Tin mới

Đêm nhạc Trịnh bất hủ không có chỗ cho người nghèo

Thứ hai, 14/04/2014, 16:49 (GMT+7)

Hơn 40 năm mới tái ngộ khán giả trong nước, ca sĩ Khánh Ly tỏ ra là một ca sĩ thức thời (dù đã gần hết thời!) khi biết tận dụng sự nổi tiếng và “hiếm” của mình trong show diễn lần đầu tiên với giá vé nhiều triệu đồng.

 

 

Hơn 40 năm mới tái ngộ khán giả trong nước, ca sĩ Khánh Ly tỏ ra là một ca sĩ thức thời (dù đã gần hết thời!) khi biết tận dụng sự nổi tiếng và “hiếm” của mình trong show diễn lần đầu tiên với giá vé nhiều triệu đồng.

Mong mỏi bất thành của Trịnh Công Sơn

Với giá vé giao động từ 900.000 đến 3,5 triệu đồng, tính ra, liveshow Khánh Ly còn “hot” hơn nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới từng đến Việt Nam biểu diễn. Năm 1996, ca sĩ Sting có show diễn ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP HCM) thu hút sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn quốc tế như CNN, BBC, NHK. Thù lao cho ngôi sao này là 150.000USD, nhưng giá vé chỉ 20USD (khoảng 350 nghìn đồng). Gần đây nhất, năm 2011, ban nhạc nổi tiếng Backstreet Boys lưu diễn tại Việt Nam, giá vé cũng chỉ nằm trong khoảng 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với chương trình của Bằng Kiều hồi đầu về nước thì liveshow của Khánh Ly vẫn còn thua một bước (chương trình Bằng Kiều có giá vé “chính ngạch” cao nhất là 4 triệu đồng).

Nhưng nếu Khánh Ly không phải là ca sĩ trưởng thành trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước thì có lẽ, chuyện bà ra giá cát-xê bao nhiêu cũng không phải là điều để bàn cãi. “Hot” thì giá chót vót cũng là chuyện thường tình. Nhưng trước khi là ca sĩ nổi tiếng, Khánh Ly từng được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất”, cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát miễn phí trước hàng ngàn sinh viên Việt Nam. Trong cuốn băng video “Một đời Việt Nam” thực hiện năm 1991, danh ca Khánh Ly nhớ lại giai đoạn này: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Giờ thì “nữ hoàng chân đất” quay trở lại quê nhà, vẫn được hát trước hàng ngàn khán giả, nhưng trong số đó chắc hẳn khó có chỗ cho sinh viên như thuở trước. Một điều không khỏi suy nghĩ là theo tiết lộ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi còn sống, nhạc sĩ tài hoa này đã có mong muốn đưa Khánh Ly trở về và hát cho số đông khán giả hoàn toàn miễn phí, hoặc nếu có thì chỉ là một giá vé tượng trưng. Tất nhiên, không có nghĩa là những lần về nước sau, Khánh Ly cũng phải quan tâm đến mong ước của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giống như Bằng Kiều, Chế Linh và nhiều ngôi sao hải ngoại khác, Khánh Ly có nhiều cơ hội nữa để cống hiến và thu nhận đúng với công sức và tên tuổi của mình. Sâu xa trong tâm ý của nhạc sĩ họ Trịnh là ông muốn sự trở về của một tên tuổi lớn, gắn với một gian đoạn lịch sử như Khánh Ly thực sự mang ý nghĩa tinh thần, đúng với ý nghĩa ẩn dụ của từ “nữ hoàng chân đất”. Nhưng rất tiếc, mong muốn này đã không được thực hiện, theo lời của thành viên trong gia đình nhạc sĩ là “khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất đau lòng”.

Đêm nhạc Trịnh bất hủ không có chỗ cho người nghèo

Đêm nhạc kỷ niệm 13 năm ngày mất của Trịnh “Những sớm mai Việt Nam” diễn miễn phí trước 30.000 khán giả. Ảnh: Nguyên Trương

Không hợp tác với gia đình Trịnh Công Sơn  vì cát-xê thấp?

Có nhiều người thắc mắc rằng, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đứng ra tổ chức nhiều đêm nhạc cho anh trai mình từ khi ông mất, lẽ ra nên là đơn vị tổ chức cho lần trở về đầu tiên này. Như thế, sự trở về của Khánh Ly sẽ đẹp và ý nghĩa hơn, lại đúng với mong muốn khi còn sống của Trịnh. “Ngay từ khi anh Sơn còn sống, anh Sơn cũng từng có lời đề nghị chị Khánh Ly về. Anh mong hai anh em có thể hát lại một lần. Lúc đó anh Sơn cũng nghĩ rằng đó là lần cuối cùng sau mấy chục năm không có dịp đứng chung sân khấu. Nhưng trong công việc luôn luôn có những ý kiến khác nhau nên chuyện Khánh Ly về nước hát không thành. Sau đó vài tháng thì anh Sơn ra đi, điều đó rất đáng tiếc!”, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ trên một tờ báo.

Không “tế nhị” như ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên thẳng thắn: “Cách đây hơn 10 năm, do có mối quan hệ thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ đã bàn với tôi để xin phép cho Khánh Ly về nước hát cho khán giả năm xưa và những người chưa có cơ hội được nghe cô ấy hát. Khi đó, vấn đề xin phép không hề đơn giản nhưng bằng nhiều nỗ lực, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn tất. Về chuyện cát-xê, Khánh Ly không đưa ra con số cụ thể nên chúng tôi đề nghị là 50.000 USD. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì lúc đó cũng có một, hai đơn vị ráo riết mời Khánh Ly về nước và đưa ra mức giá cao hơn. Không biết có phải đó là lý do chính hay không, nhưng sau đó, Khánh Ly có ý lừng khừng nên chúng tôi cũng không còn hứng thú để hợp tác”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sở dĩ có mức cat-xê 50.000 USD là khi đó, trong dự định của ông Nguyễn Công Khế và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn tổ chức một đêm nhạc dành cho số đông khán giả bình dân. “Nếu xin được tài trợ thì thậm chí sẽ mở cửa miễn phí”- ông Nguyễn Trung Trực, chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói.

Và thực tế là từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, bà Trịnh Vĩnh Trinh và chồng cùng với Tập đoàn truyền thông Thanh Niên luôn thực hiện theo tâm nguyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Các đêm nhạc luôn “đến hẹn lại lên” được tổ chức vào dịp tưởng niệm nhạc sĩ, mở cửa miễn phí phục vụ cho khán giả yêu nhạc. Từ chỗ chỉ có vài nghìn khán giả, đêm nhạc gần đây nhất kỷ niệm 13 năm ngày mất của Trịnh “Những sớm mai Việt Nam” diễn ra tại Phú Mỹ Hưng - quận 7 Sài Gòn đạt đến con số kỷ lục về người xem với trên 30.000 người. Gia đình họ Trịnh vẫn quyết tâm sẽ không bán vé.

Xem thêm: Em Của Ngày Hôm Qua - 3 girl phòng trọ hát nhảy cực sung

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news