Tin mới

Gặp Du học sinh Mỹ bóc mẽ về Phạm Hương và cuộc thi HHHV

Thứ tư, 23/12/2015, 18:02 (GMT+7)

Gặp Du học sinh Mỹ bóc mẽ về Phạm Hương và cuộc thi HHHV

Mới đây, hành trình Miss Universe 2015 chính thức kết thúc với vương miện thuộc về thí sinh Philippines theo một cách khá ồn ào và hy hữu. Sự thất bại của Phạm Hương trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn Vũ 2015 đã để lại nỗi buồn lớn cho rất nhiều người Việt Nam yêu mến và ủng hộ cô. Tuy nhiên, một du học sinh Việt Nam tại Mỹ lại đưa ra những nhận định hoàn toàn khác đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trong thời gian gần đây.

Được biết chàng trai này là Nguyễn Siêu sinh năm 1995, cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Nguyễn Siêu hiện là sinh viên năm ba ngành Truyền thông và Điện ảnh tại Đại học Vassar, New York. Trước đó, chàng trai này cũng vô cùng nổi tiếng trong giới trẻ Việt khi giành suất học bổng 220.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng) từ một trong những trường đại học có học phí đắt nhất thế giới.

Mới đây, Nguyễn Siêu đã có những chia sẻ thẳng thắn quan điểm của bản thân về bài viết gây sốt khắp mạng xã hội vừa qua

Bạn đang rất nổi tiếng trên mạng xã hội với bài viết "bóc mẽ về Phạm Hương và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ" vừa mới tổ chức. Bạn có suy nghĩ gì khi viết bài đó?

Mình chưa từng có ý định “bóc mẽ” Hoa hậu Phạm Hương. Mục đích của mình là đem đến những thông tin đầy đủ hơn về cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, và bày tỏ ý kiến cá nhân về sự kiện này dưới góc độ một sinh viên Truyền thông. Điều này không liên quan một cách cá nhân tới hoa hậu Phạm Hương. Trong thời gian qua, theo dõi diễn biến truyền thông tại Việt Nam, mình thấy thông tin về cuộc thi này tràn ngập trên nhiều mặt báo, dẫn đến rất nhiều kỳ vọng của độc giả về khả năng chiến thắng của chị Hương.

Tuy nhiên, mình nhận thấy, bên cạnh sự kỳ vọng ấy cũng cần có những hiểu biết về bản chất của cuộc thi này, cũng như những cuộc thi Hoa hậu nói chung, để có một cái nhìn toàn diện và thấy đáo hơn. Đây không chỉ là một cuộc thi khách quan đơn thuần, không chỉ đơn giản là “nếu bạn đẹp và giỏi, bạn sẽ đoạt vương miện.” Đằng sau nó có rất nhiều yếu tố phức tạp khác. Mình muốn mang đến những suy nghĩ này để mọi người cùng xem xét.

Bài viết của bạn nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, tuy nhiên cũng không ít "gạch đá" từ dư luận. Bạn có bị áp lực không trước những chỉ trích này?

Vì đây là một ý kiến cá nhân, sử dụng những kiến thức và quan sát của riêng mình để lập luận, mình hiểu rằng cũng sẽ có nhiều ý kiến phản biện. Do mình đưa ra quan điểm để mọi người cùng suy nghĩ, chính việc tồn tại những ý kiến trái chiều sẽ tạo điều kiện cho việc thảo luận, và khi những ý kiến trái chiều gặp nhau, mọi người sẽ cùng tư duy và học hỏi lẫn nhau.

Đây là cách để giúp chúng ta tự xây dựng góc nhìn của bản thân mà không chỉ đơn thuần nghe theo đám đông. Vì vậy, với những ý kiến phản biện một cách văn minh, lịch sự, thì mình rất đón nhận.

Bạn thấy các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam và trên thế giới giống và khác nhau như thế nào?

Mình thấy các cuộc thi nhan sắc cũng như những chương trình giải trí khác. Người ta tổ chức vì có nhu cầu người thi và nhu cầu người xem. Ở Việt Nam, mình quan sát thấy các cuộc thi Hoa hậu được rất nhiều người quan tâm.

Tại Mỹ, nơi mình đang theo học, mình thấy những người xung quanh mình không quan tâm tới mức như vậy. Khi chương trình giải trí này diễn ra, rất nhiều bạn tại Việt Nam cổ vũ cho chị Hương và gọi đó là “lòng tự hào dân tộc.” Điều này không sai, nhưng mình nghĩ những vấn đề khác như xã hội, văn hoá, giáo dục,... những điều ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của số đông, của “dân tộc,” cũng xứng đáng được quan tâm như vậy.

Theo quan điểm cá nhân bạn, thì liệu có cần tổ chức một cuộc thi sắc đẹp?

Mình nghĩ không cần tổ chức một cuộc thi sắp đẹp. Thứ nhất, thứ hạng của cuộc thi sắp đẹp phụ thuộc vào câu hỏi “Ai đẹp hơn ai?” Tuy nhiên, thẩm mĩ thì không thể có tiêu chuẩn, rằng mắt thế nào thì “đẹp,” miệng thế nào thì “xinh.”Tất cả mọi thứ đều là những ý kiến chủ quan của một hội đồng giám khảo, những người dù theo dõi sát sao thế nào thì cũng không thể hiểu hết về các thí sinh. Thử hỏi, bạn có muốn để một người khác chỉ nhìn và đánh giá xem bạn đáng giá bao nhiêu điểm hay không?

Thứ hai, mình luôn tin mọi người sinh ra đều công bằng, đều như nhau. Việc xếp ai “đẹp” hơn ai là đi ngược lại lẽ đó. Việc tôn vinh một người hơn mọi người có thể gây ra nhiều hậu quả. Nhẹ là tự ái, tủi thân. Nặng là có thể dẫn đến suy nghĩ “mình phải đẹp như họ, nên mình phải đi phẫu thuật chỉnh hình.” Điều này khiến bạn quên rằng, ngoại hình mình do cha mẹ cất công sinh ra, thì ai cũng đẹp, và xứng đáng được đẹp.

Là một người học về truyền thông, bạn có thể nói một chút về cách công chúng Mỹ và Việt tiếp cận thông tin?

 Tại Mỹ, theo quan sát của mình, mọi người tiếp cận thông tin một cách khá độc lập, theo dõi những lĩnh vực bản thân mình quan tâm. Văn hoá Mỹ thiên về cá nhân hơn cộng đồng, đề cao cái “tôi” hơn cái “ta,” nên đây là điều hiểu được.

Ngoài ra, tại Mỹ, các phương tiện truyền thông – báo chí cũng hoạt động khá độc lập. Độc giả được tiếp xúc với nhiều ý kiến khác nhau, sử dụng tư duy phản biện của mình để không chỉ đi theo đám đông một cách mù quáng. Tất nhiên, đây không phải tất cả, nhưng là một đặc điểm nổi bật mà mình quan sát được.

Truyền hình hiện nay ngập tràn các chương trình truyền hình thực tế, em có ý kiến gì về  các chương trình đó hiện nay?

Có cung thì có cầu. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, điều quan trọng nhất đối với khán giả của các chương trình truyền hình thực tế là: giải trí một cách tỉnh táo.

Giang Trần

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news