Các cụm loa trên địa bàn 4 quận nội thành cũ gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố.
Rất nhiều phàn nàn về loa phường “suốt ngày ra rả, đi làm về không được nghỉ ngơi vì tiếng ồn và đưa thông tin không còn mới nữa”. Ảnhminh họa |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký phê duyệt đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội". Thời gian thực hiện trong năm 2017 và 2018.
Theo đề án này, hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn sẽ được thực hiện sắp xếp lại theo hướng hiệu quả, tối ưu, phân bổ hợp lý, đặt tại địa điểm công cộng, đông dân cư, tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trật tự mỹ quan đô thị.
Cụ thể, duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) đối với các phường thuộc các quận. Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp.
Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Sở TT&TT chủ trì, phối hợp UBND các quận theo dõi, đánh giá hiệu quả, báo cáo UBND Thành phố quyết định phương án sắp xếp chính thức.
Sau khi sắp xếp, cụm loa phải tránh các vị trí trường học, bệnh viện, cơ quan ngoại giao, khu người cao tuổi, khu người nước ngoài sinh sống, khu nhà cao tầng…
Các cụm loa trên địa bàn 4 quận nội thành cũ gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố.
Địa bàn các quận còn lại, chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn như tin địa phương: vận động, tuyên truyền chủ trương, Chính sách, thông báo các trường hợp khẩn cấp, thông báo khám nghĩa vụ quân sự, tiêm chủng, giải phóng mặt bằng, chi trả lương hưu...
Thời gian phát được quy định tối đa 2 buổi (sáng, chiều) một ngày, 5 ngày/tuần (thứ 7, chủ nhật chỉ phát trong trường hợp đặc biệt) và thời lượng tối đa 15 phút/buổi.
Với thị xã Sơn Tây và các huyện, hệ thống loa được tiếp tục duy trì nhưng sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Hệ thống loa tại các địa bàn này thực hiện tiếp sóng đài cấp trên và phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn (như nội dung thông tin đối với đài phường thuộc các quận).
Quy định về thời gian phát sóng như các quận nhưng thời lượng được phép kéo dài hơn, tối đa 45 phút/buổi phát sóng.
Tại các địa bàn giáp ranh, phường xã thị trấn phải trao đổi thống nhất vị trí cụm loa, thời gian phát thanh để không chồng lấn nội dung, gây bức xúc cho người dân.
Cùng với đó, Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền. Cụ thể, lắp đặt Bảng tin điện tử tại các khu vực công cộng và khu chung cư cao tầng; nhắn tin tới số thuê bao điện thoại nội dung chỉ đạo, điều hành của Thành phố.
Thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống tại các phường thuộc quận nội thành...
Trước đó, tại Hội nghị của Sở Thông tin Hà Nội diễn ra ngay 9/1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”, nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ.
Theo ông Chung nhận định: “Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không”.
Chủ tịch Hà Nội nói thêm, có ý kiến người dân cho rằng, loa thường phát thông tin ngắn vào thời gian mọi người đã đi làm nên chỉ “toàn cụ già với trẻ con nghe”.
Đức Hòa (tổng hợp)