Chồng vào rừng tìm mật ong về bán không may ngã từ trên cây cao xuống, nằm liệt giường khi người vợ đang mang thai đứa con thứ 3. Suốt nhiều năm nay, chị Hoa một mình chèo chống chăm chồng, nuôi ba đứa con thơ với muôn vàn khó khăn phía trước.
Tai họa giáng xuống
2 giờ sáng, khi mọi người đang yên giấc thì chị Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi, ngụ thôn Đồng Trổ, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã phải thức giấc. Trong đêm tối, chị lọ mọ cắm vội nồi cơm để sáng dậy 3 đứa nhỏ có cơm ăn rồi một mình đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi vào rừng thông, cách nhà gần 2km để lấy nhựa thuê cho một lâm trường trên địa bàn.
Từ ngày chồng gặp nạn, một mình chị Hoa gánh nặng hai vai, vừa chăm chồng, vừa lo cho đàn con.
Trời vừa sáng, chị lại tất tả về nhà, chuẩn bị bữa sáng cho người chồng nằm liệt giường rồi đưa 3 đứa con thơ đi học.
Đã hơn 2 năm nay kể từ ngày chồng gặp nạn , chị Hoa trở thành chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình. Vất vả bươn chải chăm chồng, nuôi con khiến người phụ nữ không còn thời gian để nghỉ ngơi, than phiền.
3 đứa con chị Hoa, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi.
Tai họa ập xuống với gia đình vào tháng 9/2015, khi chị mang thai đứa con thứ 3 được 8 tháng. Vì muốn kiếm thêm tiền để chăm lo cho vợ con lúc sinh nở, anh Thái Văn Thuận (34 tuổi, chồng chị Hoa) tranh thủ những ngày không ai thuê phụ hồ để vào rừng tìm mật ong đưa về bán.
Trong một lần trèo lên cây cao lấy mật, anh Thuận không may bị té ngã, gãy đốt sống cổ, ảnh hưởng các dây thần kinh khác, gây tê liệt toàn thân. Dù được gia đình đưa đi khắp nơi chữa trị nhưng đến nay, anh Thuận vẫn chỉ nằm một chỗ, toàn thân bất động. Mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
"Chạy chữa nhiều rồi nhưng vẫn không có kết quả, những đồng tiền vay mượn cạn dần, tôi đành bất lực đưa chồng về nhà. Một mình vừa sinh con, vừa chăm sóc chồng từ bấy đến nay", chị Hoa thở dài chia sẻ.
Gánh nặng cuộc đời
Thu nhập chính của cả gia đình trông chờ vào 2 sào ruộng cùng số tiền trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng mà anh Thuận nhận được. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi đàn con thơ, thuốc thang cho chồng, hàng ngày, chị tranh thủ nhận đi lấy nhựa thông thuê cho lâm trường.
"Tranh thủ khoảng 3 tiếng đồng hồ mỗi sáng như vậy tôi cũng kiếm được từ 30.000 đến 50.000 đồng, đủ để trang trải thức ăn hàng ngày cho cả gia đình. Hôm nào gửi được chồng và đứa út nhờ mẹ chồng trông giúp, tôi lại tranh thủ đi làm thuê, ai thuê cuốc đất, chặt cây tôi nhận làm cả.
Công việc nặng nhọc tôi không sợ, chỉ sợ một ngày đuối sức, nằm ra đó thì chồng con tôi không biết trông chờ vào ai", chị Hoa thở dài.
Chị Hoa lo sợ đàn con thất học giữa chừng.
Việc ăn uống của chồng rất khó khăn, kéo dài cả tiếng đồng hồ. "Nhiều lúc đi làm về muộn, tranh thủ đút cho chồng ăn, quay sang đã thấy con ngủ gật khi quần áo chưa kịp thay, lấm lem đầy bụi đất, bụng đói. Đêm đến, con tỉnh giấc, lọ mọ đòi ăn, nhìn thương lắm".
3 đứa con chị, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ mới lên 2. Thế nhưng, vì mẹ bận lo chạy ăn từng bữa nên chúng tự chăm sóc nhau, tự học hành, ăn ngủ. Chồng nằm một chỗ nhưng ốm đau suốt, cứ một tháng, chị lại đưa chồng đi bệnh viện một lần để nhờ bác sĩ lọc bỏ những phần hoại tử trên cơ thể.
Bình quân mỗi tối chị chỉ dám ngủ nhiều lắm thì 3 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại chị tranh thủ xoa bóp toàn thân cho chồng, làm công việc vặt trong nhà, đi lấy nhựa thông thuê. Tranh thủ hết mức như vậy nhưng gia đình luôn lâm vào cảnh túng quẫn. Chị lo đàn con phải thất học giữa chừng.
"Cuộc sống phía trước còn biết bao thứ để lo toan, nhất là tương lai cho ba đứa con thơ dại. Chỉ mình tôi biết phải xoay xở thế nào đây. Số tiền vay mượn cho chồng đi chữa trị lên đến hàng trăm triệu đồng suốt mấy năm rồi chưa trả được, lãi mẹ đẻ lãi con trong khi chồng vẫn nằm một chỗ, đàn con nheo nhóc.
Giờ tôi còn khỏe, còn càng đáng được. Nếu chẳng may tôi đổ bệnh thì cuộc sống của cả gia đình tôi sẽ như thế nào đây. Tôi chỉ ước chồng nhanh chóng bình phục để cùng tôi gánh vác cuộc sống, chăm lo cho đàn con", chị Hoa khóc nghẹn.
Gia đình chị Hoa thuộc hộ nghèo của xã.
Ông Vũ Đức Liên (trưởng thôn Đồng Trổ) cho biết, gia đình chị Hoa là một trong những hộ nghèo của xã. Từ ngày anh Thuận gặp nạn, sống đời thực vật, một mình chị bươn chải ngược xuôi, vừa chăm chồng vừa nuôi 3 đứa con nhỏ nên vô cùng khó khăn.
Hoàn cảnh gia đình chị cần lắm sự chung tay chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm.