Mỗi khi cơn đau tái phát, Bằng lại gào thét lên một cách vô thức khiến ai nấy chứng kiến đều xót thương, chạnh lòng. Người mẹ chỉ biết ôm con vào lòng, dỗ dành như đứa trẻ lên ba, khóc thương cho số phận nghiệt ngã của con mình.
Đó là hoàn cảnh éo le, bất hạnh trong ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Linh và đứa con bị bệnh bại não Vũ Công Bằng (SN 1977), trú tại thôn 10 xã Tượng Văn (Nông Cống, Thanh Hóa).
Về thôn 10 xã Tượng Văn (Nông Cống, Thanh Hóa) hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Linh có người con trai bị bại não suốt nhiều năm qua thì ai nấy đều cảm thương cho gia cảnh đắng đót của người mẹ nghèo khổ này. Tuổi thanh xuân của người con trai duy nhất trong gia đình cứ thế trôi đi trong những cơn đau dữ dội khi căn bệnh bại não hành hạ. 9 năm qua là khoảng thời gian Bằng phải sống dựa vào những thứ thuốc đắt tiền để duy trì cuộc sống “thực vật” của mình mà bệnh tình thì vẫn không thuyên giảm, tiến triển khả quan gì.
Đến thăm gia đình chị Linh vào một buổi chiều muộn, người đàn bà khom lưng đang bưng chậu nước để vệ sinh cho đứa con bại não của mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, thi thoảng chị lại không kìm được những giọt nước mắt chực trào trên đôi mắt hốc hác, nhăn nheo, chị tâm sự “Chỉ thương nó mỗi khi bệnh tật hành hạ, nhìn con đau đớn, kêu thét vô thức mà lòng người mẹ quặn thắt thương cho số phận trớ trêu của con mình...”.
Vợ chồng chị Linh bên cậu con trai tật nguyền của mình |
Bà kể lại, hôm đó là ngày chủ nhật anh có đưa tù nhân đi làm ở trong trại giam, đến chiều thì đi chơi cùng anh em trong cơ quan. Gần tối mà vẫn chưa thấy về, linh tính người mẹ mách bảo con trai mình đã xảy ra chuyện gì không hay, đêm hôm đó tôi không tài nào chợp mắt được. Sáng ra thì nhận được tin con mình đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, hai vợ chồng quáng quàng đi xe lên chăm nom nó. “Vợ chồng tôi như chết lặng khi nghe các bác sĩ kết luận bệnh tình của con trai mình, 1/3 đầu bị biến dạng xương sọ, khả năng bình phục là vô cùng hiếm hoi, quãng thời gian còn lại của cuộc đời nó phải sống thực vật…”. Giọt nước mắt người mẹ khổ đau lăn dài xuống hõm má đen gầy khi tâm sự với chúng tôi.
Mọi sinh hoạt cá nhân trên chiếc giường cũ kỹ, xập xệ ấy đều dựa vào sự chăm sóc của người thân trong gia đình. Hàng ngày, Bằng chỉ ăn cháo và uống sữa vì cơ thể anh không hấp thụ được những thức ăn khác, hễ cứ ăn những thứ lạ vào rồi lại nôn thốc nôn tháo ra ngoài. Nhiều đêm nhìn con thét lên đau đớn mà lòng người mẹ nghèo khổ này lại quặn thắt thương con, chỉ biết ôm mặt mà khóc.
Bàn tay thô ráp, run rẩy cầm những lá thư trên tay mà Bằng gửi về cho gia đình cách đó không lâu đọc cho chúng tôi nghe, thi thoảng giọng chị lại chùng xuống, nghẹn ngào vì trong sâu thẳm tâm can chị không nghĩ rằng đó là những nét chữ cuối cùng mà con mình viết được lại chan chứa như thế. Bà nói “Nó viết thư về, bảo là sang năm con lấy vợ để bố mẹ có cháu bồng bế cho vui cửa vui nhà, báo hiếu cha mẹ. Thế mà…”. Nói đoạn, bà Linh nghẹn ngào, nước mắt lại lăn dài trên hai khóe mắt già nua. Chị cho biết thêm, khi Bằng còn đang học ở trường trung cấp cảnh sát 2 có người yêu quê ở Bình Phước, hai người đã hứa hẹn và chuẩn bị làm đám cưới thì chuyện xảy ra như vậy.
Được biết, tiền thuốc men gia đình chị phải mua để điều trị cho bệnh tình của con vô cùng tốn kém. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, lương trợ cấp mà Bằng nhận được hàng tháng cũng chỉ 180 nghìn đồng. Bản thân anh Lương (chồng chị) là một sĩ quan đã về hưu, lương ba cọc ba đồng cũng không đủ để mua thuốc cho con. Mọi của cải trong gia đình cũng dồn hết vào việc điều trị bệnh nên kinh tế thêm kiệt quệ, túng thiếu mà bệnh tình cũng không có tiến triển khả quan gì.
Chia tay gia đình chị, chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm cho số phận nghiệt ngã của Bằng. Trong đôi mắt của người mẹ nghèo khổ, bất hạnh này vẫn ánh lên những hi vọng một ngày nào đó, sức khỏe con mình sẽ tiến triển khả quan hơn.
Nguồn: Gia Đình Việt Nam