Mới đây, một đại gia Nghệ An đã chi hàng chục tỉ đồng để xây một căn nhà gỗ tặng cha mẹ gây xôn xao dư luận.
Theo Báo Giadinhonline, ngôi nhà làm từ 600 m3 gỗ đinh hương do 6 người con dành tặng ông Trần Mạnh Chưởng và bà Nguyễn Thị Nhiên (Hưng Nguyên, Nghệ An).
Ngôi nhà 5 gian, được làm từ 600 m3 gỗ đinh hương được các nhóm thợ ở Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình và Nghệ An đảm nhiệm xây dựng.
Ông Trần Mạnh Chưởng và bà Nguyễn Thị Nhiên (đều đã mất) có 6 người con ruột, 3 con dâu, 3 con rể, 14 cháu và 3 chắt.
Các con cháu đã quyết định xây dựng ngôi nhà trị giá hàng chục tỷ đồng bằng gỗ đinh hương quý hiếm làm nhà lưu niệm cho gia đình và thờ phụng tổ tiên.
Căn nhà gỗ chục tỉ của những người con hiếu thảo xứ Nghệ. Ảnh: giadinhonline
Hiện nay, theo tìm hiểu của báo giới, rất nhiều đại gia thành đạt, ”lắm tiền nhiều của” đã và đang chọn cách báo hiệu cha mẹ, tổ tiên bằng việc xây nhà gỗ bạc tỉ, hoặc những “dinh cơ” rọng hàng nghìn m2.
Cách đây 7 năm, ông Trần Công Lộc, nguyên một quan lớn của tỉnh Cà Mau, đã chi một khoản tiền khủng, rồi mướn thợ xây ở Cà Mau để xây phủ thờ họ Trần lớn nhất giữa một vùng quê nghèo ở thị trấn Ngã Năm (huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), có diện tích khoảng 7.000 m2
NĂm 2011, truyền thông liên tục đưa tin ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc một công ty có trụ sở tại Hà Nội đã bỏ 10 năm (1998-2008) cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà.
Để thực hiện ý nguyện của mình, ông Lượng đã nhẫn nại thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh. Từ mảnh đất 240 mét vuông, ông mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất gom được rộng tới 5.000 m2, nằm trên một thế đất vàng theo Phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông.
Khu nhà thờ người cha liệt sĩ của ông Nguyễn Đức Lượng.
Nếu công việc đào hồ, đắp núi làm đi làm lại vài lần và được coi là kỳ công thì ngôi nhà thờ dát vàng còn tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân. Ban đầu, khi đã gom đủ lượng gỗ lim (mua tận Nam Phi) để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà anh đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng. Thế nhưng, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, đã dỡ bỏ.
Sau đó, ông lại mướn đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng… Cuối cùng, một công trình lớn đã được hoàn thiện.
Theo Nam Nam/Người đưa tin