Tôi tham dự cuộc chơi Flappy Bird khá muộn, và chỉ bắt đầu sáng thứ Sáu tuần qua với trò chơi đầu bảng xếp hạng này vì chúng tôi nói về game này trong chương trình kinh doanh hàng tuần ‘Tech Tent’ của BBC.
Nhưng sau vài giờ, như mọi thành viên gia đình và các bạn bè, tôi đã bị hút vào nó.
Đây là một trò chơi có cấu hình hết sức thô sơ, như loại được làm 25 năm trước.
Nhưng vì nó quá khó nên khiến người ta đâm ra nghiện và nó cũng đem lại lợi nhuận to cho tác giả.
Và sang hôm Thứ Bảy thì nhà thiết kế Việt Nam, Đông Nguyễn (Nguyễn Hà Đông) nhắn trên mạng Twitter câu này:
"Tôi xin lỗi các bạn chơi 'Flappy Bird', 22 giờ nữa tôi sẽ rút lại 'Flappy Bird'. Tôi không thể chịu đựng được nữa."
Không rõ điều gì làm Đông không chịu được nữa vì mới trước đó, anh nói anh kiếm được 50 nghìn USD từ quảng cáo nhờ game này.
Nhưng đến tối Chủ Nhật thì quả thật là Đông đã rút Flappy Bird khỏi mạng bán trò chơi ‘Google Play store’ và ‘Apple's App Store’.
Nếu bạn chỉ mới nghe về trò chơi này và muốn chơi thì khó đấy, nay nó chỉ còn cho hàng trăm nghìn, hay có thể hàng triệu người đã kịp cài đặt nó.
Điều chúng ta có thể rút ra từ cuộc hành trình ngắn nhưng tuyệt vời của Flappy Bird trên thị trường game là gì?
Như nhà biên kịch William Goldman từng nói về Hollywood và giới khán giả xem phim ở rạp, khi giải thích thế nào là sự thành công: ‘Thực ra không ai biết vì sao...’
Các doanh nghiệp lớn như EA đã lập ra đội ngũ lập trình đông đảo với ngân sách không hạn chế để chế tạo ra các game ăn khách, thế mà nay một nhà thiết kế đơn độc tại Việt Nam đã vượt qua họ và đi lên dẫn đầu bảng.
Gần bốn năm trước, tôi có viết Bấm một bài về một số nhà thiết kế ‘tại gia’ ở Anh đã đạt thành công tương tự, và từng nghĩ thời của David bé nhỏ thách thức được người khổng lồ Goliath đã qua rồi.
Nhưng tôi cũng ghi nhận rằng một app được nhắc đến trong bài đó, ‘The Impossible Game’, hiện lại trở nên ăn khách trong bảng xếp hạng.
Nó cũng là game đơn giản và khó thắng như Flappy Bird nên có thể đã đạt được hiệu ứng mới lạ.
Và có thể mô thức kinh doanh bán in- app hiện nay gây ra tranh cãi gần đây là một lý do.
Bạn thường tải game về miễn phí nhưng sau đó thấy nó chẳng có gì hay cho tới khi bạn phải mua thêm các phần mới.
Một Bấm bài báo của Thomas Baekdal cho rằng cách mua ‘in-app’ này đang giết chết ngành công nghệ game: các game khó gây bực bội cho người chơi vì các hạn chế khiến họ phải bỏ tiền nhiều ra để lên một bậc mới.
Có thể thành công của một game đơn giản như thế này sẽ tạo cảm hứng cho những người khác từ bỏ mô hình mua bán ‘in- app’.
Nhưng dù sao thì mô hình này vẫn đang là cách đem lại tiền bạc rất nhiều, và với hàng triệu game thủ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng thì tải game xuống miễn phí rồi trả thêm tiền để chơi là cách duy nhất họ biết đến.
Biết đâu bài học cần rút ra trong trường hợp Flappy Bird là chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của một thiên tài về marketing.
Nhờ giết nhanh chóng con ngỗng vàng, Đông đã đảm bảo rằng một số đông công chúng ngoài kia đang nín thở chờ game sắp tới của anh.
Và nếu game đó không hay, anh vẫn luôn có thể cho Flappy Bird bay trở lại...
Theo bbc.co.uk