Giáo sư Ngô Bảo Châu hài hước chia sẻ, khi được làm toán, GS có cảm giác như được đối diện với người yêu lâu ngày không gặp.
Ngày 11/9, Giáo sư Ngô Bảo Châu có buổi trò chuyện với người đọc thủ đô về chủ đề tình yêu và toán học, trong khuôn khổ Hội sách mùa thu Hà Nội 2016.
Buổi trò chuyện xoay quanh cuốn sách Tình yêu và toán học của Edward Frenkel mà GS Ngô Bảo Châu trực tiếp viết lời giới thiệu.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Lao động |
VOV ghi lại lời chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu về con đường ông đến với toán học. Theo đó, ban đầu GS chọn học chuyên Toán là do sức ép từ gia đình, nhưng sau đó càng đi sâu, ông càng thích thú với môn học này.
Khi bản thân không thể tìm ra lời giải một bài toán khó mà phải lén xem đáp án, ông cảm thấy “uất ức” vì đã thua trong cuộc chiến với chính bản thân mình. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, chúng ta chỉ có thể tiến bộ khi cảm nhận được "sâu sắc sự dốt nát của chính mình".
"Nhờ lúc nào cũng có sự nhiệt huyết như vậy nên lên lớp 7, lớp 8, tôi đã học tốt tất cả các môn, trong khi trước đó, vào năm lớp 6 và lớp 7 tôi đã rất vất vả”, GS Châu kể.
Nói về tình yêu toán học, trên Zing.vn ghi lại lời GS Ngô Bảo Châu cho hay, loài người đã cố định nghĩa tình yêu suốt hàng nghìn năm nay nhưng không thành, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện của nó, chẳng hạn như "gặp thì vui, lâu không gặp thấy nhớ nhung".
Tình cảm GS Ngô Bảo Châu dành cho toán học cũng như vậy. Ông hài hước tâm sự: "Trong 2 tháng về Việt Nam, do bận bịu với các hoạt động công tác xã hội, tôi nhớ toán kinh khủng. Nếu các bạn thấy tôi có vẻ khó chịu, các bạn hãy nhớ rằng lâu rồi tôi không có thời gian làm toán. Vì vậy, tôi chỉ muốn đánh nhau thôi! Khi làm toán, tôi có cảm giác như được đối diện với người bạn, người yêu đã lâu ngày không gặp".
Để học tốt môn toán, bí quyết học toán của GS Ngô Bảo Châu là phương pháp hệ thống hóa: “Khi làm một đề toán, tôi thường nhớ đến những dạng bài tương tự đã làm, chúng giống nhau, khác nhau ở điểm nào về cố gắng hệ thống hóa lại để sau đó, bạn không phải nhớ đến hàng nghìn, hàng triệu dạng bài khác nhau. Ngoài ra, tôi cũng rất khắc nghiệt với bản thân mình trong việc tự tìm ra lời đáp thay vì dễ dàng chấp nhận để người khác giải thích cho mình. Thậm chí, ngay khi có lời giải trong tay, tôi vẫn không bằng lòng với nó mà phải tìm lời giải hay hơn”, Zing.vn ghi lại lời GS Ngô Bảo Châu.
Ngoài ra, mỗi một lứa tuổi cần có phương pháp đọc sách khác nhau. Ông không khuyến khích việc đọc quá nhiều, ông cho rằng điều quan trọng là người đọc cần xác định mục đích của bản thân và tự biết đặt ra những câu hỏi trong quá trình thu nạp kiến thức.
Cũng trong buổi trò chuyện, GS Ngô Bảo Châu đã giới thiệu một số đầu sách về khoa học theo hướng mới như Làm quen triết học qua biếm họa, Làm quen kinh tế học qua biếm họa – Kinh tế vi mô, Làm quen kinh tế học qua biếm họa – Kinh tế vĩ mô, Làm quen thống kê qua biếm họa và tác dụng của nó với độc giả.
Lê Vy (tổng hợp)