Tin mới

Giá của một đứa trẻ là bao nhiêu?

Thứ năm, 07/08/2014, 11:10 (GMT+7)

Biết bao trẻ em bị mua đi bán lại một cách dễ dàng với giá chỉ từ 10 – 20 triệu. Giá một đứa trẻ rẻ là vì trách nhiệm của con người quá rẻ!

Biết bao trẻ em bị mua đi bán lại một cách dễ dàng với giá chỉ từ 10 – 20 triệu. Giá một đứa trẻ rẻ là vì trách nhiệm của con người quá rẻ!

Có một lần tôi đi chùa Hải Ninh ở Hải Phòng, thấy một người phụ nữ bế một em bé vài tháng tuổi, chị ta có vẻ là mẹ của bé. Chị ta bế bé ngồi lê lết ở đường vào chùa, nói lảm nhảm những câu gợi lòng thương từ mọi người và xin những đồng tiền lẻ của người đi chùa. Trong số những người ăn xin ở chùa, chị phụ nữ với cháu bé này xin được nhiều tiền nhất. Rồi mấy lần đi chùa sau tôi vẫn gặp chị ta và cháu bé ngồi vật vờ bên đường vào chùa như thế.

Tôi quan sát thấy chị ta không cho bé bú. Chị ta cho cháu uống nước lọc, nhai cơm nguội và vài nắm xôi mớm cho cháu ăn. Tôi đoán chị ta không phải mẹ ruột cháu bé. Tôi hỏi chuyện chị ta, chị ta lấp liếm việc cháu bé có phải con của chị ta hay không? Và thấy tôi hỏi gắt gao như công an, chị ta sợ, hôm sau tôi không thấy chị ta nữa. Tôi hiểu rằng, đó là một cháu bé bị bỏ rơi, được ai đó nuôi để bắt làm nô lệ.
Lần tôi sinh, đầu năm 2012, phòng hậu sinh của tôi có một cô gái trẻ đang là sinh viên vào phòng với một bé gái xinh đẹp. Cô gái đẻ dễ dàng, không vật vã như tôi và một số người phụ nữ ở đây. Cô sinh xong, cái tã của con cũng không có. Đứa bé nằm tím ngắt, không khóc nổi. Những bà mẹ trẻ ở phòng như tôi tá hỏa gom góp tã, bỉm, chăn để làm ấm cho cô bé. Vừa làm công việc đó, chúng tôi mắng té tát người mẹ trẻ kia. Cô ta không nói gì, chỉ lấy tay gạt nước mắt. Đến tối, gia đình cô ta đến, có cả mẹ đẻ của cô ta. Mẹ cô ta giải thích về việc sinh đẻ bất đắc dĩ của con gái mình.

 

Những ông bố, bà mẹ khi sinh con ra, xin hãy dạy con: Tất cả những đứa trẻ sinh ra trên đời đều không là tài sản của ai, đó là thế hệ kế tiếp, là máu thịt của người cha, người mẹ. (ảnh minh họa)

Cô gái không cho con bú, trộm vía, em bé rất ngoan. Biết hoàn cảnh cô gái, mẹ tôi ngỏ lời xin đứa bé cho bà dì ruột nhà tôi. Gia đình tôi sẽ bồi dưỡng cho cô gái 10 triệu đồng. Tuy nhiên, bà mẹ cô gái từ chối, nói là người nhà cô gái sẽ nuôi đứa trẻ. Chúng tôi tôn trọng quyết định đó của gia đình và cho rằng điều đó tốt cho đứa trẻ vì sau này mẹ nó đủ điều kiện sẽ chăm sóc nó. Qua tâm sự với cô gái, tôi vỡ ra rằng: Mẹ cô gái đã bán cháu ngoại mình cho một người xa lạ với giá 20 triệu đồng.

Đó là những câu chuyện có thật mà tôi chưa dám kể. Tim tôi như có ai bóp chặt và nước mắt tôi rơi vì tôi cũng là một người mẹ, cũng từng mang thai 9 tháng 10 ngày. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đứa trẻ trong bụng mình cử động từ cái cử động nhỏ nhất khi con bước sang tháng thứ 4 đến lúc con thúc đau điếng người và rồi con ra đời để tôi bế, tôi ôm, tôi cho con bú mớm,… Đứa trẻ gắn bó với tôi như máu thịt và tôi không thấy lí do gì để ai đó mang một đứa con mình đẻ ra đi cho, đi bán!

Sinh ra một đứa trẻ là chúng ta đã nợ nó một tương lai. Tôi đã phát điên với một cô gái có bầu hơn 5 tháng và bỏ con chỉ vì bố đứa bé không chịu cưới cô ta và cô ta sợ gia đình sẽ chửi mắng! Tôi không cắt nghĩa được đâu là giá trị tình người và đâu là danh dự và sự tự trọng của một con người?

Tôi không tin vào chuyện khác máu tanh lòng, nhưng hình như đó là sự thật. Có rất nhiều người đón nhận một đứa trẻ không phải con ruột của mình để biến nó thành công cụ. Tôi bị ám ảnh bởi những đứa trẻ tí tuổi đầu phải đi ăn xin, giả câm, giả điếc để mọi người thương, cho tiền. Tôi sợ cảnh những đứa trẻ đó đến xin người ta bị trêu chọc, bị nói những câu xoáy nghe đau điếng. Tôi đau lòng bởi thái độ nhẫn nhịn của những đứa trẻ đó. Có quá nhiều những đứa trẻ như thế ngoài đường…

 

Những đứa trẻ nhỏ đã đi bán hàng rồi ăn xin khắp nơi, vì sao vậy? (ảnh minh họa)

 

Có rất nhiều người mua đứt, bán gọn đứa con mình sinh ra, trao cho ai không quan tâm chỉ biết có người nhận là tốt. Tôi đau lòng gọi những đứa trẻ đó là những đứa trẻ hên xui. Trăm đứa, nghìn đứa mới có đứa gặp người tốt, có trách nhiệm, còn lại chúng sẽ bị ngược đãi. Có nhiều đứa trẻ chết trong thùng rác hoặc chết thương tâm ngoài đường. Nhiều khi tôi tự hỏi: Nó sống vật vờ đỡ vô lương tâm hơn hay nó chết ngay khi đẻ đỡ vô lương tâm hơn? Và khi tôi đặt ra câu hỏi như vậy tôi thấy suy nghĩ của mình khốn nạn vô cùng! Tôi đã phải chửi rủa mình rất nhiều lần vì những suy nghĩ như vậy.

Trường hợp như cháu bé bị bỏ rơi rồi bị bán ở chùa Bồ Đề chỉ là một ví dụ của chuyện khác máu tanh lòng. Cháu bé đã mất, tôi nghĩ cháu đã không được chăm sóc đúng cách. Cửa Phật từ bi cũng chỉ đón được cháu chứ không thể cứu vớt được tất cả những số phận như cháu. Nếu công an không vào cuộc, không ai biết cháu còn hay mất. Và người mẹ của cháu có thể cũng chẳng còn nhớ đến cháu nữa rồi!

Những ông bố, bà mẹ khi sinh con ra, xin hãy dạy con: Tất cả những đứa trẻ sinh ra trên đời đều không là tài sản của ai, đó là thế hệ kế tiếp, là máu thịt của người cha, người mẹ. Chúng ta giáo dục những nam thanh nữ tú yêu đương đứng đắn, lý thuyết là thế nhưng chúng ta không bảo chúng trách nhiệm cơ bản khi chúng vô tình có thai. Chúng ta quá coi trọng cái mặt mà thờ ơ với những giá trị khác. Mặt con người càng dầy với giá trị và trách nhiệm thì càng có nhiều những đứa trẻ vô tội bị mua đi bán lại hoặc bị bỏ rơi.

Chuyện những đứa trẻ như cháu Công ở chùa Bồ Đề có thể chỉ là viên đá mà các cơ quan truyền thông ném lay động lòng con người một chút, sau đó lại im lặng. Bởi những đứa trẻ mới sinh ra, chúng có biết gì đâu mà đòi hỏi quyền lợi cho chúng? Giá một đứa trẻ rẻ là vì trách nhiệm của con người quá rẻ!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news