(Tinmoi.vn) - Hủ tục tẩy trần cho các góa phụ nhằm cắt duyên âm với người chồng quá cố còn các bé gái mới 6 tuổi đã phải tham gia lớp huấn luyện tình dục vẫn còn tồn tại ở Malawi
Từ “tẩy trần” góa phụ...
Theo quan niệm của người dân Malawi và nhiều nước khác ở châu Phi khi người chồng chết đi, mối quan hệ với vợ vẫn còn tồn tại, linh hồn người chồng sẽ quấy nhiễu góa phụ. Vì thế nghi lễ cuối cùng để kết thúc đám tang là góa phụ phải ngủ với một người đàn ông lạ để làm… thanh khiết cơ thể và linh hồn.
Theo người Malawi, nếu không làm như vậy thì không cắt được mối ràng buộc giữa người sống và người chết, người dân trong làng cũng sẽ bị vạ lây, bị phát điên hoặc mắc nhiều bệnh tật khác.
Chính vì thế, cần phải có người đàn ông đứng ra làm nhiệm vụ “tẩy trần”, giúp cắt đứt mối ràng buộc giữa góa phụ với linh hồn của chồng, để cứu rỗi người phụ nữ và cả dân làng.
Góa phụ ở Malawi buộc phải thực hiện nghi lễ tẩy trần cắt duyên âm
Ông Amos Machika Schisoni - một người có thâm niên hành nghề “tẩy trần” cho các góa phụ cho biết, theo truyền thống trong một đêm, ông sẽ phải ngủ với góa phụ, sau đó lần lượt đến những người vợ của mình.
Cũng theo lời Schisoni, ông không bao giờ sử dụng bao cao su khi “làm việc”. Bởi theo quan niệm của người Malawi, người góa phụ sẽ không được tẩy rửa sạch sẽ nếu “người làm thanh khiết” dùng bao cao su. Theo ông Amos, công việc của ông là nghĩa vụ, vì nếu ông không làm điều đó, người góa phụ sẽ bị mắc hội chứng phù nề, tiêu chảy và thiệt mạng. Những đứa con của cô ta cũng vậy.
Trong khi đó, ba bà vợ của ông Amos đều ủng hộ công việc của chồng, một phần vì khoản thu nhập mà chồng họ mang về. Trước đây, chi phí cho việc “tẩy trần” là một con gà thì hiện nay đã quy thành tiền mặt lên đến 50 USD. Đây thực sự là một khoản tiền lớn khi thống kê cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay tại Malawi chỉ chưa đến 1 USD mỗi ngày.
Đến trại huấn luyện tình dục
Trong các ngôi làng phía Nam Malawi, các bé gái sắp trở thành thiếu nữ sẽ phải tham dự các nghi thức trưởng thành ở một một trại huấn luyện tình dục. Dù chỉ mới lên 10 tuổi, thậm chí là 6 - 7 tuổi nhưng các em nhỏ Malawi đã bị buộc phải học về quan hệ tình dục.
Nhiều em nhỏ đã bị hoảng loạn khi lần đầu chứng kiến những “bài học” tại trại huấn luyện đặc biệt này. Các giáo viên ở đây nói nếu không học để thoát được lớp “bụi” trẻ con, những thiếu nữ này sẽ bị bệnh và xã hội tẩy chay.
Trẻ em Malawi được dạy về quan hệ tình dục từ khi mới 6-7 tuổi
Grace Marcy, 15 tuổi, ở làng Golden, Mulanje, miền Nam Malawi, từng trải qua 1 tuần đen tối tại trại huấn luyện tình dục khi mới 10 tuổi. Grace cho biết đến giờ vẫn còn bị ám ảnh về khóa đào tạo đó. Cũng giống như các cô gái khác trong làng, Grace đã được gửi đến trại huấn luyện tại một địa điểm gần nhà. Những bé gái ở lại đó một tuần.
Theo Grace, bạn bè của cô bé cũng không có sự lựa chọn, họ bị cha mẹ và người giám hộ ép phải đi. Khi đến trại, một người đàn ông, có biệt danh là một “linh cẩu” hoặc fisi, sẽ quan hệ tình dục với các cô gái mới lớn như là một phần của nghi thức. “Linh cẩu” này không hề sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ với các bé.
Khó xóa bỏ tận gốc
Ở Malawi, hơn 10% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 49 bị nhiễm HIV/AIDS. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Malawi xếp thứ 10 thế giới về số lượng các cuộc hôn nhân trẻ em, với một nửa số trẻ em ở đất nước này kết hôn trước tuổi 18. Còn theo UNICEF thì quốc gia này cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao nhất thế giới, các bà mẹ “tuổi teen” chiếm 35% tổng số các ca mang thai ở Malawi.
Theo thống kê, tại các nước châu Phi, cứ 10 người bị AIDS thì 6 người là nữ giới. Một phần nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ ở đây mắc căn bệnh thế kỷ chính là hủ tục “tẩy trần” góa phụ khiến căn bệnh lây lan mạnh hơn. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ hơn vì Malawi vẫn duy trì chế độ đa thê.
Nhận thức được sự nguy hiểm của vấn đề, trong thời gian qua, giới chức Malawi cũng như các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền thực hiện nhiều chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đẩy lùi các hủ tục, trong đó có tục “tẩy trần” góa phụ. Tuy nhiên, kết quả đạt được dường như vẫn chưa cao vì những hủ tục đó đã bám sâu vào suy nghĩ của người dân.
Minh Hiếu