Với hơn 60 triệu bản được bán ra trong suốt 70 năm qua, cuốn sách 'Nghĩ giàu làm giàu' - Một cuốn sách kinh điển về 'làm giàu và làm người' của Napoleon Hill nổi tiếng trên toàn thế giới và theo lời tự thú của Đặng Lê Nguyên Vũ, đây là cuốn sách 'gối đầu giường' của ông.
Bỏ xuống mọi ồn ào về vụ ly hôn nghìn tỷ với vợ cũ Lê Hoàng Diệp Thảo cũng như những phát ngôn bị cho là 'vĩ cuồng' thì những câu chuyện về 'khởi nghiệp và làm giàu' của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn luôn là đề tài bất tận được nhiều người yêu thích và tìm hiểu.
Xoay quanh câu chuyện 'khởi nghiệp và làm giàu' của mình, ông Vũ thường xuyên nhắc đến cuốn sách 'Nghĩ giàu, làm giàu' và coi đó là hành trang quý báu đối với thế hệ trẻ muốn khởi nghiệp, đổi đời.
'Nghĩ giàu, làm giàu' là cuốn sách hội tụ đủ mọi tinh hoa đã được tác giả dành toàn bộ thời gian cũng như công sức trong suốt 30 năm để phỏng vấn hơn 500 người nổi tiếng và thành công nhất ở nhiều lĩnh vực với hàng nghìn doanh nhân, là một cuốn sách được xem có giá trị vĩnh hằng theo thời gian về tính đúng đắn.
Ở những trang đầu tiên của cuốn sách, Napoleon Hill đã chỉ ra 6 nỗi sợ hãi cơ bản trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng từng mắc phải ở nhiều thời điểm, là lực cản lớn chắn ngang con đường đi đến thành công.
Liên tục nhắc đến cuốn sách này, Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ đồng tình mà còn gián tiếp cho thấy đó là nỗi sợ chung 'chẳng riêng gì ai', ngay cả bản thân ông Vũ cũng không 'nằm ngoài quy luật':
1. Sợ nghèo khó - Nỗi sợ mang tính huỷ diệt nhất!
Theo tác giả, nỗi sợ nghèo khó khiến người ta 'tê liệt khả năng suy luận' và huỷ hoại trí tưởng tượng, hao mòn lòng nhiệt tình, mất đi thế chủ động.
Nỗi sợ nghèo khó cũng khiến con người thiếu sự kiên định, luôn trì hoãn và vô hiệu hoá khả năng tự kiểm soát...
Dấu hiệu: Lãnh đạm, thiếu quyết đoán, e ngại, lo lắng, thận trọng thái quá, do dự.
Bỏ qua nỗi sợ nghèo khó, Đặng Lê Nguyên Vũ được cho là người đã 'dám nghĩ lớn, làm lớn', làm khác biệt trong hành trình khởi nghiệp của mình.
2. Sợ bị chỉ trích - Nỗi sợ xấu xa nhất
Đây là nỗi sợ thường trực phát triển trong mỗi cá nhân và theo tác giả đây là một phần trong bản chất tự nhiên của con người.
Nỗi sợ này làm con người trở nên xấu xa khi có thể tìm mọi cách tước đoạt tài sản, của cải của đồng loại mà còn biện minh cho hành động của mình...
Dấu hiệu: E dè, thiếu tự tin, thiếu cá tính, mặc cảm tự tin, thích chơi ngông, thiếu sáng kiến và không có tham vọng.
Đặng Lê Nguyên Vũ đã vượt qua nỗi sợ hãi này, bỏ qua mọi đánh giá của dư luận về những phát ngôn bị cho 'vĩ cuồng', tư duy bị cho là 'lập dị, khùng, điên' để kiên định thực hiện tham vọng của mình.
3. Sợ đau ốm
Đây là nỗi sợ có căn nguyên về cả thể chất lẫn xã hội khi liên hệ mật thiết với nỗi sợ tuổi già, cái chết.
Dấu hiệu: Tự ám thị, nghi bệnh, thể dục sai cách, nhạy cảm, tự nuông chiều bản thân, sống bê tha, lo lắng thái quá về bệnh tật.
4. Sợ mất đi tình yêu thương - Nỗi sợ hãi đau đớn nhất
Nỗi sợ mất đi tình yêu thương của người khác biểu hiện qua ghen tuông cũng như một số dạng khác của chứng loạn thần kinh.
Có lẽ đây cũng là một trong những nỗi sợ của Đặng Lê Nguyên Vũ khi người ta nhớ đến vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo.
Bỏ qua những hoài niệm cũng như kỷ niệm đẹp về tình yêu 'thanh mai trúc mã', từ khi cả hai 'tay trắng dựng cơ đồ', câu nói 'Tiền nhiều để làm gì' của Đặng Lê Nguyên Vũ như một lời thốt lên đầy bất lực trước toà sau khi mọi thứ đổ vỡ.
Từng tiết lộ với truyền thông rằng là người đàn ông thì sẽ không bao giờ phải hối hận, dù đúng hay sai thì vẫn phải chịu trách nhiệm với mọi chuyện xảy ra. Nhưng có lẽ câu nói xót xa trước tòa của ông Vũ là sự nuối tiếc đến cùng cực cho những gì đã xảy ra, vỡ lở, đổ bể và không thể hàn gắn với bà Thảo.
Chính vì lẽ đó mà ông Vũ cương quyết ly hôn với người vợ từng 'đầu ấp tay kề', vượt qua nỗi sợ mất đi tình yêu thương để chịu trách nhiệm với chính hiện thực tàn khốc không thể thay đổi được.
5. Sợ tuổi già
Nỗi sợ tuổi già vốn chẳng phải của riêng ai bởi nguyên nhân phổ biến liên quan đến khả năng bị nghèo đói, bị đau ốm.
Dấu hiệu: Thiếu nhiệt huyết, tự biện hộ, ăn mặc và hành động không phù hợp.
6. Sợ cái chết - Nỗi sợ ác nghiệt nhất
Đây được xem là nỗi sợ 'ác nghiệt' nhất đối với không ít người. Ý niệm về 'cái chết' luôn là điều gì đó ám ảnh nhiều người và họ coi đó là sự 'trừng phạt', huỷ hoại mọi thú vui trong cuộc sống và làm hạnh phúc trở nên hão huyền hơn.
Dấu hiệu: Thường xuyên nghĩ về cái chết, liên hệ cái chết với nghèo đói...
Tất cả những nỗi sợ này đều được tác giả 'Nghĩ giàu, làm giàu' đưa ra trong cuốn sách của mình và được ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ với mong muốn sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ để thay đổi nhận thức và thôi thúc khát vọng vươn lên.
Từng là một người xây dựng 'đế chế' Trung Nguyên từ đôi bàn tay trắng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã từng có thời gian ám ảnh về 'cái nghèo', về bệnh tật và khát khao thoát khỏi cái nghèo.
Đặng Lê Nguyên Vũ sau cùng đã vượt qua những nỗi sợ hãi căn bản, vượt qua mọi định kiến xã hội và quyết theo đến cùng tham vọng của mình cũng như truyền nguồn cảm hứng khát khao làm giàu đến với thế hệ trẻ.