Tin mới

Đi tìm sự thật về "ma hút máu" ở Khánh Hòa

Thứ sáu, 21/03/2014, 15:12 (GMT+7)

Đồng bào dân tộc Raglai (huyện Vĩnh Khánh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn\nlưu truyền những câu chuyện ly kỳ đầy huyền hoặc về “ó ma lay”. “Ó ma lay” hiểu\nđơn giản là ma hãm hại.

Đồng bào dân tộc Raglai (huyện Vĩnh Khánh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn lưu truyền những câu chuyện ly kỳ đầy huyền hoặc về “ó ma lay”. “Ó ma lay” hiểu đơn giản là ma hãm hại.

 

Truyền thuyết "ó ma lay"

Dưới chân ngọn núi Yang Rich và Chư Bon Gior, xã Khánh Thượng (huyện Vĩnh Khánh) được coi là một trong những xã có diện tích rộng lớn nhất của huyện Khánh Vĩnh. Nơi đây, được coi là rừng đầu nguồn của tỉnh Khánh Hòa cần được bảo vệ và trông coi đặc biệt. Đã từ lâu, đồng bào Rag­lai định cư và sinh sống tại đây dọc theo những con suối hoặc những triền núi. Sống dựa vào rừng, dựa vào nương đã dần giúp bà con Raglai không còn phải lo cái ăn từng bữa mà tập trung thoát nghèo.

Già làng Pi Năng Liểng (còn gọi là già Cường, trưởng thôn Suối Cát) kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện truyền thuyết đầy vẻ ly kỳ về “ó ma lay”. Suối Cát là thôn rộng nhất xã Khánh Thượng, vượt qua dãy Yang Rich là sang đất Đăk Nông hoặc Lâm Đồng. Một con gà cất tiếng gáy ở đây là dân ba tỉnh nghe báo trời sáng. Vùng đất này người dân vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về “ó ma lay”. Câu chuyện này càng đậm tính thời sự hơn khi gần đây, dân làng bắt được “thủ phạm” thực sự là một “ó ma lay” tại chính thôn Suối Cát. Cũng từ đó, người ta lại càng được dịp bàn tán sôi nổi và thêm thắt nhiều tình tiết khiến chuyện dù chưa bắt đầu cũng đủ khiến người nghe tò mò và thôi thúc muốn tìm hiểu.

Già Cường giải thích: “Theo tiếng của đồng bào Raglai, "ó ma lay" ý muốn nói đến việc dân làng bị ma làm hại. Người bị “ó ma lay” thường sẽ bị hút máu, bị bắt đi làm vật hiến tế. Khi người ta tìm được nạn nhân, đó chỉ còn là một cái xác khô bởi đã bị ma hại chết và hút hết máu”.

Đi tìm sự thật về 'ma hút máu' ở Khánh Hòa

Những câu chuyện truyền thuyết đầy vẻ ly kỳ về “ó ma lay” (Ảnh minh họa)

Già Cường vừa rút tẩu thuốc, vừa trầm ngâm kể: “Theo câu chuyện người dân truyền tai nhau thì đối tượng nhằm đến của “ó ma lay” là những đứa trẻ mới sinh và còn ít tuổi, bởi một đứa trẻ mới sinh ra thì chúng còn non nớt, chưa đủ vía như người trưởng thành, vì thế chúng dễ bị “ó ma lay” hơn cả. Cũng có trường hợp người lớn bị “ó ma lay” nhưng ít hơn. Những câu chuyện ma làm hại phần lớn đều liên quan đến một đứa trẻ tại một gia đình nào đó. Đồng bào Raglai coi “ó ma lay” đặc biệt nguy hiểm, nên quyết tâm phải tìm mọi cách bắt được “ó ma lay”. Nhưng bắt được nó đâu phải dễ? Nó nhập vào một người nào đó trong bản, tìm cách tiếp cận mục tiêu mà đã chọn. Khi mọi việc diễn ra xong xuôi, mọi thứ trở lại bình thường nên khó mà biết được con ma rừng đó đã hại người như thế nào, chỉ biết là khi bắt gặp được nó, phải dùng phép, dùng thuật để trừ tà đuổi nó đi thì may ra đứa bé bị làm hại mới có cơ hội sống sót”, già Cường vừa nói vừa cười bí hiểm.

Ma rừng

Già Cường kể lại rằng, thuật ngữ “ó ma lay” xuất hiện từ lâu lắm rồi. Từ hồi còn nhỏ, đến chập tối khi gà bắt đầu lên chuồng thì trẻ con đều được gọi về nhà để người lớn bảo vệ. Câu cửa miệng mà người dân bản Suối Cát đem ra mắng hay dọa trẻ con mỗi khi chúng bướng bỉnh, ham chơi và không nghe lời: “Có sợ bị “ó ma lay” bắt không?” là y như rằng khiến đứa trẻ thay đổi hẳn thái độ, ngoan ngoãn trở về nhà.

Chuyện kể lại rằng, cách đây cũng đã khá lâu, khi bản Suối Cát mới chỉ có vài chục hộ dân, người dân sống chủ yếu dựa vào làm nương và đi rừng thì trong bản chỉ còn lại người già và trẻ con. Vào một buổi chiều tối, người trẻ còn chưa đi nương về, lúc ấy điện còn chưa có, những ánh lửa từ các ngôi nhà không đủ soi sáng những con đường mòn từ rừng về bản thì câu chuyện về “ó ma lay” bắt đầu rộ lên. Trong một gia đình đồng bào Raglai mới về định cư ở đầu bản Suối Cát có hai đứa trẻ còn ít tuổi, đứa lớn chỉ lên 4, đứa nhỏ còn đang tập đi thì bị “ó ma lay” làm hại. Trong khi cha mẹ chúng mải lên nương làm việc thì nhà chỉ có hai chị em trông nom nhau. Để tiện cho việc ăn uống, mẹ chúng đã nấu sẵn phần cơm cất vào ngăn bếp để cho hai đứa con ở nhà.

Đến chiều tối, khi cha mẹ về, đứa nhỏ đã biến mất còn đứa chị thì ngủ li bì ở góc bếp với nhiều vết thương ở cổ và mũi. Sợ hãi, gia đình một mặt đưa đứa con bị thương ra trạm xá xã cấp cứu, mặt khác vội hô hào người dân trong bản đi tìm đứa bé còn lại. Cuộc tìm kiếm huy động toàn bộ thanh niên trai tráng và người lớn của bản Suối Cát suốt hai đêm liền không có kết quả. Mọi người bắt đầu nghi ngờ cháu bé bị ma rừng bắt đi, già Cường kể lại: “Sau lần ấy, gia đình họ chuyển đi nơi khác vì đau buồn. Ngôi nhà cũng bị phá bỏ nhưng nỗi sợ hãi vì bị ma rừng làm hại thì cứ ảm ảnh người dân trong bản càng lúc càng lớn”.

Sau lần đó, một người thợ săn ở thôn Đa Râm trong lần vào khu rừng thuộc xã Giang Ly bên cạnh săn bắn đã trông thấy một bứa bé mặc áo trắng, tóc tai rối bù che kín mặt, bế theo một đứa trẻ. Kỳ lạ là đứa bé được bế im thin thít không có tiếng khóc hay cười. Thấy lạ nhưng anh ta cho rằng đó là hai chị em bế nhau đi chơi hoặc lên nương với cha mẹ. Khi cô bé đó bế đứa trẻ đi qua, chỉ liếc nhìn nhưng anh ta đã sởn tóc gáy bởi bắt gặp ánh mắt nhìn đầy ma lực và xoáy sâu vào người đối diện. Ánh mắt đó khiến người nhìn thấy chỉ biết chôn chân đứng im không nhúc nhích. Cô bé đó nhe răng gầm gừ đe dọa như một con thú rừng. Kể lại câu chuyện đó cho dân làng, ai nấy cũng sởn gai ốc và quả quyết, chính đứa trẻ được bế hôm đó là đứa bé mới bị mất tích.

Nghe chuyện, già Cường cùng nhiều trai tráng trong làng xách nỏ và vũ khí tìm đến đoạn suối vắng theo chỉ dẫn của người thợ săn thôn Đa Râm nọ. Suốt một ngày tìm kiếm của thanh niên Suối Cát chỉ là chiếc áo của đứa bé mặc lúc nó còn ở nhà, tuy nhiên đã bị xé vụn làm nhiều mảnh. Còn tung tích của đứa trẻ thì vẫn không thấy đâu...

Cuộc sống đảo lộn vì ma rừng

Các già làng quả quyết, chắc chắn “ó ma lay” đã nhập vào một người nào đó trong thôn rồi tìm cách tiếp cận những đứa trẻ để hãm hại. Tin vào một thế lực siêu nhiên tồn tại đâu đó, đồng bào Raglai nhiều địa phương đã mời thầy cúng về trừ tà, xua đuổi ma quỷ.

Một số người già trong thôn kể lại rằng, không phải đến thời điểm này ma rừng mới xuất hiện và làm hại người dân trong bản mà từ trước đó rất lâu rồi, nó đã tồn tại và những vụ việc rùng rợn vẫn cứ xảy ra. Những vụ mất tích bí ẩn của người đi rừng, đi làm nương xa cho thấy “ó ma lay” không chỉ hại trẻ con mà cả người lớn cũng là đối tượng bị nhắm đến.

Vào một ngày hè cuối năm 1997, người dân dưới ngọn Chư Bon Gior (thuộc xã Khánh Thượng, giáp với xã Khánh Trung) cũng có trường hợp hai vợ chồng trẻ đi làm nương rồi mất tích. Người bảo họ bị thú dữ bắt, người đổ cho ma rừng khiến cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn đảo lộn. Từ đó, những đứa trẻ thì sợ hãi không dám ra khỏi nhà, người già trầm ngâm nghĩ cách đối phó, cúng tổ tiên, cúng các thần để tai họa không ập đến với người trong thôn. Các thầy cúng làm việc hết công suất khi nhận những lời mời trừ tà, trừ ma của các gia đình...

Người dân không dám rời con cái nửa bước, đi nương, làm rẫy cũng đưa cả con trẻ đi cùng vì sợ không an toàn khi ở nhà. Vậy nhưng, chuyện bị “ma hút máu” làm hại vẫn xảy ra với cả với những đứa trẻ được cha mẹ đưa đi làm cùng trên nương... Một buổi chiều tháng 8/2013, đứa con nhỏ mới được 1 tháng tuổi của chị Pi Năng Thị Thế (SN 1989, ngụ tại thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng) bất ngờ bị mất tích.

Nguồn: Câu chuyện pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news