Trao đổi với PV Báo Tin tức bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, về nguyên tắc nếu Kiểm toán Nhà nước muốn vào cuộc phải có 3 điều kiện: Một là, theo kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được Quốc hội thông qua; hai là theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán; ba là làm theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ĐBQH cho rằng để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính chi phí đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện là hoàn toàn hợp lý. Ảnh minh hoạ
Theo ông Hồ Đức Phớc, nếu Chính phủ và Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá điện thì đơn vị sẽ bố trí lực lượng để kiểm toán theo yêu cầu. Nếu Chính phủ không yêu cầu mà Quốc hội yêu cầu thì vẫn sẽ kiểm toán.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chỉ làm theo vụ việc, còn để đánh giá toàn diện chi phí giá điện thì nên giao cho kiểm toán.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội ngày 22/5, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ sở tính giá điện, nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có minh bạch như đề xuất của các cơ quan hay không.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cũng cho rằng để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính chi phí đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện là hoàn toàn hợp lý.
Đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại, cho rằng giá điện không phải tăng 8,36% như EVN công bố. Ảnh: TP
Theo đại biểu Lê Thu Hà, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố. Theo bà Hà, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,36% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101-200kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.
Còn ở bậc 4 (201-300kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.
Trên Tiền phong dẫn lời bà Hà cho rằng, cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Cần minh bạch giá đúng của 1kWh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kWh điện, phí quản lý từng kWh điện). Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành. Ảnh: TP
Trước đề xuất của các đại biểu Quốc hội, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN hoàn toàn đồng tình, ông Thành cho rằng việc kiểm toán giá điện là tốt. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán về giá điện và không phát hiện sai phạm.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho biết, tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và điều hành giá điện năm 2019.