Đại gia Ấn Độ muốn tiếp tục đầu tư hơn 40 nghìn tỷ vào dự án Long Phú 3 sau khi đã đầu tư số tiền tương tự vào Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 là Tập đoàn Tata Power (Ấn Độ).
Tập đoàn Tata Power (Ấn Độ) vừa đặt vấn đề tham gia vào dự án Long Phú 3 khi đang chuẩn bị xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 với quy mô 2 tỷ USD.
Thông tin trên được ông Indronel Sengupta - Trưởng đại diện Tập đoàn Tata Power tại Việt Nam đưa ra trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng mới đây. "Tập đoàn Tata Power mong muốn được tiếp tục đầu tư thêm dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và mong muốn được tìm hiểu để đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh", nguồn tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay.
Dự án Nhiệt điện Long Phú 3 nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện lực Long Phú đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Nhà máy có công suất 2.000 MW, lớn nhất trong cụm dự án.
Cùng dịp này, đại diện Tata Power cho biết đang triển khai các bước để xây dựng nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, trong tháng 5/2015 sẽ mở thầu chọn đơn vị thẩm tra kỹ thuật của dự án và tháng 6/2015 đàm phán các hợp đồng với Bộ Công Thương. Theo dự kiến, nhà máy Long Phú 2 trị giá 2 tỷ USD, công suất 1.320 MW sẽ vận hành vào tháng 12/2020, chậm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.
Một dự án nhiệt điện do Tata Power đầu tư
Hiện báo cáo đánh giá về tác động môi trường của dự án cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản thông qua và sẽ có phê duyệt chính thức trong thời gian tới.
Hiện tại, báo cáo đánh giá về tác động môi trường của Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản thông qua và sẽ có phê duyệt chính thức trong thời gian tới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong triển khai Dự án, đưa Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 đi vào hoạt động đúng kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu đã cam kết sẽ thực hiện tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho Tata Power.
Trung tâm Nhiệt điện Long Phú bao gồm 3 nhà máy, với tổng công suất 4.400 MW. Trong đó, Nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, công suất 1.200. Nhiệt điện Long Phú 2 đã được giao cho Tata Power đầu tư xây dựng, còn nhà máy số 3 vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư.
Ngoài Tata Power đang bày tỏ mong muốn đầu tư nhà máy này, tháng 6/2013, Tổ hợp nhà đầu tư Daelim Industrial Co., Ltd và East - West Korea Power Co., ltd (DAELIM-EWP) Hàn Quốc cũng đã đề xuất kế hoạch đầu tư vào Dự án. Thậm chí, vào thời điểm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với DAELIM-EWP về việc đầu tư phát triển Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3.
“Đế chế” Tata "khủng cỡ nào?
Cái tên Tata gần đây xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, và ngày càng “nổi đình nổi đám” trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, đặc biệt là sau hai sự kiện: ra mắt mẫu xe Nano rẻ nhất thế giới, và mua lại cả Jaguar lẫn Land Rover từ Ford.
Tuy nhiên, đa số mới chỉ biết đến Tata trong vai trò là nhà sản xuất ô tô rẻ nhất thế giới, mà không biết rằng đây thực sự là một đế chế hùng mạnh, với lĩnh vực kinh doanh đa dạng, từ các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đến ô tô, hoá chất, sắt thép, điện,…
Điểm đặc biệt là gần như trong mọi lĩnh vực, Tata đều giành được một chữ “nhất”, ít nhất là tại Ấn Độ.
Chiến lược phát triển hiện nay của Tata là bành trướng quy mô ra thị trường thế giới, bằng việc mua lại hàng loạt các công ty nước ngoài. Chủ tịch của tập đoàn trị giá 50 tỷ USD này là Ratan Tata.
Để biết rõ hơn về chủ mới của hai mác xe nổi tiếng Anh quốc, Jaguar và Land Rover, hãy cùng tìm hiểu từng lĩnh vực kinh doanh mà Tata đang tham gia:
Ô tô
Giờ đây, sẽ là thiếu sót nếu nói đến Tata mà không nhắc tới mẫu xe Nano rẻ nhất thế giới, ra mắt tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 10/1/2008. Mẫu xe giá 2.500 USD này đã khiến tên tuổi Tata nổi tiếng hơn bao giờ hết. Mong muốn của Chủ tịch Ratan Tata khi triển khai dự án này là mọi gia đình Ấn Độ, dù thu nhập thấp, đều có cơ hội sở hữu một chiếc ô tô.
Hoá chất
Tata Chemicals là một trong những nhà sản xuất bột soda tổng hợp hàng đầu thế giới, và cũng là nhà sản xuất muối i-ốt lớn nhất Ấn Độ. Giống như các công ty con khác của Tata, phân nhánh hoạt động trong lĩnh vực hoá chất cũng đang đẩy mạnh việc mua lại doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị trường. Ngày 31/1 vừa qua, Tata Chemicals đã mua lại công ty General Chemical Industrial Products ở tiểu bang Wyoming của nước Mỹ với giá 1 tỷ USD để trở thành một trong những nhà sản xuất bột soda lớn nhất thế giới.
Khách sạn
Taj Mahal Palace là khách sạn lớn nhất của Tata, nằm đối diện địa danh lịch sử Cổng Ấn Độ (Gateway of India) nổi tiếng ở Bombay. Vị trí đắc địa này đủ nói lên tất cả. Taj Mahal Palace đi vào kinh doanh từ năm 1903, trở thành nơi nghỉ chân của nhiều quốc vương và lãnh đạo các nước. Indian Hotels, công ty kinh doanh khách sạn của Tata, hiện điều hành hệ thống 77 khách sạn tại 12 nước trên thế giới.
Dịch vụ viễn thông
Tata Teleservices là một trong hai nhà cung cấp băng thông rộng và điện thoại di động CDMA lớn nhất Ấn Độ. Dù mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực công nghệ CDMA tại Ấn Độ, nhưng Tata đã có hơn 25 triệu khách hàng.
Điện
Tata Power là đơn vị cung cấp điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ, với tổng công suất nhà máy là 2.300 megawatt. Đây là nhà cung cấp điện chính cho Mumbai, thủ đô thương mại của Ấn Độ. Trước nhu cầu tăng cao của thị trường trong nước, Tata Power cũng đang có những kế hoạch mở rộng hoạt động. Công ty dự kiến đầu tư 4 tỷ USD để tăng công suất lên gần gấp đôi, 4.500 megawatt. Ngoài ra, Tata đang triển khai việc xây dựng nhà máy điện tại khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á.
Dịch vụ truyền hình vệ tinh
Diễn viên hài nổi tiếng của Ấn Độ, Paresh Raval, trong một chương trình quảng cáo dịch vụ truyền hình vệ tinh của Tata.
Tata Sky, liên doanh của Tata với BskyB, hiện là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh hàng đầu Ấn Độ. Công ty này hiện có hơn 1 triệu khách hàng, và mục tiêu là nâng con số này lên 8 triệu vào năm 2012.
Thép
Năm ngoái, Tata Steel đã ghi danh trên bản đồ ngành công nghiệp thép thế giới khi quyết định chi 11,3 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất thép Corus. Hiện nay, Tata Steel có hoạt động tại khắp châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Chè
Khi Tata Tea mua lại Tetley với giá 400 triệu USD vào năm 2000, họ còn là một công ty chuyên trồng chè quy mô lớn. Trong khi đó, Tetley lại là một công ty marketing, với một nhãn hiệu sản phẩm toàn cầu và mua một phần nguyên liệu từ Tata. Sau khi mua Tetley, Tata Tea bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề thương hiệu, cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, và gần như rút khỏi ngành trồng chè.
Dịch vụ tư vấn
Tata Consultancy Services (TCS) là công ty tiên phong trong lĩnh vực gia công dịch vụ phần mềm tại Ấn Độ. Ngoài ra, TCS còn đầu tư phát triển thị trường phần mềm và công nghệ trong nước.
Đồng hồ
Hãng Titan của Tata hiện tiêu thụ trung bình 5,5 triệu chiếc đồng hồ mỗi năm, là nhà sản xuất đồng hồ đeo tay lớn thứ 6 thế giới.
Điện gia dụng
Voltas là phân nhánh cung cấp dịch vụ lắp đặt điều hoà và điện gia dụng của tập đoàn Tata, với giá trị tài sản 557 triệu USD. Đây là một nhãn hiệu rất nổi tiếng tại Ấn Độ. Điều hoà nhiệt độ Voltas gần như có mặt ở khắp nơi.
Bán lẻ
Trent là bước đi đầu tiên của Tata trong lĩnh vực bán lẻ - thị trường đầy tiềm năng tại Ấn Độ. Hệ thống Westside của Trent gồm 25 cửa hàng, phục vụ đối tượng khách hàng trung lưu tại 17 thành phố của Ấn Độ.
Viễn thông
Tata đã mua lại công ty dữ liệu và truyền thông nhà nước Videsh Sanchar Nigam vào năm 2002, và công ty Teleglobe hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đàm thoại và dữ liệu của Canađa vào năm 2005. Sau đó, Tata hợp nhất hai công ty này thành Tata Communications có phạm vi hoạt động toàn cầu, và hiện là công ty cung cấp internet và dịch vụ đàm thoại quốc tế lớn nhất Ấn Độ.
Vị chủ tịch “ngoại tộc”
Cyrus Mistry, Chủ tịch Tập đoàn Tata, 46 tuổi là người con trai thứ hai của Pallonji Mistry, một ông trùm trong lĩnh vực bất động sản Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư dân dụng ở London và học quản lý tại Trường Kinh doanh London, ông đã quay trở lại Ấn Độ làm việc cho tập đoàn xây dựng của cha mình.
Ông Cyrus Mistry - Chủ tịch Tập đoàn Tata
Palloniji nắm giữ 18% cổ phần tại Tata Sons – công ty nắm giữ phần lớn cổ phần tại các công ty con của Tata Group (Palloniji là cổ đông lớn nhất của Tata Sons). Ông chính là người khuyến khích Mistry tham gia vào hội đồng quản trị ở nhiều công ty con của Tập đoàn Tata ngay từ sớm.
Dù vậy, việc Mistry được chọn làm Chủ tịch – vị Chủ tịch đầu tiên không mang họ Tata trong lịch sử 146 năm của tập đoàn này – đã khiến cho cả Ấn Độ bất ngờ. Mistry nắm giữ vị trí mới đúng vào một thời kỳ rất khó khăn. Trong đó, có các khoản thua lỗ lớn tại bộ phận châu Âu của Tata Steel, vốn là “di sản” của cuộc thâu tóm nhà sản xuất thép Corus vào năm 2008 do Ratan Tata thực hiện.
Cùng lúc đó, nền kinh tế Ấn Độ cũng lại đang chao đảo, ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các bộ phận sản xuất ôtô và viễn thông trong nước của Tata. Và Mistry đã rất vất vả để có thể đáp ứng được kỳ vọng quá cao dành cho người đứng đầu Tata.
“Ông đã làm việc cật lực để hiểu rõ về tình hình của tập đoàn. Tôi đã nhận được những cuộc gọi vào lúc 2 giờ sáng của ông từ Ấn Độ và nhiều lúc muốn nói rằng: “Thôi ngủ đi Cyrus. Đã trễ quá rồi”, Lord Bhattacharyya, một giáo sư tại Đại học Warwick của Anh, người đang làm việc với Tata, cho biết.
Các đồng nghiệp trong tập đoàn mô tả ông là một nhà lãnh đạo mẫn cán, siêng năng và rất tỉ mỉ, một người có sự kết hợp giữa khả năng tiếp thu thông tin tài chính phức tạp với sự đam mê của một kỹ sư đối với công nghệ. Là người ở bên ngoài vào, nhưng ông đã giành được nhiều sự ủng hộ trong tập đoàn. Ông đã đưa người của ông vào các vị trí lãnh đạo cấp cao và quan trọng là ông đã làm được điều này mà không gây căng thẳng hay hiềm khích gì đối với những người nội bộ.
“Cyrus đang tìm được chỗ đứng của mình. Ông đã làm việc rất chăm chỉ, cố gắng vận hành một cách trôi chảy cỗ máy khổng lồ Tata”, Harsh Goenka, Chủ tịch Hội đồng Quản trị RPG Enterprises, một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất Ấn Độ, nhận xét.
Theo ĐS&PL