Những con số khiến không ít người giật mình khi số lượng cục trưởng tại các cơ quan trung ương lên tới 337 người, riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, Bộ KH&ĐT 63 người, Bộ Tư pháp là 57 người. Ngoài ra, số lượng phó cục trưởng tại các cơ quan trung ương cũng lên tới 767 người; vụ trưởng là 218, phó vụ trưởng là 593 người; giám đốc sở và tương đương 1.200 người; trưởng phòng và tương đương gần 4.600 người.
Báo Đất Việt và Tiền Phong cho hay theo báo cáo của Chính phủ đánh giá giai đoạn 2011 – 2016, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tăng đầu mối bên trong, với nhiều tầng nấc trung gian. Đáng lưu ý, số lượng cấp phó còn vượt quy định.
Số lượng vượt biên chế ngày càng tăng. Ảnh minh họa |
Không chỉ vậy, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trên số công chức còn rất cao. Thống kê cũng cho thấy, số lượng thứ trưởng tính đến ngày 22/12/2016 có 106 người, bộ nhiều nhất có tới 7 thứ trưởng.Cùng với đó, số lượng cục trưởng tại các cục lên đến 337 người, riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, Bộ KH&ĐT 63 người, Bộ Tư pháp là 57 người.
Ngoài ra, số lượng cục phó tại các cơ quan trung ương cũng lên đến 767 người, vụ trưởng là 218, phó vụ trưởng là 593 người, giám đốc sở và tương đương 1.200 người, trưởng phòng và tương đương gần 4.600 người.
Trong báo cáo cũng chỉ rõ, tổng biên chế công chức có trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện tính đến năm 2016 có gần 270 nghìn người. Trong đó có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, thôn cũng đã lên đến 234 nghìn người, mỗi năm ngân sách phải chi tới 32.400 tỷ đồng để trả lương.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tăng đầu mối bên trong, với nhiều tầng nấc trung gian dẫn tới số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trên số công chức còn rất cao.
Trước đó, trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng, Trưởng ban Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói về tình trạng biên chế có xu hướng phình ra.
Ông Chính cũng cho biết mục tiêu của nghị quyết là từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế. "Nếu vậy thì chúng ta giảm được 400.000 biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45.000 tỷ đồng. Nếu giảm được như vậy thì chúng ta làm sân bay Long Thành cũng nhẹ nhàng thôi"- ông Chính phân tích một kịch bản sáng sủa nếu thực hiện đúng như nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên trên thực tế tình trạng cán bộ, công chức và cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố rất khổng lồ.
Số cán bộ hưởng lương từ ngân sách gần 1,3 triệu người, trong đó, cán bộ, công chức cấp xã hơn 234 nghìn người. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố chiếm hơn 32.400 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với đó, giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này cũng chỉ rõ, vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất, vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu.
Ngoài ra Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT không tổ chức "phòng trong vụ", vẫn có 16 bộ, cơ quan duy trì mô hình này, với tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng như Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, NHNN Việt Nam… có từ 5 –7 phòng/vụ.
Hồng Hạnh (tổng hợp)