Tin mới

ĐBQH nói gì về đề xuất thu 'phí chia tay chỉ bằng bữa ăn sáng'?

Thứ năm, 13/06/2019, 13:57 (GMT+7)

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng "phí chia tay" khi xuất cảnh không nhiều, "chỉ bằng một bữa ăn sáng", nhưng nhiều đại biểu không đồng tình.

Sáng 12/6, cho ý kiến vào dự thảo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam), cho rằng, mốt số nước áp dụng Chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân. Nếu không khuyến khích công dân xuất nhập cảnh thì áp dụng thuế, phí này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng: Thu phí chia tay là để bảo vệ công dân và cán bộ tươi cười. Ảnh Infonet

Từ đó, ông Hưng đề xuất Việt Nam nên học tập và "thu phí chia tay". Theo ông Hưng, khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, ta dùng số tiền này khoảng 3 - 5 đô la/người khi xuất cảnh. Ngay sau đó đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các đại biểu khác.

Bình luận về điều này, trên VTC News dẫn lời đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không đồng ý với đề xuất này, đáng ra ngành du lịch phải làm sao để giảm phí cho người dân. Tại sao lại đề xuất phí chia tay, đã làm được gì, phục vụ gì cho người dân chưa mà đòi thu phí".

Theo ĐB Lan, trách nhiệm hiện nay nằm ở ngành du lịch. Nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói này, nhưng thực tế hiện nay vẫn đang loay hoay với tư tưởng "ăn xổi ở thì".

ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cũng cho rằng, có nhiều nước áp dụng mức phí này nhưng mỗi nước mỗi khác. Tốt ở nước này nhưng chưa chắc hiệu quả ở nước kia.

"Vì vậy, khi áp dụng kinh nghiệm của nước khác vào Việt Nam cần phải đánh giá, cân nhắc thận trọng chứ chưa thể quyết định ngay là có áp dụng đề xuất đó hay không", ĐB Thắng nêu quan điểm.

Trình bày thêm về đề xuất của mình, sáng 13/6, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: "Mong muốn chính của tôi là Luật không chỉ quy định về xuất nhập cảnh của công dân qua biên giới mà còn phải nói rõ hơn những trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của các cơ quan liên quan khi người Việt Nam ra nước ngoài cũng phải có sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết".

Theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, hiện nay nhiều nước cũng phải huy động nguồn lực xã hội hoá để cho vấn đề quảng bá, xúc tiến, giới thiệu văn hoá con người đối với nước ngoài. Trong khi đó, nguồn lực của Việt Nam rất ít, hiện nay nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất từ việc huy động công dân đóng góp một khoản "phí chia tay" cũng là nhằm để giúp cho vấn đề bảo hộ, đảm bảo quyền lợi của công dân khi ở nước ngoài. "Rất nhiều trường hợp công dân khi ra nước ngoài vì lý do này hay lý do khác không nằm trong phạm vi bảo hiểm xã hội thì cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng không có khả năng nguồn lực để hỗ trợ”, ông Hưng dẫn giải và cho rằng đây là một khoản không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng thôi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news