Khi mặt trống vỡ, cũng là lúc các đôi trai gái tìm đến nhau. Sau đó, họ dắt nhau vào rừng, ra khe suối tình tứ.
Mỗi năm một lần, cứ đúng đêm 16 tháng giêng âm lịch, người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống, một phong tục từ ngàn đời trước đến nay. Lễ hội được diễn ra tại bản Cà Ròong 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bản nằm cách trung tâm hơn 100 km, để vào được bản thì phải vượt 50 km đường rừng, giao thông đi lại khó khăn.
Theo truyền thuyết do người Ma Coong kể lại, từ xa xưa, ở làng bản của người Ma Coong xuất hiện một con khỉ già nắm giữ trong tay một cái trống thần. Cứ vào mùa thu hoạch, khỉ già lại đánh trống thần, bao nhiêu lúa, ngô, của cải dân bản đều chạy về nhà khỉ già. Đời sống người Ma Coong vì thế mà triền miên đói khổ.
Không cam chịu cảnh bị áp bức, chủ đất người Ma Coong đã nghĩ kế để chống lại khỉ già. Chọn đúng tối 16 tháng giêng, ánh trăng sáng vằng vặc, khi khỉ già đánh chén no đủ rồi ngủ say như chết. Trăng sáng soi rõ từng hòn cuội trên suối, Chủ làng sai người bí mật vào hang đá, lấy trộm trống thần mang về rồi đốt lửa, lập bàn thờ cúng Giàng và nổi trống.
Thầy cúng làm lễ.
Sau khi làm xong lễ, của cải, lúa ngô của dân làng lại từ nơi khỉ già chạy về với dân bản người Ma Coong, còn khỉ già thì trốn biệt vào rừng và chết.
Từ đó, cứ đến đêm 16 tháng giêng âm lịch, lễ hội đập trống trở thành một hoạt động tâm linh theo suốt hành trình tồn tại của người Ma Coong trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và duy trì cho đến bây giờ.
Vật thiêng của lễ hội là trống. Đã thành một quy ước, tang trống phải được làm từ cây gỗ Chicúp (một loại cây rỗng ruột) và được gìn giữ từ năm này sang năm khác, từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác, từ đời này sang đời khác, nó chỉ được thay thế khi không thể sử dụng được nữa. Trước khi thay thế, chắc chắn phải được chủ đất đồng tình và làm lễ cúng Giàng xin phép.
Còn mặt trống được làm bằng da trâu hoặc da bò, mỗi năm được thay một lần vào trước ngày lễ hội. Tấm da trâu, bò này sau khi được lấy sẽ phơi khô, để nguyên lông, bảo quản thật kỹ càng, cất giữ ở nhà chủ đất một cách cẩn trọng như cất giữ một báu vật. Đến ngày 16 tháng giêng, công việc chuẩn bị lễ hội bắt đầu từ việc chủ đất hướng dẫn thanh niên trai tráng trong làng bịt mặt trống vào tang trống cũ.
Khoảng 7h tối, cái lán dựng lên gần nơi treo trống đã được các già làng chuẩn bị kỹ càng ba mâm cúng Giàng, mỗi mâm cúng đại diện cho một dòng tộc người Ma Coong.
Mỗi mâm cúng, lễ vật gồm: một con gà luộc, một đĩa cá nướng, một đĩa ngọn mây luộc, một đĩa ngọn cây đoác luộc. Trên mỗi mâm có một nến sáp ong. Riêng mâm dành cho chủ lễ có hai nến sáp ong. Tất cả các sản phẩm cúng đều được dân làng tự làm lấy.
Sau khi các chủ đất và các già làng trưởng bản quỳ trước mâm cúng của mình, quỳ trước các vò rượu, chủ lễ bắt đầu khấn vái Giàng, xin Giàng phù hộ mùa cho bản làng có mùa màng xanh tốt, cuộc sống yên bình. Sau ba lần cúng vái là đến tục uống rượu cần.
Những người có chức sắc và già cả được mời uống trước. Sau đó lần lượt mọi người đều được uống thoả thích.
Kết thúc phần làm lễ, tất cả những người có mặt tại đó đều có thể tiến đến để đập trống.
Vừa đập, mọi người cùng hô to: "Roa lữ, roa lữ Giàng ơi" ...( Sướng quá, vui lắm trời ơi).
Điều đặc biệt ở lễ hội là những đôi trai gái dù có vợ hay đã có chồng đều có thể thoải mái được quyền tìm hiểu, hẹn hò nhau công khai ngay trong đêm lễ. Các đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau cũng có thể hẹn hò, dắt nhau vào rừng, ra khe suối tình tứ, tâm sự chuyện cũ. Còn những đôi trẻ chưa xây dựng gia đình thì đây là dịp để họ tìm người trăm năm cho mình.
Sáng hôm sau, ai lại về nhà đó, coi như đêm qua không có chuyện gì xảy ra. Tất cả lại quay trở về bình thường, vui vẻ bên gia đình của mình.
“Ngoài việc ước mong mưa thuận gió hoà, cầu Giàng phù hộ cho dân bản có cuộc sống yên bình, lễ hội còn là cơ hội cho trai gái tìm đến nhau, làm quen, bén duyên để sau này nên vợ nên chồng”, trưởng làng Đinh Xon cho biết.
Phong Nha