Bất đắc dĩ dạy trái chuyên môn
Mới đây, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết, đã có báo cáo về việc dạy thừa giờ do thiếu giáo viên năm học 2022-2023.
Theo báo cáo, tổng số học sinh toàn Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác là 923 học sinh; có 22 lớp, trong đó bậc THCS là 20 lớp với 834 học sinh và bậc THPT 2 lớp với 75 học sinh.
Trong khi đó, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường có 25 biên chế. Số giáo viên THCS và THPT của toàn trường là 24 giáo viên (trong đó 5 giáo viên hợp đồng 102 dạy THPT).
Bà Châu Thị Hồng Nhạn – Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác cho biết, so với quy định, toàn trường hiện thiếu 16 giáo viên (3 giáo viên Toán; 2 giáo viên Ngữ văn; 1 giáo viên Vật lý; 1 giáo viên Địa lý; 3 giáo viên tiếng Anh; 1 giáo viên Thể dục; 1 giáo viên Tin học, 1 giáo viên Lịch sử; 1 giáo viên Giáo dục công dân; 1 giáo viên Sinh học; 1 giáo viên Công nghệ).
Trước tình trạng thiếu giáo viên nói trên, bộ phận chuyên môn của nhà trường đã phân công cho một số cán bộ, giáo viên dạy thừa giờ, với tổng số tiết 4.306 tiết trong học kỳ I năm học 2022-2023.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác cho hay, việc thiếu nhân lực khiến các giáo viên trong trường phải làm việc gấp đôi số giờ so với quy định và đối diện với nhiều áp lực. Đơn cử, 1 giáo viên tiếng Anh văn của trường phải đảm nhận 38 tiết/tuần, trong khi theo quy định là 19 tiết. Tương tự, 1 giáo viên Tin học phải dạy 27 tiết, theo quy định là 19 tiết.
Bên cạnh đó, có 5 giáo viên hợp đồng 102 (dạy các môn Toán THPT, Vật lý, Giáo dục quốc phòng, Thể dục, tiếng Anh) vừa phải dạy THPT vừa phải hỗ trợ dạy cấp THCS. Tương tự, có 6 giáo viên (dạy các môn Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) của cấp THCS phải hỗ trợ dạy cho các lớp THPT.
Không những thế, tình trạng thiếu giáo viên cũng khiến nhiều giáo viên bất đắc dĩ phải dạy trái chuyên môn. Theo đó, nhiều trường hợp giáo viên Ngữ văn phải đi dạy Địa lý; giáo viên Thể dục phải đi dạy công nghệ; giáo viên Âm nhạc đi dạy Công nghệ... Việc dạy trái chuyên môn không chỉ khiến cho các giáo viên mất nhiều thời gian để tìm hiểu, xây dựng kế hoạch giảng dạy mà còn không đảm bảo chất lượng bài giảng. Điều này là một thiệt thòi lớn cho học sinh trong quá trình học tập.
Cô Chu Thị Thương, giáo viên dạy môn Sinh học của Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác chia sẻ: “Mỗi tuần, tôi phải dạy đến 31 tiết, trong khi đó theo quy định là 18 tiết. Tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian qua khiến chúng tôi cũng không có thời gian để chăm lo cho gia đình và đầu tư nâng cao chuyên môn, chất lượng mũi nhọn”.
Theo bà Châu Thị Hồng Nhạn, việc dạy thừa giờ do thiếu giáo viên đã diễn ra 3 năm nay tại trường. Nguyên nhân do số lớp, số học sinh tăng so với trước (cụ thể tăng 3 lớp THCS, với 120 học sinh so với năm học 2021-2022, chưa kể số lớp và số học sinh THPT). Mặt khác, do tách trường nên 1 số giáo viên THCS đã chuyển công tác sang các trường khác trong địa bàn huyện Tuy Đức.
Nhu cầu lớn nhưng được giao bổ sung nhỏ giọt
Đáng nói, tình trạng giáo viên xảy ra không chỉ riêng tại Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác mà hiện hữu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo số 442/BC-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh Đắk Nông đang thiếu nhiều so với định mức. Cụ thể, cấp mầm non thiếu 217 người; cấp tiểu học 387 người; cấp THCS 245 người và cấp THPT 117 người.
“Việc thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác và sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định” – báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông nêu rõ.
Bên cạnh đó, do thiếu giáo viên nên một số huyện, thành phố chỉ có thể thực hiện tuyển sinh đối với học sinh từ 5-6 tuổi trở lên, chưa thể thực hiện việc tuyển sinh đối với học sinh từ từ 3-4 và 4-5 tuổi. Mặt khác, ở những điểm trường chính trung tâm do thiếu giáo viên nên phải thực hiện việc dồn lớp dẫn đến số lượng học sinh cao, vượt quá quy định về số lượng học sinh/lớp.
Ông Lê Xuân Thuận – Trưởng phòng Tổ chức bộ máy (Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông) cho biết, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều năm nay và thiếu trầm trọng từ năm học 2018-2019. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Chẳng hạn, giảm số lượng nhân viên trường học (y tế, văn thư, thủ quỹ, kế toán) để tăng cường giáo viên đứng lớp. Đồng thời, rà soát nơi thừa, nơi thiếu để điều chỉnh kịp thời. Thế nhưng, đến nay tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục được.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên nói trên, ông Thuận cho hay, thực hiện công tác tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Trung ương Đảng thì Đắk Nông là một trong những tỉnh phải tinh giản 10% biên chế sự nghiệp trong giai đoạn 2016-2021.
Mặt khác, tỉnh Đắk Nông là vùng kinh tế mới, thu hút nhiều nguồn lao động về địa phương sinh sống, làm việc và học tập. Do đó, tình hình tăng dân số tự nhiên, dân số do di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và các tỉnh Tây Nam bộ đến sinh sống và làm việc tại tỉnh. Từ đó, dẫn đến việc tăng nhu cầu về học tập, khám chữa bệnh...
Không chỉ vậy, do đặc thù về địa hình nên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có những điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỉ lệ học sinh (10-15 học sinh) trên lớp thấp nhưng vẫn phải duy trì. Bởi nếu sáp nhập điểm trường với các điểm trường chính ở trung tâm thì các em học sinh sẽ phải đi một quãng đường khá xa, các khó khăn cách trở dẫn đến việc bỏ học.
Ngoài ra, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở cấp tiểu học, lớp 3 đã bắt buộc học môn tiếng Anh, Tin học; cấp THPT có môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước chưa đào tạo bổ sung kịp thời số lượng giáo viên các môn học này để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Điều đó dẫn đến thiếu nguồn giáo viên ở các môn học tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chưa tuyển dụng số biên chế được giao.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Bộ Nội vụ xem xét ban hành cơ chế ưu tiên trong công tác tinh giản biên chế, không thực hiện tinh giản 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc giảm tỉ lệ về 5% trong giai đoạn 2022-2026 đối với các tỉnh, thành là vùng núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tỉnh Đắk Nông.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao bổ sung số lượng người làm việc để tỉnh tuyển dụng thêm giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023 là 966 người.
Mặt khác, xem xét cho chủ trương để địa phương có thể thực hiện việc ký hợp đồng giáo viên (ngoài số lượng biên chế sự nghiệp được giao) để đảm bảo nhu cầu dạy và học; cho chủ trương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có thể thực hiện việc ký hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, sau đề xuất nói trên, tỉnh Đắk Nông chỉ được giao bổ sung 115 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các sự nghiệp giáo dục công lập tỉnh Đắk Nông năm 2022.
“Với số lượng biên chế được giao bổ sung này cơ bản giải quyết được một phần nào chứ không thể đảm bảo giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, nhất là bậc mầm non và tiểu học”, ông Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, trong số chỉ tiêu được giao bổ sung nói trên, có 17 biên chế bổ sung cho cấp THPT nhưng đến nay việc tuyển dụng vẫn chưa thể thực hiện. “Biên chế thì có đó nhưng với các trường ở vùng sâu, vùng xa rất khó tuyển dụng. Bởi, theo quy định mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc tuyển dụng giáo viên cấp 3 trở lên thì phải có trình độ đại học. Bên cạnh đó, không ít trường hợp đã tuyển dụng được giáo viên cho các điểm trường vùng sâu, đặc biệt khó khăn nhưng ngay sau khi nhận hợp đồng hoặc công tác một thời gian ngắn thì giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Do đó, nhiều môn như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật không tuyển dụng được giáo viên”, ông Thuận lý giải.