Tin mới

Đại gia Việt: Đổi nghề, đổi vận

Thứ sáu, 21/11/2014, 09:01 (GMT+7)

Sở hữu biệt thự, siêu\nxe, khối tài sản khổng lồ… ít ai biết những vị đại gia này phải đi lên từ hai\nbàn tay trắng. Thậm chí có người phải kéo cày, chăn trâu hay phải đi dọn chuồng\nlợn….

 

 

Sở hữu biệt thự, siêu xe, khối tài sản khổng lồ… ít ai biết những vị đại gia này phải đi lên từ hai bàn tay trắng. Thậm chí có người phải kéo cày, chăn trâu hay phải đi dọn chuồng lợn…. 

“Chúa đảo Tuần Châu” Đào Hồng Tuyển: Dọn chuồng lợn, bưng bia phục vụ

Đại gia Đào Hồng Tuyển được nhiều người đánh giá là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tuy nhiên, ít ai biết được rằng, ông từng mưu sinh, quăng quật, kiếm sống bằng nhiều nghề trên khắp đất Sài Gòn.

Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông ở lại TP.HCM lập nghiệp.

Công việc của ông Tuyển trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô hay công viên,...

Năm 1997, dưới danh nghĩa là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông Tuyển thực hiện dự án được xem là “điên rồ” nhất vào thời đó, là đổ 80 tỷ đồng lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu.

3 năm sau, con đường hoàn thành, 15 năm tiếp theo là thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là “Chúa đảo”, và trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt Nam.

Đại gia Huỳnh Uy Dũng nảy ý tưởng làm lò vôi

Chưa học hết lớp 12, ông Huỳnh Uy Dũng với biệt danh quen thuộc Dũng "lò vôi" đã nhập ngũ và tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.

Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc công an thị xã Thủ Dầu Một, thấy cuộc sống quá khổ, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Cái tên Dũng “lò vôi” bắt đầu từ khi đó.

Hiện tại, ông Dũng được biết đến là một đại gia danh tiếng, sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản "khủng" như khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, khu du lịch Đại Nam Văn Hiến,... cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.

Bùi Quang Ngọc – Từ giáo viên toán đến CEO FPT

Nhắc đến những trường hợp thầy giáo “tay ngang” thành công trên thương trường, có lẽ không có tấm gương nào sáng hơn cựu giảng viên khoa Toán - Tin trường Đại học Bách Khoa Bùi Quang Ngọc – người đang “đứng mũi” trên con thuyền FPT đang vươn ra biển lớn công nghệ thông tin thế giới.

Trước khi đến với FPT, doanh nhân Bùi Quang Ngọc đã từng có gần 10 năm ăn lương nhà giáo, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, ĐH Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979. Không được trang bị một chút kiến thức về kinh doanh, quản trị, nhưng bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của nhà giáo đã giúp ích cho ông trong công cuộc quản trị FPT.

Cơ duyên với FPT của TGĐ Bùi Quang Ngọc bắt đầu từ một tối mùa hè năm 1988 khi Trương Gia Bình - người bạn học năm xưa đến nhà chơi và thuyết phục ông tham gia nhóm sáng lập công ty FPT. Có thể nói, ngày định mệnh ấy đã biến Bùi Quang Ngọc từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay.

Lý do rời bỏ nghề giáo đi làm kinh tế của ông Ngọc chính làvì không cam chịu sống trong nghèo khổ. Cũng có thể trong máu của vị doanh nhân ấy có niềm tự hào, tự tôn dân tộc, không muốn Việt Nam bị thế giới coi thường nên quyết làm một cái gì đó để thoát nghèo và vươn lên.

Trải qua chặng đường 26 năm thăng trầm cùng FPT, nhiều bước phát triển quan trọng của tập đoàn đều in dấu chân của vị lãnh đạo này. Ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn như thống nhất công ty FPT trên toàn quốc (Bắc - Nam 2002); tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011), và gần đây nhất là xây dựng Hệ thống quản trị bằng thẻ điểm cân bằng (BSC).

Tháng 8 năm 2013, ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc và sau một năm chính thức ở vị trí chủ chốt này, ông mang lại cho FPT doanh thu 15.211 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013, và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn.

Nhiều người cho rằng vũ khí quản trị của Bùi Quang Ngọc chính là tính khoa học, tính kỷ luật, sự kiên định và vũ khí ấy đã góp phần tạo nên những thành công của nhà quản trị xuất sắc này. Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học nên luôn yêu cầu mọi thứ phải theo đúng một quy trình, hệ thống đã đề ra. Với ông, xây dựng một FPT chuyên nghiệp, hùng cường với vài chục ngàn người, có thứ hạng trên bản đồ công nghệ quốc tế chính là niềm đam mê bất tận.

Hiện FPT là công ty CNTT-VT hàng đầu  của Việt Nam với quy mô doanh thu đạt trên 28.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,4 tỷ USD) và nhân lực trên 18.000 người. FPT cũng đã khẳng định được vị thế trên toàn cầu với sự hiện diện tại 4 châu lục, 19 quốc gia.

Bầu Đức: Từ anh thợ mộc đến ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học. Công việc hàng ngày của bầu Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, ông chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 4 lần trượt đại học, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp bằng trường đời.

Năm 1982, ông vào TP HCM thi đại học, nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

22 tuổi, không tiền, không nghề nghiệp nhưng nuôi khát vọng làm giàu, bầu Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng.

Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ông tự tay làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news