Bên cạnh phần lớn ý kiến chỉ trích 20 sinh viên “bị lạc” trên núi Bà Đen yếu kém về kĩ năng sống, một số độc giả lại cho rằng, quyết định ở lại trên núi lúc trời tối và gọi cứu hộ là hành động khôn ngoan.
Mấy ngày nay, thông tin đăng tải trên báo chí về việc một nhóm gồm 20 sinh viên “bị lạc trên núi Bà Đen” và phải kêu cứu, khiến hàng trăm người vất vả tìm kiếm giữa đêm tối thu hút sự quan tâm cùng nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận.
Nhóm sinh viên này đã được cứu hộ đưa xuống núi đầy đủ và an toàn.
Sau đó, các diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện hàng nghìn bình luận với những ý kiến khác nhau, trái chiều về vụ việc trên.
“Nhóm sinh viên quá yếu kém về kĩ năng sống”
Trong số các bình luận, phần lớn là những ý kiến chỉ trích nhóm sinh viên liều lĩnh, yếu kém trong Kỹ năng sống, khiến nhiều người phải vất vả, lo lắng cho số phận của các thanh niên này.
Độc giả Võ Tuấn nhận định: “Thiếu chuẩn bị và thiếu kiến thức nên mới bị lạc như vậy. Núi Bà Đen không cao, chu vi nhỏ, độc lập, dường như trên núi có rất nhiều đường mòn của người dân đi và đường đi chính lên núi có nhiều quán xá ban đêm dùng đèn chiếu sáng từ chân núi đến chùa Bà... nhưng không hiểu vì sao họ (nhóm sinh viên – PV) không định vị đường đi được. Cái này là bắt chước người ta đi phượt nhưng bị trượt vì thiếu kỹ năng nè”.
Nhóm 20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen sau khi được cứu hộ đưa xuống núi an toàn. Ảnh: TTO.
Độc giả Duong Khanh tỏ ra gay gắt: “Dạo này đi phượt đang là mốt, phiêu lưu, tự do, được các bạn khác ngưỡng mộ nên thấy hay ho thú vị lắm, trong khi kiến thức, kĩ năng trang bị chưa tới, làm hại mình, làm khổ cả người khác. Đúng là khờ khạo và liều lĩnh”.
Từ sự cố liên quan đến nhóm sinh viên trên, nhiều người lập tức nghĩ tới và so sánh với câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi một bé gái 7 tuổi người Mỹ may mắn thoát chết một cách thần kỳ khi máy bay gặp tai nạn, cả hai bố mẹ bé đều thiệt mạng. Bé gái này đã đi bộ một mình trong cái lạnh âm độ C trong rừng, qua hai bờ đê, một con lạch trong bóng tối, quần áo rách tướp để gõ cửa một gia đình dưới chân núi nhờ giúp đỡ.
“Hãy nhìn xem, 20 sinh viên khỏe mạnh mà hoảng sợ, không dám xuống núi, đúng là không bằng một cô bé 7 tuổi tự cứu mình thoát chết trong điều kiện khó khăn hơn nhiều”, bạn Ngọc Sơn bình luận.
Độc giả Ha Giang viết: “Nói chung sinh ra không ai có sẵn các kỹ năng, nhưng mình sẽ trau dồi qua cuộc sống, qua các chuyến đi, đi để trải nghiệm, có kinh nghiệm sống, học hỏi các kỹ năng ứng phó tình huống, kỹ năng sinh tồn. Và nhất là phải thu thập thông tin, kiến thức trước khi xuất phát một chuyến đi. Chứ đừng đi theo kiểu phong trào, thấy bạn rủ đi là đi, đi đông vui nên đi, đi có bạn nó lo hết nên đi, chỗ đó chưa đi bao giờ nên đi. Các bạn không có sự chuẩn bị, không có kinh nghiệm nên khi xảy ra vấn đề không quan trọng như vậy mà đã không thể xử lý được”.
Đồng quan điểm, Trang Nguyen cho rằng: “Tôi thấy có nhiều bạn trẻ rất coi thường tính mạng, đi leo núi nhưng đồ ăn, thức uống và các đồ dùng cần thiết cũng không chuẩn bị kỹ nên khi gặp tình huống bất ngờ dễ hoảng loạn và gặp nhiều rủi ro hơn”.
Ở lại trên núi lúc đêm tối và gọi cứu hộ là khôn ngoan
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, nhiều độc giả lại đưa ra cách nhìn khác về vụ việc 20 sinh viên “bị lạc” trên núi Bà Đen.
Một số ý kiến phản bác lại các nhận định cho rằng núi Bà Đen không có gì nguy hiểm và không khó để leo lên, leo xuống.
Bạn đọc Vuong cho biết: “Núi này tuy nhỏ nhưng khi tối xuống thì không thể thấy đường xuống núi, cách nay 8 năm tôi và vợ tôi cũng bị lạc đến 8h tối mới xuống tới chân núi, lúc đó vợ tôi cũng khóc vì sợ nhưng may mắn xuống được. Do đó, ai có dự tính lên đỉnh núi thì phải xuống núi trước 13h chiều mới kịp hoặc nhờ người dẫn đường cho đảm bảo”.
Núi Bà Đen - nơi 20 sinh viên bị lạc và "hàng trăm người phải tìm kiếm, giải cứu trong đêm".
Bạn đọc Nam Tran đưa ra những thông tin khá chi tiết về các cung đường lên núi Bà Đen.
Nam Tran viết: “Núi Bà Đen có 3 đường đi lên đỉnh chỉnh, đường cột điện (dễ đi nhất), đường sau chùa Bà và đường Ma Thiên Lãnh. Đường Ma Thiên Lãnh khó đi nhất và ngay cả những người đi nhiều lần rồi cũng bị lạc vì đường này ít người đi và không có lối mòn, cây cối rậm rạp. Người có sức khỏe đi liên tục theo đường dễ nhất (đường cột điện) mất khoảng 2-3h, nếu đi theo đường Ma Thiên Lãnh sẽ mất từ 7-8 giờ.
Không phải vô cớ mà 100 người mất một đêm một ngày mới tìm ra nhóm sinh viên này, núi bà Đen gần như còn nguyên sinh và địa hình cực hiểm trở. Các bạn khác tự hào đã đi từ năm lớp 7-8 thì các bạn đi đường dễ nhất, và đường này thì có quá nhiều người đi, có bảng chỉ đường đầy đủ và chỉ cần quyết tâm một chút là leo được. Không phải cung Ma Thiên Lãnh mà 20 sinh viên kia liều mạng đi”.
Chung nhận định, độc giả Yen Le cho rằng: “Tại các bạn ấy đi cung đường khó nhất là Ma Thiên Lãnh. Cung đường này nếu muốn đi bạn phải có người dẫn đường, hoặc trong nhóm phải có người đi nhiều lần và thuộc đường đi thì mới được”.
Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, khi chưa rõ hoàn toàn sự việc, khi không trực tiếp trải nghiệm ở núi Bà Đen và rơi vào hoàn cảnh như 20 sinh viên kia thì mọi người đừng vội chỉ trích, “chửi mắng”, chê bai các em.
“Nhiều bạn chưa từng đến núi Bà Đen thì đừng lớn tiếng chỉ trích các em sinh viên. So sánh với cô bé 7 tuổi bên Mỹ cũng là khập khiễng vì cô bé đó rất đáng khâm phục, nhưng chỉ là cá biệt, không phải tất cả trẻ em ở nước ngoài đều tự cứu mình được như vậy. Dù gì thì các em sinh viên cũng đã xuống núi an toàn, mọi người đừng “ném đá” nữa”, độc giả Hoàng Cường nêu quan điểm.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, việc chọn cách ở lại trên núi khi trời tối và nhờ cứu hộ trợ giúp là hành động đúng đắn, khôn ngoan của nhóm sinh viên.
Độc giả có nick-name Louisnguyen viết: “Có thể đông người nên mọi người tôn trọng quyết định của số đông, trời tối, đường dốc sẽ khó đi, dễ bị trượt té, với lại núi đá rất nguy hiểm. Ở lại là quyết định tốt nhất. Người nhà nghe mất tích nhóm 20 người cũng đỡ lo hơn nhóm 2, 3 người”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới độc giả về vụ việc này.
Duy Minh