đó, ngày 10/6, trên thị trường chứng khoán đã có tin đồn liên quan đến hoạt động của JVC, rằng dự án của JVC tại Bình Định gặp vấn đề, bị khiếu nại.
Hệ quả là trong 3 phiên liên tiếp (10-12/6), giá cổ phiếu JVC liên tiếp giảm sàn tổng mức giảm 18%, còn 17.300 đồng/cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/6, JVC có giá 11.300 đồng.
Trước sự việc này, JVC đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán, HOSE và cổ đông, thông tin rằng hoạt động của JVC "vẫn bình thường".
Công văn này đã khiến cổ phiếu này hãm lại đà giảm với lượng khớp lệnh lên tới hơn 12 triệu đơn vị - tương đương ¼ lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, bước sang 2 phiên giao dịch ngày 16 và 17/6, JVC lại tiếp tục giảm sàn, rơi xuống 14.900 đồng/cp. Như vậy chỉ sau 6 phiên giao dịch, cổ phiếu JVC đã mất đi xấp xỉ 30% giá trị, tương ứng vốn hóa giảm 700 tỷ. Khi đó, chưa có một nguyên nhân cụ thể nào được xác định. Hiện ông Hướng chỉ còn sở hữu 11,9% so với mức 55% khi niêm yết.
Tin tức trên Thời báo Kinh tế Việt Nam cho hay, trước khi vị Chủ tịch bị tạm giữ để điều tra, JVC đã thông báo ông Lê Văn Hướng tạm thời không thể tham gia vào việc quản trị, điều hành công ty và nắm giữ các vị trí nêu trên.
Vì vậy, ngày 21/6 vừa qua, JVC đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của ông Lê Văn Hướng. Thay vào đó, ông Kyohei Hosono trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Nguyễn Hữu Hiếu trở thành Tổng giám đốc.
Ngoài ra, JVC cam kết công bố thông tin về tình hình hoạt động của công ty tới các cổ đông để ổn định tâm lý.
Được biết, trong dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, JVC có tham gia với vai trò là công ty cung cấp dịch vụ sau bán hàng, hiện đang trong giai đoạn chấm thầu, chưa có kết quả và công ty đến nay "không nhận được bất cứ khiếu nại nào về dự án này".
SAu khi có thông tin chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Hạnh, vợ ông Hướng đã có động thái bán 1,8 triệu cổ phiếu JVC. Trước đó, bà sở hữu xấp xỉ 1,89 triệu cổ phiếu JVC, tương đương 1,68% vốn điều lệ của CTCP Y tế Việt Nhật. Sau khi bán thành công 1,8 triệu cổ phiếu, bà Hạnh đã giảm số cổ phần JVC nắm giữ xuống còn 89.657 cổ phiếu.
Được biết, bà Nguyễn Thị Hạnh hiện là ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của công ty này. Ngoài ra, bà Hạnh cũng là vợ ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của JVC mới miễn nhiệm ngày 21/6/2015 và là chị gái của tân Tổng giám đốc Nguyễn Đức Hiếu.
Giá cổ phiếu JVC vẫn chưa giảm đà rơi trong suốt 10 phiên giao dịch gần đây. Vốn hóa thị trường của cổ phiếu này đã giảm một nửa so với thời điểm ngày 10/6/2015.
Nam Nam (Tổng hợp)