(Tinmoi.vn) Dịch sởi từng làm chết hàng trăm đứa trẻ ở nước Mỹ cách đây chưa lâu, nguyên nhân có điểm tương đồng với dịch sởi đang xảy ra ở Việt Nam.
Các bậc phụ huynh Việt Nam đang lo lắng, sợ hãi bởi dịch sởi bất thường đã lấy đi mạng sống của hơn 100 đứa trẻ. Ít ai biết rằng, ngay cả một nước kinh tế phát triển như nước Mỹ cũng từng xảy ra dịch sởi lớn không kém, và cách đây chưa lâu: 1989-1991.
Đó là trận dịch sởi lớn chưa từng có ở đất nước giàu có này, với gần 56.000 ca mắc bệnh, 124 trường hợp tử vong, trẻ dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sự phân bố bệnh cũng thay đổi, từ chỗ xuất hiện chủ yếu xuất hiện ở trẻ trên 5 tuổi thì vào thời điểm năm 1990, lần đầu tiên tỷ lệ mắc sởi ở trẻ dưới 5 tuổi đã vượt qua đối tượng từ 5 đến 19 tuổi (48% so với 35%). Đặc biệt, trong số tử vong, có đến 90% chưa được tiêm chủng, và tỷ lệ tiêm chủng giảm sút được cho là nguyên nhân khiến dịch bùng phát dữ dội.
Năm 1963, nước Mỹ đưa vào sử dụng vaccine sởi. Trước đó, cứ vài năm, Mỹ lại có dịch sởi, với 500.000 ca mắc và 500 ca tử vong được ghi nhận mỗi năm (con số thực tế được cho là 3-4 triệu ca mắc mỗi năm). Tỷ lệ mắc lớn nhất ở lứa tuổi 5-9. Nhờ chiến dịch tiêm phòng, chu kỳ 2-3 năm của dịch sởi biến mất, tỷ lệ nhiễm sởi giảm 98%. Trong năm 1983, chỉ còn cha đầy 1.500 ca mắc sởi. Nước Mỹ được coi là thanh toán được bệnh sởi, cho đến khi trận dịch kinh hoàng kể trên bùng phát. Người ta phát hiện, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, ở nhiều thành phố chỉ còn 50% ở trẻ dưới 2 tuổi.
Chẳng những dịch phát triển mạnh, mà còn khiến tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 1 tuổi tăng vọt bất thường. Các chuyên gia lý giải, mẹ của nhiều trẻ em đó tuổi còn trẻ, miễn dịch của họ với bệnh sởi chủ yếu là do tiêm chủng chứ không phải do từng mắc bệnh này, vì thế lượng kháng thể truyền qua nhau thai không đáng kể. Bởi thế trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn. Nỗ lực tiêm chủng cho trẻ được cho là giải pháp hữu hiệu để đối phó với bệnh dịch này.
Ngoài ra, việc nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc sởi dẫn tới khuyến cáo tiêm vắc xin phòng sởi lần 2.
Trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh sởi với tỷ lệ cao hơn là do bà mẹ tuổi 20-30 có kháng thể với sởi từ tiêm phòng. |
Kể từ sau đợt dịch, tại Mỹ số ca sởi được ghi nhận giảm nhanh chóng. Thành công này chủ yếu là nhờ những nỗ lực tiêm chủng cho trẻ độ tuổi mẫu giáo. Câu chuyện ở nước Mỹ có lẽ khiến nhiều người liên hệ đến dịch sởi ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng ở những người mắc bệnh sởi có miễn dịch sởi cao hơn ở những người tiêm phòng vaccine. Miễn dịch thu được qua tiêm chủng thường thấp hơn và không bền vững suốt đời mà giảm dần theo thời gian.
Cho nên, về lý thuyết, trẻ sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng có thể có nồng độ miễn dịch thấp không đủ để phòng bệnh, so với trẻ sinh ra từ người mẹ đã mắc sởi tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu về miễn dịch nền với virus sởi ở trẻ em sinh ra ở Mỹ cho thấy, ở trẻ mới sinh chỉ có 7% không có kháng thể với sởi. Nhưng đến lúc 6 tháng tuổi, tỷ lệ này là lên tới 90%.
Theo GS – TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ , ở Việt Nam, vaccine sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1985 đã góp phần giảm tỷ lệ mắc sởi trong cộng đồng gần 600 lần năm 2012 so với năm 1984. Hầu hết người dân trong đó có các bà mẹ tuổi 20-30 có kháng thể với sởi từ tiêm phòng. Vì thế, trẻ sinh ra gần đây từ những bà mẹ này cũng sẽ có miễn dịch thấp hơn, có thể không đủ để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi.
Hoàng Anh