Tin mới

Doanh nghiệp 'thôn' thành lập với số vốn 6,3 tỷ USD: Sự thật bất ngờ

Thứ năm, 27/02/2020, 16:34 (GMT+7)

Liên quan đến việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 6,3 tỷ USD, ngày 27/2, 1 trong 3 cổ đông cho hay người đi đăng ký say rượu nên viết nhầm số.

2 ngày qua, nhiều người dẫn tại thôn Đoài, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội rủ nhau đi tìm nhà ông Trần Gia Phong, người góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ) để đăng ký thành lập Công ty USC Interco để mục sở thị vị doanh nhân đang nổi đình nổi đám trên báo chí.

Ông Phong là người đại diện theo pháp luật Công ty USC Interco vừa đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), vượt qua nhiều "ông lớn" như Viettel, Vingroup về vốn điều lệ tại Việt Nam gây xôn xao dư luận.

Tuy nhiên, trưa 27/2, bà Kim Thị Phương, một trong 3 cổ đông công ty này cho biết, bà đang có mặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để xin huy bỏ hồ sơ.

Nhà bà Phương được trưng dụng là trụ sở công ty USC Interco. Ảnh: Zing.vn

"Tôi đi xin hủy bỏ hồ sơ, hủy bỏ công ty rồi. Giấy tờ đầy đủ rồi, thứ hai này ra là xong thôi. Khổ quá, mấy ông kia uống rượu vào, nhiều chữ số quá nên ghi nhầm vào đấy”, trên Zing.vn dẫn lời bà Phương nói.

Sau khi nhận tin mình là người tham gia góp vốn hàng chục nghìn tỷ thành lập công ty, bà Phương cảm thấy hoang mang khi nhận tới tấp các cuộc gọi. Tối 26/2, bà đề nghị ông Trần Gia Phong và ông Nguyễn Hoàn Sơn (cổ đông góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ) ra gặp mặt và thống nhất hủy hồ sơ đăng ký thành lập công ty.

"Thực ra vừa rồi tôi bị động chứ có biết cái gì đâu. Tôi thì không bao giờ có ý định lập công ty, kể cả từ ngày xưa. Mình có tiền đâu, 2 nữa là mình già rồi lập để làm gì, tôi chỉ có đi lao động ngày nào kiếm tiền ngày ý thôi", bà Phương chia sẻ thêm.

Về doanh nghiệp mới đăng ký thành lập với vốn 144.000 tỷ đồng, bà Phương cho hay ông Phong là người gợi ý.

"Hôm đó, anh Sơn (đồng nghiệp của bà Phương, cả 2 đều làm đại lý phân phối nước khoáng khu vực Hà Nội cho một công ty có trụ sở ở Thái Bình), đi làm nước cùng với tôi, Phong bảo là 3 chị em mình mở công ty đi. Mở thì mở thôi chứ mình có đồng nào đâu. Mình làm được thì làm, chẳng làm được thì thôi, chứ có phải góp vốn gì đâu", bà Phương nói.

Trụ sở của doanh nghiệp nằm trong ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức. Ảnh: TTT

Trước đó, trong hồ sơ, tên doanh nghiệp mới thành lập là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (viết tắt tên tiếng Anh là USC Interco., JSC.), có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Theo thống kê, hiện cả nước mới có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng gồm 3 tập đoàn kinh tế nhà nước là PVN (281.500 tỷ đồng), EVN (194.100 tỷ đồng) và Viettel (141.000 tỷ đồng) cùng 2 doanh nghiệp FDI là Formosa Hà Tĩnh (183.300 tỷ đồng) và Vietnam Beverage (111.900 tỷ đồng). Ảnh: Cục Đăng ký kinh doanh

Thông tin đăng ký cho thấy doanh nghiệp hoạt động chính trong 59 lĩnh vực: Các ngành nghề kinh doanh là xây dựng nhà để ở, xây dựng nhà không để ở, công trình đường sắt, đường bộ, công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông, công trình công ích…

Doanh nghiệp này còn đăng ký xây dựng công trình thủy, công trình khai khoáng, công trình chế biến - chế tạo. Ngoài ra, còn có bán lẻ đồ điện gia đình, giường tủ, bàn ghế, đồ nội thất, đèn…; kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, xe bus, xe taxi, vận tải hàng hóa…

Thậm chí, doanh nghiệp này còn đăng ký cả lĩnh vực giáo dục từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, trung cấp, đại học và thạc sỹ; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế; đăng ký hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…

Việc 3 cá nhân góp 6,3 tỷ USD khiến nhiều người hoài nghi.

Theo hồ sơ, người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong (SN 1979, HKTT tại huyện Đan Phượng, Hà Nội). Kế toán trưởng là bà Kim Thị Phương, hộ khẩu thường trú tại TP Cần Thơ mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng và ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.

Nếu thực sự góp đủ số vốn đăng ký thì công ty mới thành lập này chỉ xếp sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (281.500 tỷ đồng) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (194.100 tỷ đồng) về vốn điều lệ.

Theo Nghị định 50 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50 cũng quy định rõ: Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news