(Tinmoi.vn) Trước hành động giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc di chuyển khỏi Biển Đông, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định: “Đừng ảo tưởng rằng Trung Quốc thôi thực hiện mưu đồ chiếm biển Đông”.
Trả lời trên báo Một Thế Giới, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, cho rằng đây chỉ là việc làm nhằm xoa dịu dư luận trước sự đấu tranh của Việt Nam và dư luận thế giới phản đối việc xâm phạm vùng biển của nước ta.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng “Đừng ảo tưởng rằng Trung Quốc thôi thực hiện mưu đồ chiếm biển Đông”.
Theo tướng Thước, việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam hay đi đâu nữa thì ý đồ xuyên suốt của Trung Quốc là làm chủ, bá quyền ở khu vực biển Hoàng Sa rồi Trường Sa và eo biển Malacca, thực hiện trọn vẹn mưu đồ của cái gọi là đường 9 đoạn, nay là 10 đoạn.
Tướng Thước nhấn mạnh: "Đừng ảo tưởng việc giàn khoan Hải Dương 981 rút về đảo Hải Nam là Trung Quốc đã chấm dứt việc bành trướng, bá quyền. Giàn khoan đó dù có đi đâu thì cũng vẫn ở trên biển Đông. Đó là mắt xích để Trung Quốc thực hiện ý đồ của mình. Việt Nam cần phải tiếp tục kết hợp với quốc tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa".
Bình luận về việc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo tướng Thước, có thể thấy, Trung Quốc đang lùi một bước để tiếp tục tiến ba bước tiếp theo. Đừng bao giờ được phép thỏa mãn rằng Trung Quốc đã chịu dừng lại.
Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan có động cơ chính trị và thời tiết.
“Cơn bão Rammasun đang vào biển Đông chỉ là cái cớ để Trung Quốc di chuyển giàn khoan mà thôi. Và đó chỉ là hành động lừa dối để ngồi vào đàm phán, thương lượng. Mừng cái gì? Mừng vì cơn bão mà Trung Quốc rút ư? Mai tan bão, họ lại đưa nó ra hoạt động trở lại thì sao?", tướng Thước thận trọng.
Tướng thước cho rằng, chúng ta đừng chờ đợi, hy vọng cơn bão sẽ giải quyết vấn đề biển Đông cho Việt Nam. Nếu chỉ dựa vào cơn bão này thì bấy lâu nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta không phải bỏ công sức, tiền của để đấu tranh như vậy.
"Chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục cuộc đấu tranh để đẩy lùi âm mưu bá quyền của Trung Quốc dựa vào chính lực lượng của chúng ta cùng với dư luận thế giới yêu chuộng hòa bình", tướng Thước nhấn mạnh.
Trong khi đó, ngày hôm nay (16/7), Bộ ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định không nên xem việc di chuyển giàn khoan Hải Dương – 981 là một động thái rút lui, đồng thời tiếp tục ngang ngược tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc.
“Như thông tin công bố từ các công ty Trung Quốc có liên quan, hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981, bắt đầu từ ngày 2/5 tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa) đã hoàn tất một cách thành công vào hôm 15/7 theo đúng lịch trình”, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu.
Ông Hồng Lỗi còn lớn lối tuyên bố: “Trung Quốc cương quyết phản đối hành động cản trở phi pháp chống lại hoạt động của công ty Trung Quốc và đã tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho hoạt động khoan dầu”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn dự kiến một tháng rất có nhiều khả năng do cả 2 yếu tố: thời tiết và chính trị.
Trước đó, từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam. Những hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. |
T.Phong (tổng hợp)