(Tinmoi.vn) Dịch sởi, vốn đã làm chết ít nhất 25 đứa trẻ, khiến những người có con nhỏ sợ hãi đến mức chỉ cần bé nổi một nốt đỏ trên người là họ rụng rời vì nghĩ con mắc sởi.
Không chỉ tại Hà Nội, nơi số bệnh nhân sởi đông nhất, đang khiến tất cả các bệnh viện có khoa Nhi hay khoa truyền nhiễm quá tải nghiêm trọng, mà cả ở các tỉnh gần Hà Nội, ở TP HCM, các bà mẹ có con nhỏ đang sợ hãi cuống cuồng khi thông tin về dịch sởi được đưa rầm rộ trên mặt báo và mạng xã hội. Chị em hoang mang tột độ trước chia sẻ trên mạng của những phụ nữ tự xưng là người nhà nhân nhân sởi đang hoặc từng điều trị rằng: số trẻ chết vì sởi không phải chỉ 25, mà lớn hơn như vậy rất nhiều, rằng trong những ngày ở bệnh viện, họ đã tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm vì sởi.
Rụng rời, cuống quýt vì sợ dịch sởi
Chị Nhung, một bác sĩ làm việc ở Hà Nội, tuy không chuyên về nhi hay bệnh truyền nhiễm, nhưng suốt mấy hôm nay bị “dội bom điện thoại” bởi những người quen biết muốn hỏi con họ có phải đang mắc sởi không.
“Ai cũng cuống lên như cháy nhà, cho rằng con mình chắc là bị sởi mất rồi. Có cháu ngoài sốt ra không có biểu hiện gì khác, có cháu không sốt, không có gì bất thường ngoài việc nổi một nốt như muỗi cắn ở tay…, tôi bảo đó không phải triệu chứng sởi nhưng họ cứ tỏ vẻ không tin, cứ vặn đi vặn lại. Một chị còn hỏi cứ cho uống kháng sinh cho chắc ăn có được không”, bác sĩ Nhung kể.
Dịch sởi đang khiến nhiều bà mẹ hoảng sốt.
Chuyện “cứ chữa cho chắc ăn” hóa ra không phải quá hiếm. Chị Oanh (Tân Mai, Hà Nib) có con trai 3 tuổi bị nổi mẩn trên da, nghĩ đến dịch sởi đang bùng phát, sợ quá bế con đi khám. Bác sĩ khẳng định bé không mắc sởi, mà bị dị ứng. Nghe nói năm nay virus sởi “độc dữ” và bất thường hơn mọi năm, chị cẩn thận hỏi đi hỏi lại, có ý nghi con mình mắc bệnh này, khiến bác sĩ phát cáu. Mặc cho bác sĩ phân tích các triệu chứng khiến ông loại trừ bệnh sởi, chị Oanh cho là bác sĩ vô trách nhiệm trước tính mạng của trẻ và quyết định ra hiệu thuốc hỏi mua kháng sinh về bắt con uống để… phòng trước. Ông chú họ của chồng Oanh, cũng là bác sĩ, biết chuyện mắng cho một trận, vì kháng sinh không trị được virus sởi, mà chỉ dùng cho những trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, trong khi thằng bé chẳng hề có tình trạng nhiễm trùng.
“Con tôi bị sốt, nổi mẩn…. có phải nó bị sởi không?”, có vô số câu hỏi tương tự đang xuất hiện trên internet, chỉ cần người mẹ thấy con mình có một dấu hiệu trùng với triệu chứng sởi là đặt câu hỏi trên Facebook hoặc các mạng xã hội khác. Bên cạnh những người vào tư vấn dựa trên những gì mình biết hoặc đọc được trên mạng về bệnh này, nhiều người lại comments theo hướng chia sẻ nỗi sợ hãi, hoặc thổi bùng thêm cơn hoảng loạn của các phụ huynh có con ốm bằng những câu chuyện mình nghe được hay chứng kiến. “Nói mà buồn, chị cùng cơ quan mình có bé được 6 tháng, bị bệnh cho đi khám rồi vô tình nhiễm sởi mà ko biết, sau đó bệnh ăn vào lục phụ ngũ tạng, giờ bé đã mất. Buồn quá. Bệnh này độ này biến chứng và nguy hiểm hơn do thời tiết năm nay. Các mẹ chú ý giữ bé cẩn thận”.
Hay: “Bé ở làng mình không bị mẩn đỏ, biểu hiện giống viêm phế quản, lúc đưa ra Viện Nhi thì virus sởi đã ăn trắng xóa phổi rồi, mỗi ngày tiêm 1 mũi 7 triệu đồng, đã hết 100 triệu rồi mà chẳng biết có cứu được không”.
Đua nhau tra cứu thông tin về sởi
Phản ứng đầu tiên của các mẹ khi thấy con mình có một vài triệu chứng giống sởi như sốt, nổi ban là định lập tức mang con đi khám vì sợ chậm thì không cứu được. Nhưng sau đó, họ lại băn khoăn, sợ đưa con đến bệnh viện vì biết rằng sởi là bệnh lây, nhỡ đâu con mình không mắc bệnh này nhưng đi khám lại lây từ bé khác thì nguy. Các mẹ có nhiều cách khác nhau khi đối mặt với tình trang “tiến thoái lưỡng nan” này: Đưa con đến phòng khám tư, nơi không có tình trạng quá tải, đến cơ sở y tế cao cấp, gọi bác sĩ đến nhà khám, gọi điện cho bác sĩ quen nhờ chẩn đoán sơ bộ và tư vấn qua điện thoại…
Nhiều chị không có điều kiện đưa con đi khám ở bệnh viện hạng sang, cũng không có bác sĩ quen để hỏi thì tự “sàng lọc” trước bằng cách lên mạng tra cứu các kiến thức về bệnh sởi, xem các triệu chứng con mình mắc phải có giống triệu chứng sởi hay không, nếu có nhiều biểu hiện giống thì mới đưa đi khám.
“Nếu có thống kê thì chắc chắn trong ngày hôm nay, số lần tra cứu các cụm từ như ‘bệnh sởi’, ‘triệu chứng sởi’, ‘tiêm vaccine sởi’, ‘cách phòng bệnh sởi’ sẽ tăng vọt ở Việt Nam”, Thảo Như, một bà mẹ có con nhỏ đang làm việc ở một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết. “Công ty em 90% là nữ, hầu hết nếu không có con nhỏ thì cũng có cháu nhỏ, ai cũng vào google search về bệnh sởi để phòng ngừa cho con hoặc để xem bé nhà mình có dấu hiệu nào của bệnh không”.
Dịch sởi có thể bùng phát mạnh nếu có nhiều bà mẹ không tiêm vaccine đầy đủ cho con.
Khi thông tin về sởi đang dồn dập, nhiều bà mẹ giật mình nhớ ra con mình chưa được tiêm nhắc lại vaccine sởi, nhiều người thì không nhớ ngoài mũi thứ nhất tiêm lúc 9 tháng theo chương trình tiêm chủng mở rộng, con mình đã được tiêm mũi nữa hay chưa. “Đọc báo thấy nói có đến 10% trẻ mắc sởi trong đợt dịch này từng tiêm vaccine rồi. Sợ quá. Thế này thì vaccine không có tác dụng gì à? Biết làm thế nào để bảo vệ con mình đây?”, một bà mẹ kêu lên. Có lẽ vì quá sợ nên vị phụ huynh này đọc không kỹ thông tin trên báo, rằng 10% trẻ mắc sởi từng tiêm phòng đó thực ra đều chưa tiêm mũi thứ hai, vì thế mà không có đủ lượng kháng thể cần thiết.
Sự sợ hãi lây truyền một mặt vì thông tin dồn dập trên mạng từ đủ các nguồn, một mặt từ sự mâu thuẫn giữa thông tin chính thống và phi chính thống, dẫn đến nghi ngờ rằng Bộ Y tế đang giấu diếm sự thật về tính nghiêm trọng của dịch vì đã đăng ký với Tổ chức Y tế Thế giới sẽ loại trừ bệnh sởi vào năm 2017… Sợ hãi có thể khiến con người cảnh giác, nhưng cũng có thể gây mất bình tĩnh, tỉnh táo, dẫn đến chuyện con không mắc sởi cũng bắt điều trị sởi như trường hợp kể trên.
Trước việc nhiều phụ nữ hốt hoảng “khai bệnh” của con trên Facebook vì nghĩ bệnh sởi sắp “thu thập” con mình, không ít người khuyên nên giữ bình tĩnh thì mới có cách hành động đúng đắn nhất. Một phụ nữ phải trấn an: “Các mẹ cứ bình tĩnh, đừng làm quá lên một cách thiếu căn cứ như vậy”.
Hiện trên internet đăng tải nhiều bài tư vấn đề cách phòng trị sởi cho các phụ huynh tham khảo, không tránh khỏi có những “kiến thức” chưa được kiểm tra về tính đúng đắn, khoa học. Vì vậy độc giả nên biết chắt lọc thông tin. Để cung cấp kiến thức phòng chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế cũng đã đăng tải những câu hỏi đáp thường thức về bệnh sởi trên website chính thức của mình.
Minh Chính