Tin mới

Những đại gia nghìn tỷ từng làm giáo viên

Thứ năm, 20/11/2014, 08:37 (GMT+7)

Trước khi trở thành những doanh nhân nghìn tỷ nổi tiếng, những đại gia như ông Trần Mạnh Hùng, Bùi Quang Ngọc, Trương Gia Bình… từng là những giáo viên đầy tâm huyết đứng trên bục giảng.

 

 

Trước khi trở thành những doanh nhân nghìn tỷ nổi tiếng, những đại gia như ông Trần Mạnh Hùng, Bùi Quang Ngọc, Trương Gia Bình… từng là những giáo viên đầy tâm huyết đứng trên bục giảng.

Bùi Quang Ngọc – Từ giảng viên toán đến CEO FPT

Nhắc đến những trường hợp thầy giáo “tay ngang” thành công trên thương trường, có lẽ không có tấm gương nào sáng hơn cựu giảng viên khoa Toán - Tin trường Đại học Bách Khoa Bùi Quang Ngọc – người đang “đứng mũi” trên con thuyền FPT đang vươn ra biển lớn công nghệ thông tin thế giới.

Trước khi đến với FPT, doanh nhân Bùi Quang Ngọc đã từng có gần 10 năm ăn lương nhà giáo, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, ĐH Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979. Không được trang bị một chút kiến thức về kinh doanh, quản trị, nhưng bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của nhà giáo đã giúp ích cho ông trong công cuộc quản trị FPT.

Cơ duyên với FPT của TGĐ Bùi Quang Ngọc bắt đầu từ một tối mùa hè năm 1988 khi Trương Gia Bình - người bạn học năm xưa đến nhà chơi và thuyết phục ông tham gia nhóm sáng lập công ty FPT. Có thể nói, ngày định mệnh ấy đã biến Bùi Quang Ngọc từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay.

Lý do rời bỏ nghề giáo đi làm kinh tế của ông Ngọc chính làvì không cam chịu sống trong nghèo khổ. Cũng có thể trong máu của vị doanh nhân ấy có niềm tự hào, tự tôn dân tộc, không muốn Việt Nam bị thế giới coi thường nên quyết làm một cái gì đó để thoát nghèo và vươn lên.

Trải qua chặng đường 26 năm thăng trầm cùng FPT, nhiều bước phát triển quan trọng của tập đoàn đều in dấu chân của vị lãnh đạo này. Ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn như thống nhất công ty FPT trên toàn quốc (Bắc - Nam 2002); tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011), và gần đây nhất là xây dựng Hệ thống quản trị bằng thẻ điểm cân bằng (BSC).

Tháng 8 năm 2013, ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc và sau một năm chính thức ở vị trí chủ chốt này, ông mang lại cho FPT doanh thu 15.211 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013, và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn.

Nhiều người cho rằng vũ khí quản trị của Bùi Quang Ngọc chính là tính khoa học, tính kỷ luật, sự kiên định và vũ khí ấy đã góp phần tạo nên những thành công của nhà quản trị xuất sắc này. Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học nên luôn yêu cầu mọi thứ phải theo đúng một quy trình, hệ thống đã đề ra. Với ông, xây dựng một FPT chuyên nghiệp, hùng cường với vài chục ngàn người, có thứ hạng trên bản đồ công nghệ quốc tế chính là niềm đam mê bất tận.

Hiện FPT là công ty CNTT-VT hàng đầu  của Việt Nam với quy mô doanh thu đạt trên 28.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,4 tỷ USD) và nhân lực trên 18.000 người. FPT cũng đã khẳng định được vị thế trên toàn cầu với sự hiện diện tại 4 châu lục, 19 quốc gia.

“Đầu tàu” ACB: Xuất thân từ nghề “gõ đầu trẻ”

Ít ai biết được rằng: ông Trần Mộng Hùng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).

Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại.

Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùngcùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.

Báo cáo tình hình quản trị của ACB mới công bố cho thấy, tính đến 30/6/2014, gia đình người sáng lập Trần Mộng Hùng vẫn đang sở hữu khối lượng cổ phiếu khổng lồ tại nhà băng này. Bản thân ông Trần Mộng Hùng đang là Thành viên HĐQT ACB, nắm giữ 16,52 triệu cổ phần, tương ứng 1,76% vốn điều lệ. Bà Đặng Thu Thủy - vợ ông Hùng, nắm xấp xỉ 11 riệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 1,76%. Bà Thủy cũng đang là Thành viên HĐQT ACB.

Con trai ông Trần Mộng Hùng là ông Trần Hùng Huy - hiện giữ chức vụ cao nhất tại ACB - Chủ tịch HĐQT, đang sở hữu 28,77 triệu cổ phần, tương tứng tỉ lệ 3,07% vốn điều lệ ngân hàng.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Ông là một thành đạt nhưng ít người biết ông còn là một nhà khoa học được đào tạo tại Liên Xô. Trước khi trở thành một doanh nhân nổi tiếng như bây giờ, ông Bình đã có một thời gian dài tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

Sinh năm 1956, ông Trương Gia Bình là sáng lập viên, Chủ tịch và là Tổng giám đốc của FPT trong hơn 20 năm (1988-2009). Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam (với số lượng thành viên lên tới 2500 doanh nghiệp trên 43 tỉnh thành của Việt Nam) từ năm 1998, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh (ĐHQG HN) từ năm 1995, và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT với số lượng nhân viên lên tới 12.000 người.

Ông Bình là học sinh trường cấp 3 Chu Văn An khóa 1970 đến 1973, tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lý học tại Đại học Matx-cơ-va khóa 1974 đến 1979; Tiến sỹ Toán học và Vật lý học tại Đại học Matx-cơ-va năm 1982. Ông được công nhận chức danh phó giáo sư năm 1991.

Trong một lần tâm sự với báo giới, ông Bình chia sẻ: “Năm 1985, tôi về Việt Nam, một người bạn than thở: “Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ?”. Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và tôi quyết định lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện Cơ rồi bắt đầu làm kinh tế. Năm 1988, FPT chính thức ra đời với 13 thành viên”.

Ông Trương Gia Bình cũng là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.

Năm 2006, công ty của ông đã mở Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam và ông có vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của nó. Ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp là môn Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp…

Đại gia gỗ Trường Thành

Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn - Bình Định. Năm 21 tuổi, khi đang làm nghề giáo viên, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của người thầy giáo trẻ với gỗ.

Sau hơn 7 năm miệt mài cùng xưởng gỗ, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy ông tự khởi nghiệp với số vốn vay mượn 50 triệu đồng, thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.

Từng là giáo viên dạy Toán, ông Thành luôn áp dụng tư duy Toán học để tìm lời giải cho các vướng mắc trong điều hành. Chính điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp luôn ổn định và phát triển.

Nhưng cuối năm 2008 đầu 2009, kinh tế bắt đầu khó khăn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất trên thế giới cũng giảm đã đẩy doanh nghiệp của ông rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2013, thông tin Trường Thành đang nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng khiến không ít người ngỡ ngàng.

Bảo An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news