Trăn trở về việc quản lý nước sạch ở một số thành phố lớn, cũng như trên toàn quốc, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập.
Đồng tình với ý kiến này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay chưa quản lý được, nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch.
"Thực tế cho thấy, nguồn ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các hộ gia đình, chất thải từ trâu bò, động vật có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt nếu như không được kiểm soát tốt", vị ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ thực trạng gây nhức nhối cho người dân hiện nay.
ĐBQH Phạm Văn Hòa.
Cùng chung suy nghĩ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua.
Từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình, ông Phạm Văn Hòa đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước: “Liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo hay không? Trong khi đó, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân”.
“Cơ quan các cấp, chính quyền địa phương từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm nhiều hơn đối với sức khỏe người dân trên tất cả các lĩnh vực. Như thế thì người dân mới yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền”, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp mong mỏi.
Đi sâu vào hành động đổ trộm dầu thải gây ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn hộ dân dùng nước sạch tại Hà Nội, đại biểu Y Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đắk Lắk bức xúc: "Đây là việc làm có chủ ý, không phải là ngẫu nhiên, vô ý khi huỷ lượng dầu nhớt này. Hiện nay, kẻ chủ mưu đã ra đầu thú rồi. Đây là cơ sở điều tra làm rõ và xử lý thật nghiêm minh".
Đồng tình với phản ứng của dư luận trong thời gian qua đối với đơn vị cung cấp nước, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho hay: "Công ty cấp nước cho Thủ đô mà quản lý, kiểm tra, ngăn chặn sự việc hết sức chậm chạp. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, họ mới triển khai.
Dù cho có bị tác động bên ngoài, hoặc có thể do phá hoại đi chăng nữa, thì với trách nhiệm của người quản lý, như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu anh phát hiện sớm, ngăn chặn sớm thì chắc chắn không thể để xảy ra việc hàng triệu người thủ đô dùng nước không an toàn”.
Từ đó, vị Đại biểu này cho rằng, các địa phương phải coi đây là bài học kinh nghiệm rất lớn cho nhà quản lý, kinh doanh, phân phối nguồn nước cho dân.
“Phải tăng cường kiểm tra, bảo đảm chất lượng nguồn nước. Nếu nhà phân phối nước có trách nhiệm hơn, sẽ không để nguồn nước bị ô nhiễm dễ dàng như thế được. Đó là việc làm không thể chấp nhận được, cần phải bị xử lý nghiêm", ông Y Khút Niê nói.
Đại biểu Y Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đắk Lắk.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế được những sự cố đáng tiếc như vừa qua. Nguồn nước thuộc phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân thì phải có hàng rào che chắn, có khu vực quản lý, bảo vệ chặt chẽ.
Về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch, đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp phép cung cấp nước sạch cho người dân phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đồng thời có giải pháp tích cực để đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh cung cấp nước sạch phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân.
Vị đại biểu đoàn Quảng Bình cũng cho rằng, cần phải thường xuyên tuyên truyền cho người dân xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. “Từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải có cam kết giữa cá nhân với tổ chức trong việc thực hiện nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện thấy cá nhân, tổ chức nào xả thải vào nguồn nước cần báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý”, ông Phương nói.