-
Diễn viên Chu Hùng (trái) trong phim Bí mật tam giác vàng.
Đầu năm nay, Chu Hùng đã có sự lột xác với vai người cha nhân hậu và đầy trách nhiệm trong phim Biển trời mênh mông.
Chiều qua (27/11), diễn viên Chu Hùng bị thanh niên chạy ô tô va chạm giao thông trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Theo nhiều nhân chứng cho biết, không những không xin lỗi, hỏi han diễn viên Chu Hùng có bị gì không, người thanh niên này còn lao tới có lời lẽ không đẹp cùng hành động túm áo diễn viên Chu Hùng. Với hành vi động thủ trước của mình dù mắc lỗi, thanh niên này đã bị Chu Hùng dạy cho một bài học. Qua vụ việc này, nhiều dân mạng cảm thấy nể, yêu mến Chu Hùng hơn và cho rằng ông là “Bắc Đại Bàng trong phim lẫn ngoài đời".
Video:
NSƯT Võ Hoài Nam
Đảm nhận vai Chiến trong phim là NSƯT Võ Hoài Nam. Anh mang tới cho khán giả hình ảnh một chiến sĩ công an với vẻ phong trần, lãng tử, mưu trí trong phá án, bắt tội phạm.
Trong những tập cuối cùng của bộ phim, hình ảnh Chiến hi sinh khi đỡ đạn cho đồng đội mang lại sự xúc động và tiếc nuối cho nhiều khán giả yêu mến bộ phim.
NSƯT Võ Hoài Nam với hình ảnh một chiến sĩ công an quả cảm.
NSƯT Võ Hoài Nam có một tuổi thơ không thể nào quên với những năm tháng đi bụi, lang thang kiếm sống ở các ga tàu. Anh nhập ngũ năm 18 tuổi, đến năm 22 tuổi, anh xuất khẩu lao động sang Nga nhưng được một năm thì lại trở về.
Về nước, anh theo học nghề tại nhà hát kịch Trung ương. Khi học đến năm thứ 3, anh được đạo diễn Hà Sơn mời tham gia bộ phim nhựa:“Truyền thuyết tình yêu thần nước”.
Đến năm 2003, vai Trọng trong bộ phim điện ảnh“Vua bãi rác” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn mang lại cho anh giải “Diễn viên trẻ xuất sắc nhất” trong LHP châu Á - Thái Bình Dươnglần thứ 47 tại Pusan (Hàn Quốc).
Sau bộ phim “Chuyện phố phường” (2005) của đạo diễn Danh Dũng, Võ Hoài Nam bỗng biến mất khỏi màn ảnh. Anh cùng vợ con khăn gói vào Nam mở cửa hàng ăn. Đến năm 2009, lại thấy anh “kéo quân” ra Hà Nội, lặn lội đi tìm thuê nhà, cùng vợ tiếp tục kinh doanh cửa hàng ăn.
Những tưởng chàng “cảnh sát hình sự” đã quên lãng điện ảnh thì bất ngờ năm 2011 anh trở lại đóng phim qua lời mời của một người bạn trong đoàn phim “Song hùng kỳ dị”. Tài tử gốc Bắc đảm nhận vai Ấn Phong, một “anh hùng hiệp nghĩa” thời hiện đại.
Gia đình NSƯT Võ Hoài Nam
Trải qua nhiều công việc, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với NSƯT Võ Hoài Nam, nghề diễn vẫn là đam mê số 1. Anh đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam và tiếp tục con đường nghệ thuật với công việc viết kịch bản và đạo diễn.
NSƯT Hoàng Hải
Trong series phim này, NSƯT Hoàng Hải vào vai Minh- một chiến sĩ công an mạnh mẽ, rắn rỏi, luôn đi đầu xông pha trong mọi mặt trận nguy hiểm để truy bắt tội phạm. Nhưng vì quá đam mê công việc mà anh không có thời gian lo lắng cho gia đình khiến vợ bỏ đi cặp bồ rồi lao vào con đường tù tội.
Những chuyện xảy ra với cuộc sống của vợ chồng Minh giúp khán giả thấu hiểu hơn về những khó khăn, những nỗi khổ tâm của các chiến sĩ công an khi họ hi sinh cuộc sống cá nhân để bảo vệ cho lợi ích, cho sự An Nguy của cộng đồng.
Vai Minh do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận.
NSƯT Hoàng Hải sinh ra ở Hà Nội.Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh, anh về Nhà hát Kịch Hà Nội. Sau đó, anh theo gia đình trở về nguyên quán Đà Nẵng và đầu quân về Đoàn Ca kịch Quảng Nam.
Những năm bao cấp, thù lao nghề diễn ít ỏi, anh chuyển sang buôn bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, rồi kinh doanh xe du lịch. Tích góp vốn liếng kha khá, anh mở cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng.Và bây giờ, anh trở thành Giám đốc đại lý phân phối khu vực miền Trung cho một nhãn hàng của Nhật Bản.
Song song với công việc kinh doanh, NSƯT Hoàng Hải vẫn duy trì niềm đam mê với nghiệp diễn xuất. Anh tham gia trong nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Đường đời”, “Đồ vật lãng du”, “Làng ven hồ”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Rác phố”, “Hai người trở lại trung đoàn”, “Vết trượt”, “Gió làng Kình”,“Vệt nắng cuối trời”, “Bí mật tam giác vàng”,“Giấc mơ hạnh phúc”, “Nơi chốn ta quay về”…
Năm 2013, NSƯT Hoàng Hải thủ vai tướng Dinh (nguyên mẫu của tướng Đinh Đức Thiện) trong bộ phim chiến tranh “Những người viết huyền thoại” – bộ phim đoạt 6 giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 18. Đây tiếp tục là một vai diễn mà NSƯT Hoàng Hải lưu giữ hình tượng đẹp trong lòng khán giả.
Diễn viên Hoa Thúy
Những nữ cảnh sát xinh đẹp trên màn ảnh Việt thì không thiếu, nhưng về thần thái và sự tinh tế trong diễn xuất thì khó mà qua được vai Thu Hiền do Hoa Thúy đảm nhiệm.
Trong phim này, suốt từ đầu đến cuối, Thu Hiền là một nữ cảnh sát nghiêm nghị, cứng cáp nhưng đến khi người yêu hi sinh ngay trước ngày cưới, Hiền không thể che giấu sự yếu đuối của một người con gái.Cảnh Hiền ôm lấy xác Chiến gào lên đau đớn đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả.
Hoa Thúy trong vai nữ cảnh sát Thu Hiền.
14 tuổi, Hoa Thúy đã xa gia đình để bắt đầu cuộc sống tự lập của một cô sinh viên nghệ thuật. Chị học hát chèo tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Nhưng rồi các đạo diễn đã phát hiện ra khả năng diễn xuất để biến chị thành một diễn viên phim truyền hình nổi tiếng.
17 tuổi, Thúy đã được mời đóng phim nhựa “Người đàn bà không con” và sau đó là “Hà Nội mùa đông 46”. Đến nay, Hoa Thúy đã có mặt trong hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng: “Duyên nghiệp”,“Xin hãy tin em”, “Chuyện của Pao”, “Làng cát”, “Đồng Nọc Nạn”, “Bi, đừng sợ” …
Hoa Thúy với vai cô giáo trong phim “Bi, đừng sợ”.
Hoa Thúy kết hôn vào năm 1996 cùng diễn viên Tùng Dương và có một cô con gái. Nhưng được 3 năm thì “đường ai nấy đi”. Một mình Hoa Thúy nuôi con và đến tận năm 2010 chị mới tái hôn với một người đàn ông hơn mình 18 tuổi. Hiện tại, chị đang là diễn viên của đoàn kịch 2 (Nhà hát Tuổi Trẻ -Hà Nội).
NSƯT Tạ Minh Thảo
NSƯT Tạ Minh Thảo xuất hiện trong phần phim “Bí mật hồ hang rắn” (1999) với vai “Cường sẹo”. “Cường sẹo” vốn là người tốt nhưng vì trả thù cho người thân mà trở thành kẻ sát nhân, thành một tướng cướp khét tiếng.
NSƯT Tạ Minh Thảo trong tạo hình “Cường sẹo”, ngày ấy (trái) và bây giờ.
NSƯT Tạ Minh Thảo là một người lính từng đi qua chiến tranh và trưởng thành trong nhà trường quân đội. Ông gắn bó cùng nghệ thuật mấy chục năm với các công việc như: diễn viên kịch nói, đạo diễn sự kiện lễ hội, giảng viên tại các trường văn hóa nghệ thuật. Nhưng khán giả cả nước biết đến nghệ sĩ nhiều nhất trong lĩnh vực điện ảnh.
Vai diễn đầu đời của nghệ sĩ là trong phim "Lính hải quân" (1978). Kể từ đó đến nay, NSƯT Tạ Minh Thảo có mặt trong hơn bốn mươi phim, trong đó có nhiều phim nổi tiếng như: "Anh sẽ về", "Nga" (1996); "Câu chuyện xóm chèo" (1997); "Người thừa kế dòng họ", "Những con nhện xanh" (1998); "Mùa lá rụng" (1999), "Những ngọn nến lung linh" (2000), "Đường đời" (2001); "Dòng sông phẳng lặng (2004)...
Trong series các phim “Cảnh sát hình sự”, sau " Bí mật hồ hang rắn" nghệ sĩ tiếp tục xuất hiện trong các phần khác như: "Lá thư tuyệt mệnh" 10 tập (2005); "Lời sám hối muộn màng" 10 tập (2006); "Luật đời" 26 tập (2007); "Đội đặc nhiệm H88" 20 tập (2008); "Phá vỡ im lặng" 10 tập; "Đầm lầy bạc" 20 tập (2009); "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" 37 tập (2009)...
Cuộc sống của NSƯT Minh Thảo luôn là những cuộc di chuyển không ngừng.Sống ở Thái Bình nhưng làm việc khắp cả nước. Chưa kể, nghệ sĩ vẫn thu xếp để trọn vẹn vai trò của đạo diễn tại Đoàn Ca múa kịch Thái Bình - nơi nghệ sĩ đang đầu quân.
Diễn viên Nguyễn Văn Báu
Diễn viên Nguyễn Văn Báu là gương mặt không còn xa lạ gì với điện ảnh Việt. Hầu như các vai diễn người công an tài trí, sắc sảo và trung thực nào trên phim là khán giả lại thấy như nó được “đo ni đóng giày” cho ông. Trong loạt phim “Cảnh sát hình sự” đầu tiên, ông thủ vai thiếu tá Khắc Trường, là “thủ trưởng” của Chiến, Hiền và Minh.
Quả cảm, mưu trí, quyết liệt và cương nghị nhưng vai diễn người chiến sĩ công an do ông thể hiện vẫn giản dị, điềm đạm và đời thường. Cũng vì thế, mỗi khi nhắc vai diễn người lãnh đạo công an nhân dân, khán giả thường sẽ nhắc ngay đến diễn viên Văn Báu.
Diễn viên Văn Báu ngày ấy – bây giờ.
Nghệ sĩ Văn Báu bén duyên với điện ảnh khá muộn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Nguyễn Văn Thịnh - một trong những người sáng lập Đoàn chèo Trung ương và cha là NSƯT cải lương Nguyễn Văn Bái, nhưng con đường đến với nghệ thuật của ông lại gập ghềnh với nhiều khúc quanh.
Mười bảy tuổi, sẵn nét thư sinh trai trẻ và giọng hát trời phú, Văn Báu là ca sĩ của Đoàn Ca múa Tổng cục Hậu cần. Sau gần chục năm trong Đội Văn công Trường Sơn, lăn lộn phục vụ trên nhiều chiến trường, năm 1977, ông phải ra quân vì sức khỏe giảm sút.
Gần 20 năm, ông là phát thanh viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, đến tuổi 43, Văn Báu mới kết duyên và gắn bó với điện ảnh.
Văn Báu đến với điện ảnh bắt đầu bằng vai người quản giáo nghiêm khắc và giàu lòng thương người trong phim ngắn "Câu chuyện về người tù".
Tới nay, ông đã có trong hành trang của mình hàng chục vai diễn công an, từ "Lời sám hối muộn màng", "Làng cát", "Trò chơi sinh tử", "Bí mật những cuộc đời", rồi sau này là "Chạy án 1", "Chạy án 2"….
Gần đây, trong 2 bộ phim mới lên sóng truyền hình, nghệ sĩ Văn Báu tiếp tục xuất hiện với hình ảnh người lãnh đạo công an nhân dân. Đó là vai diễn người hiệu trưởng mẫu mực của Học viện Cảnh sát trong bộ phim “Chạm tay vào nỗi nhớ” và vai Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tận tâm với công việc trong phim “Sát thủ online”.
T.Phong (tổng hợp)
Sao Việt 'đu trend' nhan sắc theo thời gian: Chị Nguyệt nay đã không còn thảo mai, Midu giũ bỏ hình ảnh bánh bèo
Trào lưu soi lại nhan sắc ngày ấy - bây giờ #howmuchhaveyouchangedchallenge đang được sao Việt hưởng ứng nhiệt tình.