Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá toàn bộ đề án. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Sở sẽ tham mưu với UBND TP và Bộ GD-ĐT về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, qua kết quả rà soát về nhiệm vụ công tác tuyển sinh lớp 6 chương trình song bằng theo tiến trình thời gian được quy định trong Đề án thì năm học 2021-2022 các trường sẽ chỉ dạy tiếp học sinh được lên lớp 7, 8, 9 mà không tuyển mới học sinh lớp 6.
Lịch trình này cho biết, đến năm học 2023-2024 Hà Nội sẽ dạy nốt khoá học sinh lớp 9 và đánh giá toàn bộ đề án.
Kỳ tuyển sinh chương trình thí điểm đào tạo song bằng lớp 6 là một trong những sự kiện được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm. Nhiều phụ huynh cho rằng, đây là một chương trình có sự tiến bộ vượt bậc hơn so với chương trình THCS bình thường. Học sinh học tại trường công lập vẫn có cơ hội tiếp cận theo hướng giáo dục quốc tế với chi phí “dễ thở”.
Được biết, năm học 2020-2021, toàn thành phố có 3.004 học sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường thí điểm thực hiện chương trình song bằng vào 7 trường THCS với tổng chỉ tiêu 350 học sinh.
Danh sách các trường gồm: THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ); Thanh Xuân (quận Thanh Xuân); Cầu Giấy, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong đó, mỗi trường sẽ tuyển 50 học sinh cho 2 lớp song bằng.
Để tuyển sinh vào hệ song bằng các trường này, học sinh sẽ thực hiện 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm: Toán bằng Tiếng Anh và bài Tiếng Anh. Trong đó, môn Tiếng Anh gồm 2 phần: phần viết (45 phút); phần nghe 30 phút. Bài kiểm tra Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn CAIE thời gian làm bài 60 phút.