Tin mới

Gửi TS Đoàn Hương: Không có chuyện Châu Âu sắp bỏ sử dụng tiếng Anh đâu, thưa bà!

Thứ năm, 20/12/2018, 18:55 (GMT+7)

TS Đoàn Hương đã có một nhận định lạ lùng: Trong tương lai rất gần, tiếng Anh sẽ không được sử dụng ở cộng đồng Châu Âu nữa.

TS Đoàn Hương đã có một nhận định lạ lùng: Trong tương lai rất gần, tiếng Anh sẽ không được sử dụng ở cộng đồng Châu Âu nữa.

Tôi đã giật mình khi xem một cuộc trò truyện trên VTV bàn về có nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hay không. Trong cuộc trò chuyện ấy, TS khoa học Đoàn Hương đã đưa ra những nhận định lạ lùng: Nếu Việt Nam chỉ dồn vào tiếng Anh thôi thì không ổn.

 

Vì nước Anh sắp rút khỏi cộng đồng Châu Âu, mà các lãnh đạo trong cộng đồng ấy nói rồi: Việc sử dụng tiếng Anh sẽ hầu như không có.

"Thậm chí có người nói rằng, nước Anh không ở trong cộng đồng Châu Âu nữa thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại, thế lúc đó người ta lấy gì làm chuẩn? Lúc đó tất cả ngôn ngữ của các nước tham gia cộng đồng Châu Âu chính là chuẩn mực, chính thống để giao tiếp.

Nếu Việt Nam khước từ ngôn ngữ khác, mình khênh tiếng Anh sang đấy không ai nói, không ai sử dụng thì làm gì được" – TS Hương khẳng định.

TS Đoàn Hương cũng cho rằng việc bỏ sử dụng tiếng Anh không còn là viễn cảnh nữa mà là chuyện rất gần trước mắt rồi.

Vậy sự thực thế nào?

Quá khứ loạn ngoại ngữ của Việt Nam

Thưa TS Đoàn Hương. Nói một cách ngắn gọn, tôi ủng hộ việc dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 sau tiếng Việt. Nếu chưa được công nhận một cách pháp lý thì ít nhất tiếng Anh cũng phải được phổ cập một cách chiến lược.

Như TS đã biết, đất nước mình vô cùng khổ về ngoại ngữ. Phong kiến Trung Quốc đô hộ hàng ngàn năm và muốn Hán hóa để dân ta dùng chữ Nho, nói tiếng Tàu.

Pháp đến thì cả nước học tiếng Pháp. Hữu hảo với phe XHCN thì học sinh phải tự chọn một trong hai Nga hoặc Trung. Dân du học nước nào ở Đông Âu sẽ học tiếng nước đó cộng với tiếng Nga là bắt buộc.

Một phần tư thế kỷ, giới trí thức miền Nam thạo tiếng Anh hơn tiếng Pháp. Sau 1975, ta chuyển sang tiếng Nga. Liên Xô sụp đổ, không chỉ Việt Nam mà cả Đông Âu cũng bỏ tiếng Nga chạy theo mốt tiếng Anh, Pháp, Đức.

Bỗng Mỹ bỏ cấm vận, dân ta ào đi khắp thế giới và bỗng nhận ra, không biết tiếng Anh thì khó mà hội nhập. Thế là học tiếng Mỹ. Khoảng 30 ngàn sinh viên du học hầu hết ở các quốc gia nói tiếng Anh. Cơn bão tiếng Anh này có từ thời bỏ embargo (cấm vận).

Vị trí địa chính trị của nước ta sinh ra loạn ngoại ngữ. Kha khá trí thức VN sở hữu một mớ hồ lốn tiếng nước ngoài. Xem CV họ ghi rằng, biết tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Bulgaria, Đức, Ba Lan, Hung, Rumani. Nhưng bảo viết một báo cáo bằng tiếng Việt chưa chắc đã xong nói chi mấy ngoại ngữ khai là "biết".

Đã chín muồi cho tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2

Đã đến lúc cần tinh thông tiếng mẹ đẻ và một ngoại ngữ, đó chính là tiếng Anh. Tin từ Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Đề xuất này là hợp lý sau gần một thế kỷ nước nhà loạn ngoại ngữ.

Muốn có 4.0 rồi IoT, muốn trẻ trâu cũng biết lập trình như anh Thành Nam FPT khuyên, thì ít nhất phải biết tiếng Anh. Không thạo sao dịch được tài liệu thế giới, rồi bán sản phẩm đi toàn cầu.

Dân số thế giới khoảng 7,5 tỷ người thì 1,5 tỷ biết tiếng Anh, tương đương với 20% dân số. Khoảng 360 triệu người dùng tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ, đông nhất là ở Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, New Zealand.

Tại châu Á, Ấn Độ đông dân thứ 2 thế giới có khoảng 125 triệu người thạo tiếng Anh, tiếp theo là Pakistan 94 triệu tương đương dân số Việt Nam và Philippines có 90 triệu. Những quốc gia này coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.

Châu Phi với 1,2 tỷ người được thực dân Anh để lại một gia tài 7 triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhưng hơn 700 triệu có thể trao đổi thông dụng.

Đế quốc Tây Ban Nha chinh phục thế giới và để lại một gia tài số dân nói tiếng Tây Ban Nha đông thứ 2 thế giới chỉ sau tiếng Trung. Dân số Trung Quốc 1,4 tỷ nên nói tiếng Trung nhiều nhất thế giới ở Đại lục là điều dễ hiểu.

Trên thế giới, tiếng Anh dùng đứng hàng thứ 3 sau tiếng Trung và Tây Ban Nha, nhưng nói về sự thông dụng trong giao tiếp, tiếng Anh vẫn là số 1. Trên internet có tới 55,5% tài liệu viết bằng tiếng Anh, bỏ xa tiếng Nga, Đức, Pháp, Nhật và tiếng Trung chiếm từ 3 đến 5,5%.

Đề xuất của Bộ trưởng Hùng là hoàn toàn có lý khi coi tiếng Anh là ưu tiên số 2 sau tiếng Việt.

Brexit không thể giết tiếng Anh ở Châu Âu và thế giới

Xem clip trả lời phỏng vấn VTV3 của TS, tôi xin có đôi lời.

Tôi đồng ý với TS là nên thông thạo tiếng mẹ đẻ trước rồi tính đến ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ thứ 2. Một bên là bản sắc dân tộc hòa nhập nhưng không hòa tan như "Singapore song ngữ". Khi ấy con em mình thành "công dân toàn cầu làm đâu cũng được" nhưng vẫn là người Việt.

Bảo tồn văn hóa xong rồi thì cũng phải kiếm sống. Mà kiếm sống ở thời đại toàn cầu hóa là biết tiếng Anh thì đi khắp thế giới, dễ tìm việc hơn là biết tiếng Nga chỉ sang Nga, biết tiếng Trung chỉ sang Bắc Kinh đi buôn chuyến rồi thăm Vạn Lý Trường Thành, và tiếng Tây Ban Nha để du lịch sang Nam Mỹ xem nền văn minh lụi tàn Maya từ 5000 năm trước.

Chọn ngôn ngữ nào là của mỗi cá nhân nhưng chiến lược quốc gia thì phải dựa vào kế hoạch trong 15-20 năm tới định đưa Việt Nam đi về đâu. Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" của Chính phủ VN và Ngân hàng Thế giới nói nhiều về sự thịnh vượng và sáng tạo.

Không biết ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh thì sự sáng tạo sẽ bị hạn chế sau lũy tre làng với rào cản ngôn ngữ, làm sao có thịnh vượng.

Có một câu làm tôi suy nghĩ vì TS cho rằng, với Brexit thì người ta sẽ không dùng tiếng Anh. Thưa TS Hương, có Brexit hay không thì người ta vẫn sử dụng tiếng Anh như cả thế kỷ nay.

Brexit chỉ tác động lên 66 triệu dân Anh về làm ăn (tốt xấu chưa biết) nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến việc nói tiếng Anh của 1,7 tỷ người ở Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ hay nhiều nước khác.

Câu thứ 2 TS nói về ngôn ngữ chính thức của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không có ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh vì quốc gia này có nhiều chủng tộc từ khắp thế giới (Hợp chúng quốc Hoa Kỳ).

Từ năm 1780, TT John Adams từng đưa ra quốc hội bỏ phiếu dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức nhưng bị gạt do ảnh hưởng đến tự do cá nhân được dùng ngôn ngữ riêng.

Hiện có 32 tiểu bang dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, một số bang cho phép dùng tiếng Tây Ban Nha do có tới 50 triệu người dùng ngôn ngữ này.

Tuy nhiên, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ duy nhất trong lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đố ứng viên nào dùng tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Trung đi tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ bởi có 230 triệu người nói tiếng Anh trong tổng 325 triệu dân.

Không có ngôn ngữ chính thức là vì Hoa Kỳ tôn trọng Tuyên ngôn Độc lập "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng"… trong đó bình đẳng được dùng ngôn ngữ của riêng mình.

Nhưng để kiếm sống và tiến thân thì ở Hoa Kỳ phải biết tiếng Mỹ mới mong hội nhập ở 50 bang với 7 múi giờ. Cơ hội thể hiện bản sắc riêng và cơ hội kiếm sống khác nhau.

Thêm một ngoại ngữ là có cơ may hiểu thêm một nền văn hóa, "sống" thêm một cuộc đời. Còn "bài trừ" ngoại ngữ, coi là văn hóa "ngoại lai", là kẻ thù nên không thèm học tiếng của họ như quan niệm trong quá khứ, là một sai lầm lớn, một cách nhìn thiển cận.

Thông thạo ngoại ngữ cũng làm cho "phông" văn hóa của chúng ta được nâng lên, hẳn sẽ giúp nhiều cho sự thay đổi cho cá nhân và cộng đồng.

Ý tưởng coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai là tuyệt vời cho một nước nhỏ có tiềm năng "tầm vóc lớn" như Việt Nam sau một thời sử dụng… đủ loại ngoại ngữ mà chả tiếng nào thông thạo.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news