Luật bảo hiểm Y tế sửa đổi trong đó cho phép phẫu thuật chuyển giới là một trong những điểm nhấn đáng chú ý đối với ngành y tế trong năm vừa qua.
Luật bảo hiểm y tế sửa đổi
Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và bổ sung chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Ảnh: Internet |
Ngày 1/1/2015, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và bổ sung chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Theo đó, mua bảo hiểm là bắt buộc và được thực hiện mua theo hộ gia đình với một số nhóm. Trong đó, người dân sẽ được giảm trừ dần mức đóng.
Người thứ nhất đóng với mức 4,5% lương cơ sở tương đương với 600.000 đồng/năm; người thứ hai, thứ ba và thứ tư lần lượt đóng bằng 70, 60, 50 % mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, đều đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Thời gian đầu, quy định chưa rõ ràng, cơ chế hoạt động còn phức tạp gây nhiều phiền hà cho người dân.
Điểm đáng chú ý trong Luật bảo hiểm y tế sửa đổi chính là khi vượt tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% chi phí nằm viện điều trị nội trú. Đối với người đi khám, kê đơn ngoại trú sẽ không được thanh toán.
Ngoài ra, Luật cũng đã bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn. Giảm mức chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và hộ cận nghèo. Luật cũng bổ sung quy định thanh toán 100% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 7 triệu đồng).
Ngoài ra, từ năm 2015 - 2016, học sinh và sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế với mức đóng tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5 % và tính theo năm tài chính.
Cho phép phẫu thuật chuyển giới
Mới đây, Quốc hội đã thống nhất và thông qua bộ luật dân sự sửa đổi trong đó có vấn đề cho phép thực hiện các phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam mà không cần ra nước ngoài.
Quy định này sau khi ban hành đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là bộ phận những người có nhu cầu chuyển giới.
Hiện trên thế giới đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển giới. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 11 tại Châu Á cho phép thay đổi giới tính tren giấy tờ nhân thân.
Chia sẻ trên báo Vnexpress, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ y tế cho biết Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Trong đó các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt hiện nay đều có thể thực hiện được.
Nhân viên y tế thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân
Năm nay Bộ y tế thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân. Ảnh: Internet |
Liên quan đến thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh, năm nay Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Với khẩu hiệu "Người bệnh đến niềm nở/người bệnh ở tận tình/người bệnh về dặn dò chu đáo" Bộ y tế cho rằng đây là giải pháp mang tính đột phá để đổi mới căn bản cách nghĩ, cách làm của cán bộ y tế và các cơ sở y tế đối với những người bệnh. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế, cán bộ đều phải ký cam kết thái độ phục vụ. Đồng thời, ngành y tế đã tiến hành kỷ luật hơn 2.000 cán bộ vi phạm đạo đức với hình phạt từ cảnh cáo đến việc thôi việc.
Ghép tạng xuyên Việt cứu sống bệnh nhân
Sự kiện ghép tim xuyên Việt để cứu sống bệnh nhân có thể coi là sự kiện đáng chú ý nhất đối với các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và ngành y tế.
Vnexpress thông tin cho biết, tối ngày 3/9, Trung tâm Điều phối ghép mô và bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thông báo cho Trung tâm Điều phối quốc gia có bệnh nhân chết não đồng ý cho tạng.
Lúc đó, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có bệnh nhân chờ ghép gan tim cùng nhóm máu với người cho tạng.
Hơn 100 y bác sĩ tại hai bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức đã phối hợp kịp thời để kịp thời mổ lấy tim gan từ người hiến tạng ở TPHCM vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay ghép cho bệnh nhân. Sau hơn 20 ngày được ghép, bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện.
Cho phép mang thai hộ với mục đích nhân tạo
Luật hôn nhân và gia đình bổ sung trong đó mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực. Ảnh: Internet |
Năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi và bổ sung trong đó mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực.
Đối với trường hợp này, mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung; Phụ nữ mắc những bệnh mà việc mang thai có thể làm ảnh hưởng đến sinh mạng của mẹ cũng như thai nhi; Những người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng...
Theo đó, có 3 bệnh viện được phép thực hiện kĩ thuật mang thai hộ gồm: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ.
Trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại TPHCM là nữ Việt Kiều 44 tuổi, sau nhiều lần chữa vô sinh tại Mỹ và Việt Nam thất bại, chị đã quay lại Việt Nam và làm thủ tục nhờ em họ mang thai hộ.
Minh Di (tổng hợp)