Bố mẹ, nhất là bố mẹ phương Đông, thường có quan niệm thương con là bảo bọc, chở che con. Đồng thời những áp đặt suy nghĩ cũng đang dần làm trẻ trở nên bị kiểm soát, hạn chế trí tuệ, tư duy của trẻ. Trẻ dễ bị phụ thuộc, ỷ lại và thiếu quyết đoán trong cuộc sống. Vì vậy, để con thực sự trưởng thành, bố mẹ nên từ bỏ những thói quen, quan điểm kìm hãm sự phát triển của con.
1. Ngưng bắt con phải làm điều gì
Tất nhiên những đứa trẻ luôn luôn cần sự hướng dẫn của người lớn khi chúng muốn tìm hiểu, khám phá về thế giới xung quanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng lúc nào cũng phải nghe người lớn yêu cầu, định hướng làm cái này cái kia trong mọi khía cạnh cuộc sống. Nếu bố mẹ cứ mải miết đưa ra hàng loạt chỉ dẫn “Con phải…” mà không hề hay biết con có muốn làm không, thì đứa trẻ rất dễ rơi vào trạng thái bị động, không biết cách làm chủ cuộc sống, hạn chế tư duy, sức sáng tạo,…
Ngưng đòi hỏi cũng như bắt ép con cái bạn. Mỗi bé có một tiềm năng riêng. |
Thay vì sống thay cuộc đời của con, bố mẹ nên hỏi han và bàn bạc về những gì mà con hứng thú, thích tìm hiểu, thích làm. Hãy cổ vũ, động viên con biết nuôi dưỡng và dám theo đuổi những đam mê trong cuộc sống, dám nghĩ dám làm dám đương đầu thử thách. Như vậy ngay từ nhỏ con đã luôn tích cực tìm cách để có một cuộc đời tươi đẹp, thành công về sau.
2. Ngưng ảo vọng về con
Rất nhiều bố mẹ đang đặt áp lực quá lớn lên đôi vai nhỏ bé của trẻ và luôn tin rằng con mình phải xuất chúng trong một, một vài, thậm chí là tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Có lẽ bố mẹ quên mất rằng con trẻ cũng là con người, và con người thì không bao giờ hoàn hảo. Mỗi chúng ta đều có những thế mạnh và điểm yếu khác nhau, vì thế hãy cố gắng tâm sự với con thật nhiều để giúp con phát huy những điểm mạnh và khắc phục dần nhược điểm. Và cũng đừng quên thể hiện rằng bố mẹ, dù có thế nào, vẫn luôn đánh giá cao nỗ lực và sự trưởng thành của con.
3. Ngưng bảo bọc thái quá
Trẻ có quyền được tự do trải nghiệm và mắc sai lầm trong cuộc sống tuổi thơ. Tuy nhiên nhiều bố mẹ thuộc kiểu người luôn lo sợ những hiểm họa rình rập, luôn tạo lớp bọc quá an toàn xung quanh con. Vô hình trung bố mẹ đã tách con khỏi cuộc sống trẻ thơ, không dám khám phá, không dám mắc lỗi, không dám tiếp xúc với con người, thé giới. Hãy dạy trẻ về những nguy hiểm để chúng có bản lĩnh tránh xa những điều xấu, nhưng cũng đừng quên chia sẻ những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống để trẻ luôn biết yêu thương và tin tưởng.
4. Ngưng dằn vặt con về lỗi lầm
Tất cả mọi người đều từng vấp phải sai lầm, và con của bạn cũng vậy. Thay vì nghiêm trọng hóa lỗi lầm của con để răn đe, bố mẹ nên cùng con chỉ ra nguyên nhân tại sao con lại mắc phải điều ấy. Hơn nữa, mỗi vấp ngã đều để lại những bài học, kinh nghiệm giá trị, nên bố mẹ hãy giúp con đúc kết những bài học ấy để con có thể trưởng thành hơn,có những quyết định đúng đắn hơn trong tương lai.
Sự dằn vặt trì triết chỉ khiến bé thêm tự ti hơn. |
5. Ngưng khen ngợi con quá đà về sự thông minh
Bố mẹ đừng để con quá tự tin mình là người có trí tuệ và thông minh bằng cách khen chúng quá đà, vì như vậy, con rất dễ bị giới hạn trong sự phát triển trí não và cả nhân cách. Trong khi đó, nếu tán dương con vì sự nỗ lực, cầu tiến, trẻ sẽ có thêm động lực để cố gắng hơn nữa trong tương lai. Bản chất của sự trưởng thành ở con không phải việc con thông minh hay học được thêm bao nhiêu kiến thức, mà là thái độ của trẻ đối với việc tiếp cận, giải quyết các vấn đề. Sự nỗ lực có thể giúp con rèn luyện trí tuệ, nhưng bản chất thông minh mà không có cố gắng thì chỉ khiến trẻ tự mãn và khó đạt được thành công trong tương lai.
Không ai ngăn cấm việc bố mẹ yêu thương và bảo vệ con cái, nhưng yêu cũng cần có lý trí và đúng cách. Hãy để con bạn vừa cảm nhận được tình thương của cha mẹ, đồng thời vừa biết tự lập, tự chủ cuộc sống của chính mình mà không có bất cứ sự phụ thuộc, dựa dẫm nào.
Ka Linh