Có thể đây sẽ là chuyến công du Châu Á cuối cùng của tổng thống Barack Obama trước khi ông rời nhiệm sở. Chuyến đi được các chuyên gia đánh giá là rất thành công về mặt ngoại giao nhưng không mang lại nhiều điểm nhấn về chính trị.
Tồng thống Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, sau đó ông qua Nhật dự hội nghị các nước phát triển G7 và G7 mở rộng. Ông đã trở thành vị tổng thống Mỹ thứ 3 liên tiếp sang thăm Việt Nam đồng thời trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Hiroshima.
Thành công lớn về mặt ngoại giao
Tại Việt Nam, ông đã được người nhân chào đón nồng nhiệt. Điều hiếm khi có với các lãnh đạo nước ngoài tới thăm Việt Nam từ trước tới nay. Bên cạnh đó, ông Obama cũng vẫn thể hiện sự thân thiện như vốn có. Có thể nói rằng chuyến thăm của tổng thống Obama đã tạo ra một cơn sốt truyền thông thực sự ở Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ là một sự kiện chính trị. Báo chí Việt Nam bắt đầu râm ran về sức nóng của chuyến thăm từ đầu tháng 5, 1 tuần trước và sau chuyến thăm nó đã trở thành một bữa tiệc truyền thông thực sự trên khắp các hãng tin của Việt Nam.
Từ thông tin về các phương tiện của đoàn hộ tống, tiểu sử của Obama, thói quen, sở thích của vị Tổng Thống Mỹ hay thông tin nhỏ giọt về lịch sinh hoạt cá nhân của ông tại Việt Nam,... đều đã lấp kín và tràn ngập trên các trang báo mạng của Việt Nam. Đáp lại, ông Obama đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người dân Việt Nam bằng sự thân thiện, cởi mở. Ông tỏ ra rất quan tâm đến Việt Nam khi trong những bài phát biểu của mình ông đã trích dẫn nhiều thơ ca, tục ngữ của Việt Nam. Nhìn những hình ảnh đó, khó ai có thể nghĩ rằng Việt - Mỹ đã từng là cựu thù trong chiến tranh.
Tại Nhật Bản, ông Obama vẫn thể hiện sự cởi mở, khéo léo tương tự khi ghé thăm Việt Nam. Trọng tâm được chú ý nhất của chuyến đi đối với người dân Nhật Bản là chuyến viếng thăm Hiroshima của ông Obama. Đây có thể coi là một trong những sự hàn gắn cuối cùng của hai nước đông minh. Trước giờ, dù là đồng minh từ sau thế chiến thứ 2 nhưng mỗi khi nhắc đến thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki thì một bộ phận dân chúng Nhật Bản vẫn còn chưa thể nguôi ngoai và hoàn toàn bỏ qua nỗi đau này. Còn đối với phía Mỹ, họ cũng chưa bao giờ công khai về việc hối tiếc sự kiện này. Các đời tổng thống Mỹ trước dường như đều né tránh vấn đề này với Nhật Bản. Với chuyến thăm lần này của Obama, có thể nói ông đã góp phần gỡ bỏ đi một trong những rào cản cuối cùng về ngoại giao giữa hai nước này.
Viếng thăm Hiroshima, ông Obama góp phần nâng tầm hình ảnh Mỹ với nhân dân Nhật |
Như tại Việt Nam, Obama tỏ ra thân thiện và cũng đã gây ấn tượng tốt với người dân Nhật Bản - những người vốn không "lạ lẫm" gì với các lần tổng thống Mỹ sang thăm. Nhưng bằng những hành động như bế một em bé, hay những bài phát biểu sâu sắc mà hóm hỉnh và đặc biệt là với chuyến viếng thăm tới Hiroshima ông đã củng cố vị trí tổng thống Mỹ dễ mến nhất trong mắt người dân Nhật Bản.
Không có điểm nhấn về mặt chính trị
Đây là những thời gian cuối cùng tại nhiệm sở của mình tại nhà Trắng, có thể hiểu vì sao giới chức Mỹ không thực sự kỳ vọng gì nhiều về hiệu quả chính trị của chuyến đi. Đúng như các nhận định trước đó, chuyến đi không có nhiều điểm nhấn chính trị được tạo ra.
Đối với Việt Nam, điểm nhấn chính trị quan trọng nhất của chuyến thăm chính là việc phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đã được giới chức Mỹ "rục rịch" chuẩn bị từ chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào năm ngoái nên việc tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam nhân chuyến thăm phần nhiều mang tính chất hình thức công bố ngoại giao.
Phía Mỹ cũng kỳ vọng vào chuyến thăm như một lời khẳng định cuối cùng cho tuyên bố xoay trục của Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Trong chiến lược này của Mỹ, vị thế địa chính trị của Việt Nam là vô cùng quan trọng: là trung tâm của Đông Nam Á và giáp với Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây là một dự đoán cho tương lai: các tổng thống tiếp theo của Đảng Dân Chủ sẽ tiếp tục hướng sự quan tâm của họ đến Trung Quốc và Châu Á nhiều hơn, đây là một định hướng mang tính chiến lược và sẽ có tính liên tục.
Chuyến thăm Việt Nam góp phần gây dựng hơn nữa quan hệ với khu vực ĐNA của Mỹ |
Ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Obama còn là để quảng bá cho hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP trong bối cảnh đang bị giới chức nước này hoài nghi và quốc hội Mỹ chưa hoàn toàn thông qua hiệp định này. Sau khi đạo luật mới về y tế, sức khỏe Obama Care coi như đã thất bại (đây là đạo luật mà ông Obama đã hứa khi trong chiến dịch tranh cử tổng thống) thì TPP là một dấu ấn cuối cùng mà Obama mong muốn để lại cho nước Mỹ. Điều này bước đầu thành công khi ông đã thuyết phục được các nước thành viên đồng ý với đa số các thỏa thuận, nhưng với nội bộ nước Mỹ, đặc biệt là với Quốc hội Mỹ thì TPP lại không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ, việc thảo luận dự kiến sẽ rất căng thẳng trong tương lai.
Hội nghị G7 tại Ise Shima 2016 không đạt được thành tựu nổi bật |
Còn tại hội nghị tai Ise Shima – Nhật Bản, hội nghị đã kết thúc với một tuyên bố chung: Trong tuyên bố chung, G7 thừa nhận những thách thức của kinh tế thế giới hiện nay nghiêm trọng nhất là sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi và khuyến cáo những nước thành viên đưa ra các gói kích cầu tùy tình hình thực tế của mỗi nước.
Về vấn đề biển Đông, các nước G7 tán thành các tuyên bố đưa ra tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 4/2016, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh sử dụng vũ lực. Trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, các nước thành viên G7 đều bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng trong tuyên bố chung, G7 cam kết nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, phản đối chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Có thể dễ thấy kết quả đạt được của hội nghị này là không nhiều khi mà tất cả các vấn đề nhức nhối nhất hiện tại như vấn đề Syria, Ukraine, vấn đề môi trường hay chiến lược cụ thể trong chiến dịch chống IS không được đưa ra bàn bạc cụ thể. Kết quả nhạt nhòa này là có thể dự đoán trước vì 2 lí do: Thứ nhất đó là sự vắng mặt của Nga, và thứ 2 có thể do các lãnh đạo còn lại hướng về tổng thống Mỹ sẽ đắc cử vào tháng 11 tới hơn là ông Obama với những tháng ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ.
Nhận xét về chuyến công du, giới phân tích cho rằng có thể gói gọn tinh thần tiếp cận mục tiêu chính trị lần này trong chuyến công du châu Á của ông Obama trong hai từ “an toàn”, đúng hơn thì chính ông Obama cũng không đặt một kỳ vọng lớn lao nào trong chuyến thăm lần này. Đây có thể sẽ là một dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế trước khi ông rời nhà Trắng.
Như vậy, có thể thấy rằng những thành tựu ngoại giao của chuyến công du châu Á hoàn toàn lấn át các thành tựu khác của chuyến đi. Điều này sẽ góp phần tạo một tiền đề cực kì thuận lợi cho sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á trong tương lai và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nơi có vị trí địa chính trị liên quan trực tiếp tới Trung Quốc.
Dù cho tổng thống Mỹ sắp tới là ai, thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ thì chắc chắn Châu Á sẽ vẫn đóng vai trò tối quan trọng trong định hướng phát triển của nước Mỹ trong tương lai. Với những gì ông Obama đã tạo dựng được tại châu Á về mặt ngoại giao, có thể khẳng định rằng sự kế thừa này sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi cho vị tổng thống kế tiếp trong quan hệ với Châu Á.
Quý Vũ (theo Militarytime)